‘Càng sưu tập tem, bưu ảnh Bác Hồ, tôi càng tìm thấy những bài học sâu sắc mà Bác đã để lại trong cả cuộc đời Người’.
“Thật ý nghĩa, anh Lộc đã dành nhiều thời gian để thực hiện và tôi cũng sẽ cần rất nhiều thời gian để tham quan và nghiền ngẫm” – ông Phú, người khách tham quan lớn tuổi nhất trong khán phòng triển lãm “Hành trình theo chân Bác Hồ qua bưu ảnh” tại Nhà văn hóa Phụ Nữ TP.HCM, tấm tắc trong lúc chăm chú xem từng bức ảnh và đọc dòng thuyết minh.
Bên cạnh, ông Nguyễn Đại Hùng Lộc, tác giả bộ sưu tập, say sưa thuyết trình với nhóm bạn trẻ xúm xít đứng quanh…
Hành trình vạn dặm của Nguyễn Ái Quốc
Chúng tôi dạo quanh 12 khung trưng bày, mỗi khung 12 trang, mỗi trang chứa 3-4 tấm bưu ảnh gốc đã được xuất bản, đi qua đường bưu chính trong thời gian thực mà bước chân Nguyễn Tất Thành – Văn Ba, nhà cách mạng lỗi lạc Nguyễn Ái Quốc đã bôn ba khắp thế giới.
“Bưu ảnh là một sản phẩm bưu chính đặc biệt, bưu ảnh chứa trong nó phong cảnh, kiến trúc, lịch sử, con người, văn hóa, thời trang, thời đại… Tôi là người sưu tập tem, bưu ảnh từ khi còn học phổ thông. Tôi cũng là một đảng viên và rất mực yêu kính, khâm phục Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tôi chợt nghĩ đến đam mê của mình khi nghe cụm từ “không gian văn hóa Hồ Chí Minh” trong cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh mấy năm gần đây.
Không gian văn hóa không chỉ là căn phòng với hình ảnh, sách, hay những tài liệu, bài học về Hồ Chí Minh, tôi nghĩ đến việc tái hiện không gian mà người đã sống, đã nhìn ngắm, đã làm việc, đã học tập, suy ngẫm để rồi trở thành một người vĩ đại.
Và tôi chọn bưu ảnh để tái hiện. Đây là những bưu ảnh đã được in ấn và phát hành chính thức trên các địa phương, địa điểm trên thế giới vào chính thời điểm hành trình của Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh…”, ông Lộc giải thích về bộ sưu tập độc đáo của ông.
Câu chuyện anh Văn Ba với hai bàn tay trắng, cặp mắt sáng rực và hoài bão lớn lao lên con tàu Amiral Latouche Tréville tiến ra thế giới thì mọi người Việt Nam đều đã xúc động được biết, được học. Và tại triển lãm này, qua những tấm bưu ảnh của Huế năm 1907, Sài Gòn 1910, tàu Latouche Tréville 1911, Marseille (Pháp) – Boston (Mỹ) 1912, London (Anh) 1913, Paris 1917, Tours 1920…, mọi người được nhìn thấy những thành phố chàng thanh niên trẻ ái quốc ngày ấy đã đặt chân đến, những con đường mà anh đã bước qua, những con tàu, chiếc phà anh đã làm việc để đi khắp Âu – Phi – Mỹ, những khách sạn mà anh làm phụ bếp, những công viên nơi anh kiên nhẫn học từng từ tiếng Pháp, tiếng Anh, thư viện anh tìm đến để học những bài học về quyền độc lập của dân tộc.
Những tấm bưu ảnh qua cả trăm năm vẫn nguyên vẹn, tái hiện những chiếc tàu vượt đại dương to lớn, những bến cảng tấp nập, những thành phố rộng lớn văn minh, những khách sạn giàu có, thư viện lộng lẫy đầy ắp sách, công viên mênh mông xanh ngát… Quang cảnh thật đẹp và kể thật nhiều điều.
Lần đầu ra thế giới nhưng chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành tìm gặp nhiều người, tìm hiểu nhiều nền văn hóa, văn minh, nghiên cứu những trường phái triết học, tham gia hoạt động của các tổ chức xã hội, tự tổ chức cả một tờ báo và nuôi lớn hoài bão độc lập, tự do cho cả dân tộc mình trên mỗi bước chân.
