1. Quê hương, nơi mà mỗi con người được sinh ra và ít nhiều đã có tuổi thơ “dữ dội” theo từng năm tháng. Quê là nơi mà có lẽ dù sau này có bôn ba khắp nẻo đi chăng nữa, ai cũng muốn trở về.
Quê tôi nằm bên chân phá Tam Giang, với niềm tự hào lớn là hệ đầm phá lớn nhất Đông Nam Á. Đặc điểm địa hình quê tôi khá độc đáo. Nhìn từ trên cao như một dải lụa dài chạy dọc theo dòng chảy của phá Tam Giang. Người dân quê tôi được nuôi dưỡng bởi hai dòng nước đặc biệt, vị nước lợ đặc trưng của phá Tam Giang và vị nước mặn mòi của biển. Ngăn cách giữa hai dòng nước mặn và lợ ấy là một cồn cát cao, màu vàng. Ngày bé, mỗi chiều hè, đám bạn thường thi nhau leo lên đỉnh cồn cát. Ở đó, có thể nhìn thấy những trộ nò sáo đặc trưng trên phá Tam Giang và một màu xanh thẳm đến tận chân trời của biển cả.
Chính vì địa hình như thế mà ở quê đã chia ra hai dạng dân cư khác biệt. Đó là người dân sống ở trong làng, là những người sống sát với phá Tam Giang. Ở phía này, nhà ở luôn xây dựng hướng ra phá. Kinh tế phụ thuộc vào trồng trọt và nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản trên đầm phá Tam Giang. Dân cư còn lại là những ngôi làng sống ven biển. Nhà cửa ở đây đa số hướng đông, để đón gió nồm mát mẻ từ biển thổi vào. Kinh tế chủ yếu dựa vào đánh bắt sản vật từ biển cả.
Quê tôi, từng là xã bãi ngang với địa hình như kiểu bán đảo với trước phá, sau biển và bị chia cắt bởi cửa biển Thuận An ở phía nam và sông Ô Lâu ở phía bắc. Chính vì sự cô lập đó, mà kinh tế một thời gian dài chậm phát triển. Việc “cách trở đò giang” quá lớn, đến nỗi ở quê và TP. Huế chỉ cách nhau khoảng 25km đường chim bay, mà như hai thế giới vậy.
Tuổi thơ của chúng tôi lớn lên chỉ quanh quẩn trong khoảng sân bóng được tận dụng khi ruộng mạ đã được nhổ xong. Hay đơn giản buổi trưa hè là những lần trốn bố mẹ để cùng đám bạn ngụp lặn trong vị nước lợ của Tam Giang. Rồi chiều đến, cả đám lại leo qua cồn cát để tắm biển. Có lẽ, vì thấm vào mình cái vị lờ lợ, rồi mặn mòi đó mà đám bạn khi rời quê để đến với những vùng đất mới, ai cũng rắn rỏi, dạn dĩ hơn.
2. Địa hình có phần trắc trở như thế mà du lịch là khái niệm có lẽ không có trong từ điển của người dân quê tôi ngày đó. Dù phải thẳng thắn rằng, cảnh quan thiên nhiên không kém cạnh các vùng khác một chút nào.
Bước ngoặt lớn với Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền) và cả vùng Ngũ Điền (Phong Điền) là cây cầu Tam Giang xây dựng và thông xe chính thức từ năm 2010. Du lịch cũng được manh nha từ ngày đó. Giao thông đã được kết nối, thỉnh thoảng có những vị khách quốc tế đạp xe dọc theo tuyến Quốc lộ 49B để khám phá đời sống vùng làng quê. Hay những buổi chiều hè, khách ở TP. Huế chọn về Quảng Công tắm biển vì nơi đây còn hoang sơ và không tấp nập như các bãi biển khác trong tỉnh.
Tháng 7/2021, TP. Huế mở rộng địa giới hành chính hướng về phía Đông. Hải Dương, địa phương nằm ngay bên cạnh Quảng Công được sáp nhập vào thành phố. Quê tôi giờ cách thành phố chỉ đúng một con đường bê tông rộng khoảng 5m. Điều đó có nghĩa là, từ một làng quê nằm cách xa thành phố, nay quê tôi trở thành vùng ngoại ô, làng ven phố. Du lịch lúc này thâm nhập về với làng bên chân phá một cách sâu và rộng hơn trước.
Bẵng đi một thời gian, thực sự ngỡ ngàng vì quê hương phát triển nhanh quá. Buổi tối, làng như phố, đông vui nhộn nhịp. Nào là các quán cà phê, nhà hàng; nào là sân bóng, khu vui chơi cho thiếu nhi; nào là các quán ăn vặt phục vụ đến tận giữa đêm; nhà cửa khang trang hơn, đường sá rộng rãi.
3. Như một lẽ tất nhiên, khi kinh tế – xã hội ngày càng phát triển, du lịch cũng phát triển song hành để đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng… Làng ven phố như quê tôi, có sẵn nguồn tài nguyên du lịch thiên nhiên nên càng thu hút các nhà đầu tư về khai thác dịch vụ.
Mấy hôm nay, dân tình chia sẻ rần rần điểm nghỉ dưỡng có quy mô vừa phải, nhưng có thiết kế độc đáo, với những dịch vụ gắn với biển ngay tại quê có tên là “Ruốc Village”. Nhìn vào số lượt xem, bình luận, chia sẻ khi điểm du lịch này quảng bá trên mạng xã hội, đây sẽ là điểm “hot” của du lịch Huế trong mùa hè năm nay.
Trước đó, nhiều homestay cũng đã hình thành ở quê để đón những vị khách du lịch về lưu trú qua đêm. Trên hệ thống cung cấp thông tin đầu tư, một số dự án du lịch có quy mô lên đến hàng chục hecta đã bắt đầu nghiên cứu ở quê tôi…
Ngay trong dịp lễ 30/4 và 1/5 này, ngành du lịch huyện cũng đã chọn Quảng Công, Quảng Ngạn để tổ chức các hoạt động du lịch, khởi động mùa du lịch hè của huyện. Mới thấy, du lịch là hướng phát triển tiềm năng. Và như thế, Quảng Công chắc hẳn sẽ ghi một “dấu chấm” trên bản đồ du lịch Thừa Thiên Huế hiện tại và trong thời gian đến.
Du lịch phát triển, chắc chắn sẽ tạo thêm nhiều công ăn, việc làm mới; nhiều dịch vụ sẽ mọc lên để phục vụ khách du lịch. Du lịch biển, du lịch đầm phá và du lịch cộng đồng là những dịch vụ sẽ giúp Quảng Công ngày càng thu hút khách. Cơ quan quản lý Nhà nước cần có quy hoạch, định hướng các loại hình du lịch phù hợp. Cần có những lớp tập huấn kỹ năng làm du lịch cho những người dân mới hôm qua tay còn mùi bùn, còn ngửi thấy mùi tanh của tôm cá, nay là người phục vụ du lịch.
Thấy quê hương ngày càng phát triển thật mừng. Nhưng tốc độ đô thị hóa nhanh lại là mối lo như nhiều nơi khác là chuyện sốt đất. Về quê, nhiều bạn bè, người thân bảo rằng, giá đất tăng cao quá, người ở quê chẳng ai đủ tiền để mua được đất. Đây là thách thức cần được nhìn nhận, đánh giá. Liệu chăng trong ít năm nữa, cái “chất làng quê” ấy liệu có bị mất đi.