Dự hội nghị có: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo của 14 tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Ðà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận; các chuyên gia, nhà khoa học.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết trên cơ sở Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung được phê duyệt, các đại biểu cần tiếp tục làm rõ các cơ chế, chính sách cần thiết để thiết chế vùng hoạt động hiệu quả; các nội dung kết nối vùng; những nhiệm vụ đã hoàn thành sau 3 phiên họp; đánh giá nguyên nhân, bài học kinh nghiệm đối với những việc chưa làm được.
“Việc triển khai Quy hoạch vùng rất quan trọng, trước mắt, trong 3 năm còn lại của nhiệm kỳ, từng địa phương, tiểu vùng cần đề xuất những dự án ưu tiên kết nối vùng, tiểu vùng, liên vùng, trên cơ sở nguồn lực có thể huy động, đem lại hiệu quả cao nhất”, Phó Thủ tướng nói.
Nhiều điểm nghẽn phát triển dần được khơi thông
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, Bộ KH&ĐT cho biết, nhận thức của các cấp, các ngành, nhất là các địa phương trong vùng ngày càng được nâng cao.
Nhiều điểm nghẽn đối với phát triển dần được khơi thông, tiềm năng, lợi thế của vùng và từng địa phương trong vùng đang được phát huy; đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Tư duy về liên kết vùng dần được đổi mới, đã hình thành cơ chế điều phối vùng.
Các đề án, nhiệm vụ đang triển khai hoặc đã có kết quả cụ thể, đóng góp chung vào sự phát triển của vùng như: Khởi công các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, có tính liên kết vùng; ban hành và triển khai nghiên cứu các cơ chế, chính sách đặc thù để tạo đột phá cần thiết cho vùng và một số địa phương trọng điểm; hoàn thành công tác quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Nguồn vốn ngân sách nhà nước đã tập trung đầu tư, nhất là đầu xây dựng tư hạ tầng giao thông, đường cao tốc, cảng biển, sân bay cho hạ tầng vùng.
Hội đồng Vùng đã hoàn thành được 12/23 nhiệm vụ được giao. Các bộ, ngành, địa phương đang khẩn trương triển khai 11 nhiệm vụ còn lại, cần sự nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan, có thời gian triển khai trong năm tiếp theo.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của vùng còn thấp so mục tiêu đặt ra. Kinh tế biển chưa có tính đột phá. Hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa có nhiều chuyển biến, chưa phát huy được ở mức cao nhất lợi thế của các hạ tầng kinh tế khác như sân bay, cảng biển. Tăng trưởng du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, thiếu sản phẩm du lịch đặc sắc.
Thể chế liên kết vùng chưa đủ tính pháp lý để bảo đảm hiệu lực thực thi. Nguồn vốn đầu tư phát triển còn hạn chế, huy động nguồn lực các địa phương trong vùng còn thấp. Hệ thống hạ tầng giao thông, thông tin kết nối chưa đồng bộ.
Nguồn nhân lực chưa được huy động và sử dụng hiệu quả, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao. Thu nhập của người dân trong vùng còn thấp, còn nhiều khó khăn.
Bộ KH&ĐT đã chủ trì nghiên cứu, phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương trong vùng đề xuất 4 nhóm cơ chế, chính sách trọng tâm: Liên kết, phát triển vùng, đầu tư các chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng; phát triển các ngành kinh tế biển; khuyến khích phát triển doanh nghiệp và thu hút nguồn lực nhằm khai thác có hiệu quả cao tiềm năng, thế mạnh của vùng; nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội vùng (giao thông, y tế, giáo dục,…).
Lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương kiến nghị rà soát, xem xét mở rộng phạm vi áp dụng những cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của một số địa phương trong vùng ra toàn vùng – Ảnh: VGP/Minh Khôi
Giao thông tiếp tục đi trước, mở đường
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thảo luận về một số nội dung: Xác định các dự án động lực phát triển cho vùng và liên kết với các vùng khác; đề xuất tổ chức và cơ chế hoạt động của các tiểu vùng; liên kết các hoạt động phát triển công nghiệp và thương mại; xây dựng Đề án phát triển các trung tâm logistics gắn với cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số; cơ chế điều phối, liên kết các hoạt động du lịch liên quốc gia, liên vùng, liên tỉnh; rà soát, kiện toàn năng lực của các trung tâm tìm kiếm cứu nạn trong vùng và đề xuất giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên thực hiện; cơ cấu lại nông nghiệp của vùng theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái, bền vững; xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ Hội đồng…
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, cùng với việc tiếp tục phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương trong kêu gọi đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn. Các địa phương cần giải quyết dứt điểm các vướng mắc, khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ các tuyến giao thông kết nối liên vùng như cao tốc Bắc-Nam.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đồng tình với định hướng nghiên cứu, đề xuất ưu tiên triển khai những tuyến giao thông huyết mạch, “đi trước, mở đường”, kết nối nội vùng theo trục ngang Đông – Tây và với vùng Tây Nguyên, các địa phương của Lào, Campuchia, Thái Lan… sớm hơn so với thời gian đặt ra trong quy hoạch.
