Gắn chip trên củ sâm
Chia sẻ tại buổi họp báo Lễ hội Sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế TPHCM năm 2024 diễn ra ngày 17.5, ông Nguyễn Việt Xuân – doanh nghiệp chuyên về sâm Ngọc Linh ở tỉnh Kon Tum – cho biết, hiện đơn vị này đã được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ (gắn chip trên củ sâm).
Theo ông Xuân, con chip này được gắn cố định trên thân củ sâm, chứa thông tin sản phẩm bao gồm ADN, thông tin kiểm định hàm lượng của sâm, chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc sản phẩm nhằm giúp người tiêu dùng dễ dàng tìm kiếm, truy xuất thông tin sản phẩm bằng ứng dụng trên điện thoại, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái.
“Ngoài ra, để kiểm tra về chất lượng sâm có đạt chuẩn hay không, chúng tôi còn thực hiện phương pháp kiểm định gene trên củ sâm Ngọc Linh cho khách. Chi phí kiểm định khoảng 500.000 đồng/lần” – ông Xuân chia sẻ.
Ông Nguyễn Việt Xuân cho hay, khoảng 2 năm trở lại đây, tỉnh Kon Tum mới tập trung phát triển trồng sâm Ngọc Linh, do đó về quy mô vẫn chưa nhiều. Hiện sâm Ngọc Linh đúng chuẩn Tumorong Kon Tum, loại 50 củ/kg, 30 củ/kg, 10 củ/kg, trồng từ 6 năm trở lên mới thu hoạch, giá dao động từ 120-360 triệu đồng/kg. “Bởi đặc tính sinh trưởng khó khăn nên giá thành khá cao” – ông Xuân nói.
Là người chuyên về sâm Ngọc Linh, ông Xuân đánh giá thị trường sâm Việt Nam còn khá ít so với Hàn Quốc do chưa có chiến lược quảng bá thương hiệu rầm rộ. “Tôi nghĩ nếu sản phẩm này được nhà nước và doanh nghiệp hỗ trợ thì đây là mặt hàng rất nhiều tỉ đô” – ông Xuân nhấn mạnh.
Lễ hội về sâm và hương liệu, dược liệu mang tầm quốc tế
Ông Lê Trường Duy – Tập sự Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TPHCM, Giám đốc Trung tâm dịch vụ đối ngoại và hội nghị quốc tế – cho biết, tới đây, TPHCM sẽ tổ chức Lễ hội Sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế lần đầu tiên tại TPHCM sau 3 năm ấp ủ.
Lý giải về việc TPHCM là địa phương không trồng sâm, nhưng lại được chọn làm nơi tổ chức lễ hội, ông Duy cho hay, ngành sâm Việt Nam có nhiều tiềm năng, đóng góp tích cực vào nền kinh tế. Tại TPHCM, có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sâm đặt trụ sở, đồng thời đây là thị trường sôi động, đầy tiềm năng.
“Về thương hiệu quốc gia, Việt Nam còn yếu trong việc định vị sâm trên thị trường quốc tế. Lễ hội không nhằm mục đích bán sản phẩm, mà hướng tới việc hợp tác quốc tế, giao lưu học hỏi về kỹ thuật trồng, chế biến, xuất khẩu sâm” – ông Duy nói.
Bà Huỳnh Khánh Thủy Nguyên – Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp TPHCM – cho hay, lễ hội lần này sẽ chia làm 4 khu vực: khu đại diện Sâm Ngọc Linh Việt Nam; khu trải nghiệm; khu gian hàng TPHCM; khu gian hàng của 20 tỉnh, thành đã đăng ký tham gia.
“Tại lễ hội sẽ có không gian nhà màng, tái hiện mô hình trồng sâm Ngọc Linh để du khách có thể tham quan, trải nghiệm” – bà Nguyên chia sẻ.
Lễ hội Sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế TPHCM năm 2024 sẽ có sự tham gia từ đại diện bộ, ngành, các địa phương và doanh nghiệp quốc tế có thế mạnh về sâm và hương liệu, dược liệu như: Canada, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, các quốc gia Đông Nam Á, 20 địa phương trong nước và 60 đơn vị doanh nghiệp, hợp tác xã.
Lễ hội sẽ được tổ chức vào ngày 24-26.5 tại trục đường Lê Lợi, TPHCM, mở cửa miễn phí cho người dân đến tham quan.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/ung-dung-cong-nghe-dinh-danh-gan-chip-cho-sam-ngoc-linh-tranh-gia-mao-1341146.ldo