Năm 2024 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc Việt Nam, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 70 năm Giải phóng Thủ đô và 79 năm Ngày Quốc khánh.
Ngày 6.12.1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông – Xuân 1953 – 1954, đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 – 19.5.2024) cùng nhìn lại vai trò to lớn của Người trong hành trình đưa Cách mạng Việt Nam đi tới thắng lợi.
Ngày Quốc khánh – khát vọng độc lập và tự do
Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh trang trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập”. Ngày 2.9.1945 đã được định danh là ngày Độc lập, từ đó trở thành Ngày Quốc khánh và cũng là ngày khai sinh ra “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Đây là một sự kiện trọng đại, đánh dấu sự ra đời của một Nhà nước độc lập, tự do và dân chủ.
Bản Tuyên ngôn Độc lập không chỉ khẳng định quyền tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam mà còn truyền tải thông điệp mạnh mẽ về khát vọng hòa bình, công lý và quyền tự quyết của mỗi con người. Từ đó đến nay, ngày 2 tháng 9 hàng năm đã trở thành Ngày Quốc khánh, là dịp để toàn dân tộc ôn lại truyền thống anh hùng, củng cố niềm tin và quyết tâm xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Chỉ hơn một tháng sau ngày tuyên bố độc lập (22.10.1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi tới Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ thông điệp của Nhà nước Việt Nam: “Những nguyên tắc cao quý của sự công bằng và bình đẳng quốc tế về địa vị được nêu trong Bản Hiến chương đã lôi cuốn mạnh mẽ dân Việt Nam và góp phần làm cho cuộc kháng chiến của Việt Minh ở các vùng có chiến tranh thành một phong trào kháng Nhật rộng khắp quốc gia, có tiếng vang mạnh mẽ trong những khát vọng về dân chủ của dân chúng. Hiến chương Đại Tây Dương được xem như nền tảng của nước Việt Nam trong tương lai”. Từ đây, nhân dân Việt Nam đồng lòng, kề vai sát cánh bảo vệ nền độc lập còn non trẻ của đất nước.
Chiến thắng Điện Biên Phủ – bước ngoặt lịch sử
Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 là một trong những sự kiện lịch sử quan trọng nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20. Đây là chiến thắng quân sự lớn nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đánh dấu sự kết thúc của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kéo dài gần một thế kỷ của nhân dân Việt Nam và mở ra một trang mới trong lịch sử dân tộc. Đây không chỉ là chiến thắng quân sự mà còn là biểu tượng của tinh thần quật khởi, lòng quyết tâm và sự sáng tạo trong chiến thuật của quân và dân ta.
Không gian trưng bày tượng Bác và hiện vật lịch sử tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Ảnh: Hải Nguyễn
Trong cuộc chiến này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tầm nhìn chiến lược và không ngừng khích lệ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta. Với tầm nhìn xa trông rộng, Người nhận ra rằng chiến thắng tại Điện Biên Phủ không chỉ là một chiến thắng quân sự mà còn là một thắng lợi về mặt chính trị, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đàm phán và ký kết Hiệp định Genève, dẫn đến việc chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Genève do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam tạo dựng đã tạo động lực mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh vì hòa bình và độc lập dân tộc, khởi đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn cầu. Từ năm 1954 đến 1964, có tới 17 trong số 22 thuộc địa của Pháp giành được độc lập; riêng trong năm 1960, có tới 17 quốc gia ở châu Phi tuyên bố độc lập.
Thống nhất đất nước
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc Việt Nam được giải phóng và bắt đầu bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn dắt cả nước vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để xây dựng một miền Bắc mạnh mẽ, làm hậu phương vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam. Người luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học tập và nâng cao trình độ dân trí, xem đó là nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Người, miền Bắc đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, cung cấp sức người, sức của chi viện cho “tiền tuyến lớn miền Nam”. Người đã khẳng định quyết tâm giành độc lập, tự do cho dân tộc, đồng thời kêu gọi toàn dân đoàn kết, kiên trì đấu tranh cho đến thắng lợi cuối cùng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra nhiều quyết sách quan trọng, từ việc xây dựng lực lượng vũ trang, tổ chức các chiến dịch quân sự lớn, đến việc đẩy mạnh công tác ngoại giao để tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, Người đã truyền cảm hứng và lòng tin cho toàn dân tộc, giúp Việt Nam vượt qua mọi thử thách và gian khổ để giành thắng lợi cuối cùng vào mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà lãnh đạo kiệt xuất mà còn là một biểu tượng của lòng yêu nước và tinh thần cách mạng. Người đã dành cả cuộc đời mình để đấu tranh cho độc lập, tự do và hạnh phúc của dân tộc Việt Nam. Những tư tưởng và đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho các thế hệ người Việt Nam, góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam ngày càng phát triển và thịnh vượng.
Trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước đang trên đà phát triển và hội nhập quốc tế, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng trở nên quan trọng và cấp thiết. Đó chính là cách để chúng ta tiếp tục giữ vững và phát huy những giá trị tốt đẹp mà Người đã để lại, góp phần xây dựng một Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.
Laodong.vn
Nguồn:https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/bac-ho-va-nhung-moc-son-choi-loi-trong-lich-su-dan-toc-1341049.ldo