TS. Trần Du Lịch nêu quan điểm, các dự án giao thông được nêu trong quy hoạch vùng phải được coi là đột phá của đột phá. Hội đồng Vùng cần có quyết tâm rất cao cùng với sự hỗ trợ của Trung ương để tạo cơ chế chính sách thu hút, huy động nguồn lực để phát triển hệ thống đường xương cá, đường ven biển.
“Hội đồng cần lấy ý kiến của các địa phương lựa chọn những dự án kết nối tiểu vùng, nội vùng, liên vùng cần ưu tiên đầu tư”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gợi mở.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung kiến nghị rà soát, xem xét mở rộng phạm vi áp dụng những cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của một số địa phương trong vùng ra toàn vùng.
“Các địa phương được thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển cần khẩn trương tổng kết, đề xuất áp dụng cho cả vùng”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Lãnh đạo các tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Quảng Nam, TP. Đà Nẵng thống nhất đề xuất thành lập các quỹ vùng về phát triển hạ tầng, phòng chống thiên tai, xúc tiến du lịch… để tạo nguồn lực thực hiện những công trình, dự án của vùng, các địa phương cũng có sự liên kết chặt chẽ hơn về kinh tế, trách nhiệm; cho phép phát hành trái phiếu địa phương gắn với dự án cụ thể, mang tính cấp bách, trọng điểm.
Phó Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo đề xuất lập quỹ phát triển của vùng.
Các dự án kết nối vùng tạo động lực phát triển chung
Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá hoạt động phối hợp giữa Bộ KH&ĐT, các bộ, ngành, địa phương trong vùng ngày càng nhuần nhuyễn, hiệu quả hơn.
Phó Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu, nhằm hoàn thiện báo cáo sơ kết thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; kết quả thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng; đề xuất với cấp thẩm quyền những giải pháp, cơ chế, chính sách thực hiện hiệu quả chủ trương về liên kết, kết nối, phát triển vùng.
Trong quá trình xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng, Phó Thủ tướng cho rằng phiên họp của Hội đồng bước đầu đưa ra tiêu chí, cơ sở, lộ trình triển khai kế hoạch với những dự án có ý nghĩa, giá trị liên địa phương, kết nối, tạo ra động lực phát triển chung, nguồn nhân lực chung cho cả vùng.
Bên cạnh những nhiệm vụ đã hoàn thành, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương thực hiện những nhiệm vụ còn lại của Hội đồng như: Đề xuất những công trình, dự án kết nối, lan toả; cơ chế tổ chức, vận hành của các tiểu vùng; cơ sở dữ liệu thông tin của vùng…
Trao đổi về các ý kiến, đề xuất tại phiên họp, Phó Thủ tướng khẳng định vùng ưu tiên cao cho các dự án giao thông ven biển, kết nối duyên hải Trung Bộ với Tây Nguyên, một số địa phương của Lào, Campuchia, Thái Lan…; chú trọng phát triển hạ tầng năng lượng tái tạo để thu hút các dự án đầu tư lớn với các trung tâm năng lượng tái tạo đi kèm cơ chế mua bán điện trực tiếp, hình thành các khu công nghiệp sử dụng điện tái tạo “tự sản, tự tiêu”, không đấu nối lên lưới điện quốc gia.
Đối với chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho vùng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu có chính sách cụ thể về đất đai, tài chính, thu hút nhân tài… nhằm xây dựng có những cơ sở giáo dục đại học tầm cỡ, đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng trước mắt và lâu dài.
Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng trong việc hình thành sản phẩm du lịch mới từ các sự kiện văn hoá, Phó Thủ tướng cho rằng, những bài học, kinh nghiệm, thành công của các sự kiện văn hoá, con đường di sản cho thấy cần có chiến lược kết nối, phát triển du lịch của vùng với sự tham gia của Nhà nước, địa phương, doanh nghiệp.
“Bộ VHTT&DL chuẩn bị tiến hành hội nghị của vùng về kết nối du lịch nhằm đánh giá lại quy hoạch du lịch; hoạt động tổ chức các sự kiện văn hoá, du lịch di sản; sự chia sẻ, kết nối giữa các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận tải”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng cho gợi mở những vấn đề đặt ra đối với vị trí pháp lý, vai trò, trách nhiệm, mối quan hệ của Hội đồng Vùng với Chính phủ, các bộ, ngành trong đề xuất, quyết định đầu tư và bố trí nguồn lực cho các dự án có tính kết nối, lan toả nội vùng, liên vùng; mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động của cơ quan tư vấn cho Hội đồng Vùng, tổ điều phối tiểu vùng;…
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/uu-tien-cac-du-an-ket-noi-lien-vung-ha-tang-nang-luong-tai-tao-vung-bac-trung-bo-va-duyen-hai-mien-trung-374366.html