Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi đã được báo Thiếu Niên Tiền Phong và Nhi Đồng phối hợp Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức ngày 18-5 tại Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-2024).
Với chủ đề Thiếu nhi Việt Nam vâng lời Bác Hồ dạy, trong lần tổ chức thứ tư này, cuộc thi có sự mở rộng hơn trước về hình thức dự thi (gồm cả viết, vẽ và video clip).
Ở phần thi tập thể, ban tổ chức nhận được 717 video dự thi của 717 trường thuộc 50 tỉnh, thành trên cả nước.
Ở phần thi cá nhân, hạng mục viết có hơn 53.000 thí sinh, hạng mục vẽ tranh có tới 85.000 bài dự thi, hạng mục thi video, ban tổ chức đã nhận được bài dự thi của gần 1.300 cá nhân từ 55 tỉnh thành trên cả nước.
Theo ban tổ chức, trong số đó có rất nhiều bài thi chất lượng tốt, được đầu tư công phu.
Ban tổ chức đã trao 16 giải tập thể, gồm 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 10 giải khuyến khích.
23 giải cá nhân gồm 1 giải đặc biệt, 1 giải nhất, 3 giải nhì, 3 giải ba và 15 giải khuyến khích.
Giải đặc biệt thuộc về Phạm Thảo Phương, học sinh lớp 7A4 Trường THCS Trần Phú, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình.
Thảo Phương có bố là bộ đội biên phòng, từ nhỏ đã được bố kể chuyện nhiều về Bác Hồ kính yêu. Khi tham dự cuộc thi, Thảo Phương cũng được bố gợi ý tìm sách vở, tài liệu phù hợp.
Em đã có một tác phẩm dự thi ấn tượng, xứng đáng là một “công trình”, với hơn 200 trang, gồm nhiều bài viết tìm hiểu về Bác Hồ, bộ sưu tập hình ảnh Bác Hồ với thiếu nhi, các bài thơ, văn đặc sắc thiếu nhi viết về Bác…
Đặc biệt, ghi nhớ lời Bác dạy: “Một tấm gương sống còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, Thảo Phương đã trình bày ý kiến đề xuất với cô giáo chủ nhiệm lớp, ban giám hiệu nhà trường để vận động các bạn học sinh toàn trường ký “Quyết tâm ra sức thi đua phấn đấu thực hiện tốt “5 điều Bác Hồ dạy” và lời nhắn gửi của Bác Hồ kính yêu”.
Thảo Phương đã thu thập chữ ký của hàng trăm học sinh trong trường và tập hợp vào trong công trình của mình.
Còn video giải nhất của em Nguyễn Trúc Linh (Trường THCS Đội Cung, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) được đầu tư rất công phu, dựng như một tiểu phẩm và Trúc Linh vào vai một người bà kể cho cháu nghe chuyện Bác Hồ đến thăm trại trẻ mồ côi Kim Đồng.
Thậm chí còn dựng cả cảnh Bác Hồ về thăm trại trẻ mồ côi, với diễn viên chuyên nghiệp của tỉnh Nghệ An là NSƯT Tả Dương vào vai Bác Hồ.
Video dự thi của Trúc Linh còn chuyên nghiệp tới mức có cả phần ngôn ngữ ký hiệu dành cho khán giả khiếm thính.
Nguồn: https://tuoitre.vn/cong-trinh-hon-200-trang-cua-hoc-sinh-lop-7-gianh-giai-dac-biet-cuoc-thi-bac-ho-voi-thieu-nhi-20240518174947231.htm