Tại cuộc gặp với Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái mới đây, các lãnh đạo cao cấp của Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) đã bày tỏ mong muốn đầu tư một trung tâm dữ liệu (DC) ở Khu công nghệ cao TP.HCM. Hyosung là tập đoàn đang đứng thứ 3 thế giới về sản xuất máy ATM và kế hoạch của họ nằm trong tiến trình hiện đại hóa hệ thống ngân hàng ở VN. Nhà đầu tư Hàn Quốc hiện có gần 10.000 dự án đang hoạt động tại VN với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 87 tỉ USD, lớn nhất trong các nước. Trong đó, Hyosung là đối tác đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) Hàn Quốc lớn thứ 3 ở VN, chỉ sau Samsung và LG. Từ năm 2007, tập đoàn này đã đầu tư hơn 4 tỉ USD ở VN về các lĩnh vực chính như công nghiệp nguyên vật liệu, dệt, hóa học, hệ thống điện. Gần đây nhất, Hyosung đã đầu tư dự án nhà máy sợi carbon với tổng vốn đầu tư 720 triệu USD tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Tương tự, Công ty VNG Corporation (VNG) sau khi xây dựng thành công trung tâm dữ liệu tại Khu chế xuất (KCX) Tân Thuận ở TP.HCM vào năm 2022, ngày 15.5 vừa qua đã công bố hợp tác với ST Telemedia Global Data Centres (Singapore) để xây dựng trung tâm dữ liệu STT VNG Ho Chi Minh City 2 và cùng vận hành trung tâm hiện tại STT VNG Ho Chi Minh City 1. Cả hai đều được đặt tại KCX Tân Thuận, theo tiêu chuẩn quốc tế. Trung tâm dữ liệu 2 có công suất điện lên đến 60 MW, được dùng để phục vụ các dịch vụ trong nước và cả nước ngoài, có khả năng truy cập các mạng biến áp lân cận, mạng viễn thông thiết yếu, các tuyến giao thông, trung tâm kinh doanh và công nghiệp, cũng như các tỉnh khác thông qua đường cao tốc Vành đai ngoài TP.HCM. Tuy cho rằng việc khai thác trung tâm mới còn tùy thuộc vào thị trường, song ông Lionel Yeo, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á của ST Telemedia Global Data Centres, khẳng định chắc chắn rằng VN là một trong những thị trường phát triển trung tâm dữ liệu nhanh nhất thế giới. Điều này có nghĩa là việc xây dựng trung tâm STT VNG Ho Chi Minh 2 của liên doanh này sẽ sớm được triển khai. Dự kiến, STT VNG Ho Chi Minh City 2 được xây dựng và đưa vào hoạt động vào nửa đầu năm 2026.
Theo JLL VN, nước ta đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn của các “ông lớn” viễn thông và công nghệ quốc tế. Một số dự án có thể kể tên như trung tâm dữ liệu công suất 20 MW của Gaw Capital (Hồng Kông) tại Khu Công nghệ cao TP.HCM; dự án công suất 30 MW của Worldwide DC Solution (Singapore); dự án hợp tác giữa NTT (Nhật Bản) với DQ Tek (VN).
Đáng chú ý, “gã khổng lồ” thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba cũng đã công bố kế hoạch thành lập DC tại VN. Theo Nikkei Asia, hiện Alibaba đang thuê máy chủ của nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Viettel và VNPT. Thông tin chi tiết về kinh phí và thời gian triển khai vẫn chưa được công bố chính thức song Nikkei Asia ước tính thường để xây dựng một trung tâm dữ liệu có thể tiêu tốn hơn 1 tỉ USD nhằm bắt kịp nhu cầu tại một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á. Bà Celina Chua, Giám đốc Giải pháp khách hàng Trung tâm dữ liệu của JLL, đồng quan điểm khi cho rằng VN đang ở vị trí ưu tiên trong danh sách các quốc gia mà các nhà đầu tư và vận hành đang tìm hiểu khi xây dựng và xâm nhập thị trường. Nhờ có vị trí địa lý chiến lược cùng các chính sách kinh tế năng động, dân số trẻ am hiểu công nghệ và nhu cầu địa phương hóa dữ liệu, VN đang trở thành một trung tâm quan trọng cho trung tâm dữ liệu ở châu Á. Theo JLL, việc Google, Amazon, Microsoft, Tencent đầu tư DC riêng tại VN chỉ là vấn đề thời gian. Trước đó, trong một báo cáo về thị trường châu Á – Thái Bình Dương, Công ty nghiên cứu Savills cũng nhìn nhận ngành DC của VN là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới.
Cùng với hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng internet kết nối vạn vật (IoT), điện toán đám mây (cloud), cũng như lợi thế về vị trí chiến lược, chính sách năng động… các chuyên gia cho hay VN đang được đánh giá là một trong những thị trường có tốc độ phát triển DC và cloud nhanh nhất tại ASEAN, là một trong 10 thị trường DC mới nổi trên thế giới nên tiềm năng hấp lực các tập đoàn lập DC tại đây rất lớn. Theo Research and Markets, thị trường này có thể đạt 1 tỉ USD vào năm 2028, tốc độ tăng trưởng bình quân gần 11% mỗi năm.
