Kể từ năm 2021, giá vàng thế giới và trong nước có nhiều biến động. Nguyên nhân được cho là nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với nhiều biến động địa chính trị. Cạnh đó, những thông tin lạm phát Mỹ tăng cao ngoài dự đoán đã ảnh hưởng đến diễn biến giá vàng thế giới.
Theo thông tin được công bố tại tọa đàm “Đối thoại chính sách: Ổn định thị trường vàng, giữ vững vĩ mô, tạo đà phục hồi trong bối cảnh bất định” do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) kết hợp Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức ngày 17.5, tại Hà Nội: 10 năm qua, giá vàng thế giới đã tăng thêm 140% và đạt mức cao nhất mọi thời đại là 2.431 USD/ounce (ngày 12.4).
Trong nước, chỉ 4 tháng đầu năm, giá vàng đã tăng hơn 30%. Đáng chú ý, giá vàng trồi sụt thất thường, điều chỉnh nhiều lần một ngày.
Để tăng cung ra thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện 7 phiên đấu thầu vàng miếng SJC. Nhưng sau các phiên đấu thầu vàng, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới cùng “cơn sốt” vàng chưa có dấu hiệu dừng lại.
Bày tỏ quan điểm cả trong sự kiện và bên lề, không ít lần TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhắc lại: “Vàng không có gì ghê gớm, nên để thị trường điều tiết. Trên thế giới coi vàng là một loại hàng hóa rất bình thường. Trái lại ở Việt Nam, vàng trở nên ghê gớm, không ít thời điểm chúng ta hoảng loạn vì vàng”.
Về câu chuyện chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, ông Nghĩa nhấn mạnh chênh lệch đến mức vô lý.
Việc không có nguồn cung phần nào đã tạo ra sự chênh lệch giá. Cạnh đó, trong bối cảnh các kênh đầu tư trở nên khó khăn hơn, lãi suất tiết kiệm thấp, việc đầu tư vàng là kênh mà người dân lựa chọn, đẩy nhu cầu tăng cao.
Vị chuyên gia cho rằng, nên để vàng trở lại trạng thái “bình thường”, không có gì quá ghê gớm để phải phản ứng chính sách như thời gian vừa qua.
Nghiên cứu lại cách tính giá tham chiếu trong đấu thầu vàng
Cũng liên quan thị trường vàng, không ít lần trao đổi với báo chí, ông Nghĩa thậm chí còn khẳng định, quan trọng nhất trong tăng nguồn cung vàng trong nước là cho phép ngân hàng thương mại và các công ty kinh doanh vàng, bạc được xuất nhập khẩu vàng, Nhà nước chỉ nên kiểm soát bằng thuế.
Nếu cho phép nhập khẩu vàng, ngay lập tức trong vòng 1 tuần, giá vàng trong nước sẽ giảm xuống và bằng giá vàng thế giới.
Ở góc độ lo ngại cho nhập vàng thì lấy đâu ra USD để nhập, ông Nghĩa dẫn tính toán của Hội đồng Vàng thế giới cho biết: nhu cầu vàng trong nước khoảng 50 tấn/năm (chỉ khoảng 3 tỉ USD), chưa bằng 1/5 lượng kiều hối gửi về Việt Nam trong năm.
Cho nhập khẩu vàng, theo ông Nghĩa, không cần lo ngại về vấn đề tỷ giá hay “vàng hóa”. Lý do, lâu nay không cho phép nhập khẩu vàng thì ngoại tệ vẫn “chảy” vào vàng qua đường nhập lậu. Chênh lệch giá vàng cao khuyến khích nhập lậu vàng.
GS-TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, cho rằng thị trường vàng trong nước đang tách biệt quá xa so với thị trường thế giới. Việc Nhà nước độc quyền xuất nhập khẩu, kinh doanh vàng miếng khiến sự tách biệt đó càng lớn hơn.
Nhắc tới nghịch lý trong đấu thầu vàng, Ngân hàng Nhà nước đấu thầu, ngay sau đó giá vàng lại tăng vọt, theo ông Cường: “Giải pháp đấu thầu đã không đạt mục tiêu hạ nhiệt giá vàng trong nước”.
“Việc lấy giá thị trường trong nước làm giá tham chiếu cho các phiên đấu thầu là chưa phù hợp, khó có thể kéo giá trong nước đi xuống như mục tiêu. Để việc đấu thầu đạt mục tiêu, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu lấy giá vàng thế giới, cộng với các loại thuế, chi phí cho ra giá tham chiếu”, ông Cường nhấn mạnh.
Tính đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 7 phiên đấu thầu vàng miếng SJC, trong đó 3 phiên phải hủy.
Kết thúc phiên đấu thầu mới nhất ngày 16.5, có 11 thành viên trúng thầu 12.300 lượng vàng. Tổng khối lượng vàng trúng thầu qua các phiên là 27.200 lượng, tương ứng hơn 1,02 tấn vàng.
Nguồn: https://thanhnien.vn/vang-khong-co-gi-ghe-gom-nen-de-thi-truong-dieu-tiet-185240517162252214.htm