Tham dự và phát biểu tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo Quốc gia 2024 với chủ đề xây dựng nền tảng phát triển Đại học định hướng đổi mới sáng tạo diễn ra ngày 16/5/2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ là động lực, nguồn lực quan trọng để phát triển, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia cần chủ động và nhanh chóng nắm bắt, tận dụng những thành quả và cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tham dự Diễn đàn có hơn 500 đại biểu là đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các sở, ban, ngành của các địa phương, các trường đại học, viện nghiên cứu; các chuyên gia, nhà khoa học, quỹ đầu tư, các doanh nghiệp/hiệp hội doanh. Diễn đàn nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện cho sự đổi mới và sáng tạo trong hệ thống giáo dục Đại học của Việt Nam.
Với chủ đề “Xây dựng chiến lược nền tảng phát triển Đại học định hướng đổi mới sáng tạo”, nội dung Diễn đàn nhấn mạnh vào việc phát triển các trụ cột chính là Chính sách – Đào tạo – Nghiên cứu, chuyển giao tri thức, giúp tập trung và sâu rộng hóa các vấn đề quan trọng, từ việc xây dựng chính sách để tạo điều kiện cho đổi mới, đến việc cải thiện quy trình đào tạo và tăng cường nghiên cứu cũng như chuyển giao tri thức và công nghệ từ trường Đại học ra cộng đồng, doanh nghiệp. Điều này sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Đại học và đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: MPI
Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, Diễn đàn Đổi mới sáng tạo Quốc gia 2024 là hoạt động có ý nghĩa, tạo cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước và các trường đại học có thể kết nối, hợp tác nhằm đưa ra các giải pháp thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, đưa đổi mới sáng tạo trở thành một nhiệm vụ, một mục tiêu trong thực hiện các kế hoạch hoạt động hằng năm của các trường đại học, cao đẳng trên cả nước. Đây cũng là cơ hội để mở rộng kết nối đối với tất cả các thành tố của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, nhất là khối các trường đại học, cao đẳng; góp phần lan tỏa, thúc đẩy các chương trình hợp tác và phát triển bền vững, thành công và thực hiện mục tiêu phát triển Đại học định hướng Đổi mới sáng tạo như chủ đề Diễn đàn.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định Đổi mới sáng tạo, Khoa học công nghệ là một động lực cho phát triển với mục tiêu “Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn kết hài hoà, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế”. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu này, các cơ quan liên quan cần phải hợp tác chặt chẽ với cáccơ sở giáo dục đào tạo, để các trường không chỉ là nơi cung cấp kiến thức mà còn là môi trường lý tưởng để khuyến khích và hỗ trợ cán bộ, những nhà trí thức, nhà khoa học, sinh viên trong ứng dụng và phát triển các ý tưởng, sản phẩm, mô hình đổi mới sáng tạo vào thực tiễn.
Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, thực hiện nhiệm vụ là cơ quan tham mưu tổng hợp về chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, từ năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư với chức năng hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trong thời gian qua, với sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ tích cực của các Bộ, ngành, cơ quan, các viện nghiên cứu, trường đại học, NIC đã cơ bản hình thành Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo với 3 trụ cột chính: Nhà nước – Viện, Trường – Doanh nghiệp và các chủ thể liên quan bao gồm các trung tâm hỗ trợ, ươm tạo, đổi mới sáng tạo; các mạng lưới chuyên gia, trí thức, cố vấn; các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính.
Thực hiện nhiệm vụ được giao về mở rộng mạng lưới Đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước, với mục tiêu phát triển, kết nối giữa các thành phần trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao từ phía các viện, trường, các cơ sở giáo dục đại học, ngày 15/11/2022, NIC đã tham gia thành lập và bảo trợ Mạng lưới Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp các trường đại học, cao đẳng (nay đổi tên là Mạng lưới Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Đại học và Cao đẳng Việt Nam (VNEI).
Cho đến nay, ngoài việc mở rộng và tăng nhanh chóng số lượng đơn vị thành viên từ 13 lên 50 đơn vị thành viên chỉ trong chưa đầy 2 năm hoạt động, Mạng lưới cũng đã phối hợp cùng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa và có tác động tích cực, lan tỏa, như Diễn đàn “Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp miền Trung và Tây Nguyên” tại Đại học Huế vào ngày 04/8/2023; Khóa đào tạo “Đổi mới sáng tạo trong trường đại học: Chiến lược Chuyển đổi số và Phát triển mô hình trường đại học mở” cho cán bộ, giảng viên Đại học Đà Nẵng trong tháng 8/2023; Diễn đàn Lãnh đạo cấp cao các trường đại học, cao đẳng trong bối cảnh đổi mới sáng tạo mở ngày 30/10/2023 trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023, Hành trình kết nối và trải nghiệm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp (bao gồm các khóa đào tạo và tham quan trải nghiệm tại các trung tâm đổi mới sáng tạo ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng) cho hơn 60 trường đại học, cao đẳng.
Các chương trình do VNEI và NIC phối hợp tổ chức đã góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ chuyên trách về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng làm tiền đề đẩy mạnh các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên, trang bị kỹ năng, kiến thức cho nguồn nhân lực trẻ tương lai. Đặc biệt, mới đây NIC và VNEI phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Diễn đàn kết nối Mạng lưới Khởi nghiệp, Đổi mới sáng tạo các trường đại học, cao đẳng ngày 12/5 tại thành phố Cần Thơ.