Chuyên gia công nghệ thông tin, TS Đặng Minh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu công nghệ ứng dụng CMC, đánh giá VN có nhiều lợi thế để thu hút các ông lớn công nghệ đầu tư DC. Thứ nhất là nền tảng pháp lý. Luật pháp VN yêu cầu các công ty công nghệ nước ngoài muốn hoạt động phải có máy chủ đặt tại VN, không lưu dữ liệu ở nước ngoài. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ VN đang rất tiềm năng, dân số vàng, xã hội năng động… Các tập đoàn muốn phát triển tại thị trường này bắt buộc phải đầu tư hạ tầng máy chủ tại VN. Thứ 2, chi phí hạ tầng tại VN tương đối rẻ so với các nước phát triển và đang phát triển khác. Chẳng hạn về internet, VN nằm trong số các quốc gia có nền tảng internet phủ khắp với chi phí rẻ, thậm chí gần như miễn phí. Khách du lịch đến VN rất dễ để có thể kết nối internet miễn phí tại bất kỳ quán xá nào, kể cả quán vỉa hè. Trong khi đó, tại các nước như Mỹ và châu Âu, khách phải trả phí để sử dụng internet hoặc nếu có dùng miễn phí tại quán ăn thì tốc độ cũng khá hạn chế, hoặc phải trả tiền theo giờ.
Đoàn lãnh đạo NVIDIA tham quan và trải nghiệm tại DC Tân Thuận
CTV
“Cứ ra nước ngoài sẽ thấy chi phí mua gói cước mạng 3G, 4G rất cao, cao hơn VN rất nhiều nhưng tốc độ lại không cao. Trong khi đó, VN vừa có giá thành mạng rẻ lại có tốc độ cao. Doanh nghiệp lớn đầu tư tại đây vừa đáp ứng đúng luật, vừa có lợi thế truy cập nhanh, dịch vụ tốt hơn, rất có lợi cho hoạt động kinh doanh của họ. Hơn nữa, về địa chính trị, VN hiện là cửa ngõ giao thoa của nhiều bên. Lựa chọn chính sách là đối tác chiến lược với nhiều nước, đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, Nhật Bản… khiến VN trở thành vùng đất có thể hấp dẫn các nhà đầu tư công nghệ lớn từ Mỹ, châu Âu, châu Á, trong đó có Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. VN cũng đang đẩy mạnh phát triển và thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm lĩnh vực trí tuệ nhân tạo AI – ChatGPT… Để có sản phẩm thì phải có trung tâm dữ liệu lớn để phục vụ các mô hình này. Hơn nữa, chi phí đầu tư hạ tầng DC tại VN có vẻ rẻ hơn, chi phí nhân công thấp hơn, kết hợp với hạ tầng mạnh. Có thể nói, các yếu tố cần và đủ để đầu tư DC tại VN đều có. Đó cũng là điều cơ bản đủ để hấp lực các ông lớn công nghệ đến VN”, TS Tuấn nhấn mạnh.
Cơ sở để JLL tin tưởng VN có thể đột phá trong thu hút đầu tư DC của các ông lớn công nghệ còn liên quan đến Quy hoạch điện 8 mới được phê duyệt của VN, đặt ra chiến lược nhằm nâng tổng công suất phát điện của quốc gia từ khoảng 80 GW lên 155 GW thông qua đa dạng hóa cơ cấu năng lượng, giảm phụ thuộc vào điện than và chuyển sang các nguồn năng lượng bền vững hơn. “Quá trình chuyển đổi này rất quan trọng để đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định và tin cậy nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của lĩnh vực trung tâm dữ liệu vốn tiêu tốn nhiều năng lượng và đang phát triển nhanh chóng ở VN”, báo cáo nêu. Trong khi đó, luật Viễn thông 2023 sẽ có hiệu lực từ tháng 1.2025, cung cấp một khung pháp lý chặt chẽ và rõ ràng hơn cho các dịch vụ DC và cloud dưới dạng dịch vụ viễn thông.
Bà Celina Chua nhấn mạnh các khảo sát của JLL cho thấy VN đã sẵn sàng tận dụng các cơ hội nói trên, với sự hỗ trợ ngày càng tăng từ Chính phủ và nhu cầu ngày càng lớn về các dịch vụ kỹ thuật số, giúp định hình một tương lai đầy hứa hẹn cho ngành này tại đây. Đáng lưu ý, chi phí xây dựng và vận hành DC tại VN được cho là “lợi thế lớn”, từ khoảng 6 – 13 triệu USD/MW.
