Tại buổi trao bằng tốt nghiệp được tổ chức ngày hôm nay (17/5), Đức Minh cũng là 1 trong 7 sinh viên đạt chuẩn đầu ra Tiếng Anh trên 8.0 điểm IELTS của Trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Tốt nghiệp chậm 1 học kỳ vì quyết đợi học 1 môn

Đức Minh sinh ra và lớn lên ở TPHCM, có ba từng là nhân viên kinh doanh tại một nhà máy cơ khí, mẹ là nhân viên bán thuốc.

Minh bảo điều may mắn đầu tiên của cậu là ba mẹ rất chú trọng giáo dục nên đầu tư nhiều vào việc học cho con cái. Bên cạnh đó, gia đình cũng “thoáng” trong nhiều chuyện, đặc biệt rất tin tưởng con cái có thể tự lập và tự theo đuổi con đường của mình. 

Điều may mắn thứ hai với Minh là việc cậu từng học ở Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, với những người bạn có nội lực mạnh mẽ.

“Họ luôn tự mình tìm tòi đến cái mới, cái chuyên sâu hơn mà không cần ai phải nhắc nhở” – Minh nói. Khi lên đại học, cậu cũng được học và làm việc chung với các sinh viên giỏi và nghị lực. 

Đức Minh có 2 lần thi IELTS đều đạt 8.5. Ảnh: L.H

Năm 2019, Đức Minh chọn Trường ĐH Tôn Đức Thắng vì “gần nhà, tiện đi lại”, theo đuổi ngành Ngoại ngữ vì “phù hợp với sở thích được giao tiếp, làm việc với những người đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau” của bản thân cậu.

Nói về việc trở thành thủ khoa đầu ra của trường, Minh bảo đó là một quá trình cố gắng phấn đấu từng môn, từng học kỳ. Tuy nhiên, Minh vẫn có điều tiếc nuối là tốt nghiệp chậm 1 học kỳ vì lý do bất khả kháng.

Ở Trường ĐH Tôn Đức Thắng, ngoài Giáo dục thể chất, mỗi sinh viên sẽ còn tự chọn một môn học nữa mà mình thích hoặc cảm thấy phù hợp. Minh đã chọn môn học Ngôn ngữ xã hội và văn hoá. Tuy nhiên, số sinh viên cùng chọn học môn này không đủ để mở lớp.

Khi biết điều này, nhiều giảng viên đã khuyên Minh nên chọn môn học khác để ra trường đúng hạn. Tuy nhiên, vì quá thích môn học này nên Minh đã gắng chờ đợi.

Phải đến năm thứ 5, khi Khoa Ngoại ngữ chuyển môn này thành bắt buộc, Minh mới có cơ hội để học và hoàn thiện chương trình. 

Hai lần thi IELTS đều đạt 8.5

Nói về việc từng hai lần dự thi IELTS và đều đạt điểm 8.5, Đức Minh cho biết không luyện thi hay học thêm ở ngoài mà “nuôi dạy” Tiếng Anh từ việc chơi game và “ở” trên mạng nhiều từ nhỏ. Từ đó, cậu hình thành các kỹ năng ngôn ngữ qua việc tiếp xúc một cách bị động – tiếp xúc, không với mục đích là để giỏi ngoại ngữ mà tại vì “cái game hay video này bằng Tiếng Anh, mình thích thì mình phải hiểu”, hay “những người bạn ở nước ngoài không biết Tiếng Việt, mình phải nói Tiếng Anh”.

Khi cần những kỹ năng cụ thể hơn, như viết luận hay thuyết trình, Minh học từ các bài mẫu hay người đi trước, rồi chuyển hóa thành của bản thân với phong cách riêng.

Ngay từ khi chưa ra trường, Đức Minh đã làm giáo viên dạy Tiếng Anh ở trung tâm. Cậu dự định sẽ tích luỹ đủ kinh nghiệm, sau đó học lên thạc sĩ để nâng cao trình độ. 

Tuy nhiên, Minh kể rằng do quá tập trung cho việc học nên từng bỏ qua nhiều hoạt động ngoại khóa, cơ hội việc làm hay vui chơi.

“Vì vậy, từ cuối năm ngoái đến bây giờ, em mới bắt đầu gặp lại bạn bè, đi chơi bù. Nếu có thể làm lại từ đầu, em sẽ phân chia thời gian tốt hơn để trải nghiệm nhiều hơn khi còn ở trường”.

“Những người thành công trong xã hội này đều bắt đầu từ vị trí thấp nhất mà đi lên”

Đây là lời nhắn nhủ tới những sinh viên nhận bằng tốt nghiệp trong ngày 17/5 của TS Trần Trọng Đạo, Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Theo ông Đạo, khi bước vào cuộc sống tự lập, các tân cử nhân đừng từ chối bất kỳ một thử thách nào, vì đằng sau thử thách luôn là cơ hội. Các em phải tự tin bắt đầu sự nghiệp bằng những vị trí khiêm nhường nhất, đừng ngại khó mà sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được giao.

Bên cạnh đó, các em phải biết ơn cha mẹ vì công lao sinh thành, dưỡng dục, vì sự tình yêu thương vô điều kiện đã dành trọn cho mình.

“Có thể cha mẹ giờ này đang ngồi chờ con ngay bên ngoài hội trường, có thể cha mẹ đang ở nhà chăm chú nhìn vào màn hình máy tính để chờ hình ảnh con của mình xuất hiện trong lễ phục tốt nghiệp dù chỉ một khoảnh khắc, cũng có thể cha mẹ vẫn đang mải miết với công việc hàng ngày. Tất cả những người cha, người mẹ ấy đều xứng đáng nhận được từ tân cử nhân lòng biết ơn chân thành nhất.

Ngoài ra, khi nhìn lại những điều đã qua với một cái nhìn trân trọng, các em sẽ thấy cần phải biết ơn nhiều điều khác nữa. Lòng biết ơn sẽ giúp các em có thêm nhiều động lực cho chặng đường phía trước, khi bước chân vào cuộc sống và tự nỗ lực để phát triển bản thân” – vị hiệu trưởng chia sẻ.

Vietnamnet.vn

Nguồn:https://vietnamnet.vn/thu-khoa-dau-ra-dai-hoc-2-lan-thi-ielts-deu-dat-8-5-2281771.html