“Tôi đã tìm được những bưu ảnh với những địa điểm, sự kiện mà trước giờ lịch sử chỉ ghi nhận bằng chữ: ảnh chụp toàn cảnh đại hội Đảng Xã hội Pháp tại thành phố Tours năm 1920 với gương mặt châu Á duy nhất của Nguyễn Ái Quốc ở góc phải cuối khung hình; ảnh Nhà tù Victoria (Hong Kong) nơi người tù Tống Văn Sơ bị bắt giam năm 1931 với nhiều lần ra tòa trước khi được trả tự do; ảnh Công viên Tống Vương Đài (Hong Kong) – một trong những nơi diễn ra hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930”, ông Nguyễn Đại Hùng Lộc tự hào chỉ vào những tấm bưu ảnh đặc biệt nhất trong bộ sưu tập.
“Và tất nhiên vẫn còn những khoảng trống lớn, như tôi chưa tìm thấy bất cứ bưu ảnh nào liên quan đến giai đoạn Hồ Chí Minh bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam ở Quảng Tây (Trung Quốc). Và vì thế mà bộ sưu tập này vẫn mở, tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm và bổ sung trong thời gian tới”, ông Lộc nói tiếp.
Động lực từ trong lịch sử
Nảy ra ý tưởng rồi tập hợp tư liệu về hành trình Hồ Chí Minh, dẫu đã có kho bưu ảnh “khủng” tích lũy qua nhiều năm sưu tập, ông Lộc vẫn phải thêm hai năm tập trung tìm kiếm những bưu ảnh bám sát theo từng địa điểm, giai đoạn, từng nhân vật.
“Và quá trình ấy đã cho tôi một cơ hội thật sự nghiên cứu, tìm hiểu về Bác Hồ, những bài học lớn tự mình nhận thức được, tình cảm sâu nặng tự mình cảm nhận được mà không phải thông qua một hình thức gián tiếp nào”, ông khẳng định. Và đằng sau lời khẳng định ấy lại vẫn còn những câu chuyện riêng…
Đầu năm 2022 là thời điểm mà ông Lộc cảm thấy mình bị suy sụp hoàn toàn về tinh thần lẫn vật chất. Doanh nghiệp mà ông điều hành đã ngưng hoạt động hơn một năm vì lệnh phong tỏa trong dịch covid. Cả gia đình đều mắc COVID. Người mẹ già hơn 90 tuổi mất mà không thể làm đám tang, bản thân ông vật lộn với căn bệnh bên máy thở suốt nhiều ngày mới vượt qua được.
Cuộc sống vận hành trở lại với bao nhiêu khó khăn không lường trước được, ông Lộc nghĩ chỉ có đam mê mới cứu được mình lúc này. Khi Đảng ủy khối doanh nghiệp mở cuộc vận động thực hiện Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ông đã bắt tay vào thực hiện bộ sưu tập của mình.
Ông Lộc tiếp tục những tâm sự: “Tập hợp, xác minh tư liệu rồi tìm kiếm bưu ảnh liên quan. Mua – trao đổi bưu ảnh từ bạn bè trong giới sưu tập trong ngoài nước. Tìm mua trên mạng, tham gia đấu giá…
Càng lao vào đam mê, tôi càng tìm thấy những bài học sâu sắc mà Bác Hồ đã để lại trong cả cuộc đời Người. 30 năm bôn ba nuôi lớn hoài bão, hun đúc quyết tâm của Người cho người ta thấy không khó khăn nào không thể vượt qua. Mấy tháng tìm bạn bè tìm sự ủng hộ năm 1946 tại Pháp cho thấy Người luôn luôn chọn đối thoại làm giải pháp đầu tiên và trì chí với giải pháp ấy để gìn giữ và mong cầu hòa bình…”.
Bộ sưu tập chứa rất nhiều câu chuyện, rất nhiều tình cảm, rất nhiều bài học, rất nhiều động lực ấy vẫn đang chờ người xem và suy ngẫm tại NVH Phụ Nữ TP.HCM…
Phạm Vũ – Tuoitre.vn
Nguồn:https://tuoitre.vn/ky-niem-134-nam-ngay-sinh-chu-tich-ho-chi-minh-buu-anh-ke-chuyen-bac-ho-20240518220720384.htm