Báo cáo chi phí xây dựng trung tâm dữ liệu năm 2023-2024 của Cushman & Wakefield cho biết VN có giá đất trung bình thấp nhất khu vực, với 168 USD/m2 cho các dự án DC. Chi phí xây dựng thấp cũng là yếu tố khiến đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu tại VN trở thành lựa chọn hàng đầu. “So với các thị trường trưởng thành, thị trường DC tại VN còn đang trong giai đoạn sơ khai, tốc độ phát triển khiêm tốn hơn. Nhưng với chi phí xây dựng và giá đất cạnh tranh, cùng với vị trí địa lý đắc địa, VN là thị trường mới nổi luôn nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư”, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield VN, đánh giá.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện quản lý kinh tế trung ương, phân tích: VN là một đất nước đang phát triển có dân số đông, dân số vàng, chiến lược chuyển đổi số quyết liệt… Trong bối cảnh đó, dữ liệu đóng vai trò cực kỳ quan trọng và có thể khẳng định nhu cầu phát triển trung tâm dữ liệu tại VN còn rất lớn. Theo tính toán, VN có 30 DC thì trung bình mỗi năm phải đầu tư xây dựng thêm 3 DC mới có thể cơ bản đáp ứng được nhu cầu. Đến nay, luật cho phép nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia đầu tư 100% vào dịch vụ DC; luật Viễn thông sẽ có hiệu lực từ tháng 1.2025, sẽ cung cấp một khung pháp lý rõ ràng, chặt chẽ hơn cho các dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây dưới dạng dịch vụ viễn thông. Với cách tiếp cận quản trị linh hoạt như vậy, chắc chắn VN sẽ là “hub” quan trọng liên quan đến phát triển số như kinh tế số, chuyển đổi số và xã hội số mà nhiều nhà đầu tư nhìn thấy.
Ông Thành nhấn mạnh: Trong 3 động lực tăng trưởng, bao phủ nền kinh tế VN hiện tại và tương lai gần là tăng trưởng xanh, chuyển đổi số và hợp tác thương mại với thế giới đều liên quan trung tâm dữ liệu để có thể kết nối và phát triển. Trong đó, tăng trưởng xanh không chỉ là vấn đề chính trị, đáp ứng cam kết giảm phát thải carbon về 0 của VN với thế giới mà đơn giản là đòi hỏi, yêu cầu của thị trường. Chúng ta không tăng trưởng xanh thì sẽ giảm lượng người “chơi” với chúng ta và dần dần họ “nghỉ chơi” luôn; đó là xu thế của thế giới. Thứ 2, chuyển đổi số đã và đang tạo ra thay đổi cực kỳ lớn, là cuộc cách mạng trong toàn bộ đời sống thường nhật, phương thức sản xuất kinh doanh… và yêu cầu này chắc chắn phát triển mạnh. Nếu VN chuyển đổi số tốt, thành công, năng suất có thể tăng 15 – 20%. Thứ 3, trong thế giới phẳng, kết nối với thế giới qua công nghệ là tất yếu, nhưng kết nối bằng hợp tác với các quốc gia là quan trọng. Lợi thế lớn của VN hiện nay là tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, đối tác chiến lược toàn diện với các thị trường lớn thế giới… là động lực tăng trưởng của VN, đồng thời là yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư DC.
Tuy nhiên, ông Thành cũng bày tỏ lo ngại: Để vận hành các DC cần nguồn điện ổn định và cả bền vững, tức nguồn năng lượng tái tạo. Không chỉ ổn định, nhà đầu tư DC sẽ đặt ra yêu cầu về tỷ lệ sử dụng và đáp ứng nguồn điện xanh phù hợp. Hiện Quy hoạch điện 8 của chúng ta đặt ra nhiều tham vọng trong chuyển đổi năng lượng, giảm phụ thuộc điện than và chuyển sang các nguồn năng lượng bền vững hơn. Tuy vậy, ngành năng lượng VN đang đối diện nhiều thách thức, trong đó có vấn đề về thời gian do quy hoạch chậm ban hành, kế hoạch triển khai cũng chậm. Trong khi đó, nhu cầu điện năng tăng theo từng năm, khoảng 10 – 11% mỗi năm. Trong bối cảnh thu hút nhà đầu tư DC sắp tới, phải chú ý mục tiêu đạt được net zero vào năm 2050. Thế nên, muốn đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư thì các dự án trọng điểm về năng lượng cần phải “vừa làm vừa chạy”, không thể chờ để có một khung pháp lý, một cơ chế hoàn hảo rồi mới đi vào thực hiện. “Để nắm bắt cơ hội lớn này, kéo được các ông lớn lập DC tại VN, cần sự đồng bộ, đồng lòng từ Chính phủ, bộ ngành và các địa phương để sớm hoàn thành các dự án năng lượng lớn quốc gia, tạo hạ tầng năng lượng tốt để nhà đầu tư yên tâm”, TS Võ Trí Thành nói.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/viet-nam-mien-dat-hua-cho-cac-trung-tam-du-lieu-185240518174952332.htm