Thứ trưởng Trần Duy Đông đánh giá cao các hoạt động tích cực của VNEI và tin tưởng rằng với sự đổi mới và hoàn thiện về cơ cấu tổ chức và vận hành (theo đó, Ban điều hành của VNEI bao gồm 01 Chủ tịch và 06 Phó Chủ tịch đại diện cho các vùng, miền khác nhau trên cả nước; thành lập các Ban chuyên môn), Mạng lưới VNEI sẽ tiếp tục thực hiện tốt sứ mệnh gắn kết, lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các trường đại học, viện nghiên cứu. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chỉ đạo NIC tiếp tục đồng hành và bảo trợ Mạng lưới VNEI trong quá trình hoạt động.
Tại Diễn đàn này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ lắng nghe các ý kiến thảo luận của các đại biểu thực trạng, những thuận lợi, khó khăn, thách thức và đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp, chương trình, dự án hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động Đổi mới sáng tạo, tiến tới xây dựng một nền tảng vững chắc trên con đường phát triển các trường đại học định hướng Đổi mới sáng tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, nhạy bén, linh hoạt, phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội đất nước trong thời kỳ Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định.
PGS.TS. Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu. Ảnh: MPI
Phát biểu tại Diễn đàn, PGS.TS. Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, Đổi mới sáng tạo đang trở thành yếu tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của các trường đại học trong nước và trên thế giới. Là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao hàng đầu cả nước, Đại học Quốc gia Hà Nội phát triển mô hình đại học đổi mới sáng tạo, đóng góp cho sự phồn thịnh của xã hội; giúp giải phóng sức sáng tạo to lớn của đội ngũ cán bộ, giảng viên, phát huy nguồn trí tuệ và tâm huyết của đội ngũ nhà khoa học để tạo thành sức mạnh và năng lượng cho phát triển, đặc biệt là trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nhằm tăng cường tham gia vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia với tư cách là một chủ thể quan trọng của hệ sinh thái này, Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục hoàn thiện từng bước hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp dựa trên việc phát triển nền tảng sở hữu trí tuệ thông qua chủ trì các chương trình quốc gia, nghiên cứu, đăng ký và bảo hộ tài sản trí tuệ; tập trung thúc đẩy nhanh những thành phần cơ bản còn thiếu trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo như doanh nghiệp khoa học và công nghệ, vườn ươm công nghệ, vườn ươm doanh nghiệp khoa học và công nghệ… song song với hỗ trợ các thành phần đã có nhưng còn yếu, chưa mạnh như các trung tâm tư vấn, môi giới…
Diễn đàn được nghe các bài tham luận về chính sách thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các trường đại học; hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển các đại học định hướng nghiên cứu, đổi mới sáng tạo ở Việt Nam; Toàn cảnh đổi mới sáng tạo trong các trường đại học tại Việt Nam: Thách thức và cơ hội; Kinh nghiệm thế giới và gợi ý cho Việt Nam trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Trường đại học; xây dựng mô hình tổ chức đổi mới sáng tạo thúc đẩy chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ trường đại học;…
Tại Diễn đàn, các đại biểu, các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước đã tập trung thảo luận, đánh giá thực trạng công tác khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam hiện nay, phân tích các bài học thành công và học tập kinh nghiệm của nước ngoài cũng như trong nước từ đó đề xuất các giải pháp gắn kết các thành phần của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tăng cường chất lượng, hiệu quả của các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự dẫn dắt, định hướng sự phát triển của kinh tế – xã hội đất nước. Các kết quả từ Diễn đàn này sẽ góp phần gắn kết, nâng cao năng lực cho các cấu phần của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo để mỗi thành phần trong hệ sinh thái này tự sáng tạo ra các giá trị và liên kết với nhau chặt chẽ tạo ra các giá trị chung của toàn bộ hệ sinh thái đổi mới quốc gia.
Ra mắt Ban Điều hành Mạng lưới đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Đại học – Cao đẳng Việt Nam (VNEI). Ảnh: MPI
Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra Lễ ra mắt Ban Điều hành Mạng lưới đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Đại học – Cao đẳng Việt Nam (VNEI) với 13 thành viên đại diện cho các đơn vị trong mạng lưới VNEI. Thứ trưởng Trần Duy Đông và lãnh đạo bộ, ngành, trường đại học liên quan đã tặng hoa chúc mừng Ban Điều hành. Cũng tại Diễn đàn đã diễn ra Lễ trao Quyết định kết nạp thành viên mới của VNEI.
VNEI ra đời dưới sự bảo trợ của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với mục tiêu gắn kết, tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức có cùng chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng để thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo trong đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và phát triển năng lực toàn diện cho cơ sở giáo dục và đào tạo. Ba giá trị cốt lõi của Mạng lưới gồm: Kết nối – Hợp tác – Cùng đổi mới sáng tạo.
Sứ mệnh và tầm nhìn của VNEI là hợp tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; Tăng cường hợp tác nghiên cứu các mô hình phát triển bằng đổi mới sáng tạo cho Việt Nam; Chuyển giao tri thức và ứng dụng khoa học công nghệ để giải quyết các vấn đề lớn của xã hội như biến đổi khí hậu, an sinh xã hội, phát triển bền vững,…; Cùng nhau xây dựng các diễn đàn chính sách, đối thoại, các hội thảo khoa học quốc tế và quốc gia về đổi mới sáng tạo; Kết nối các nguồn lực, chia sẻ cơ hội phát triển cho tất cả các thành viên về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2024-5-16/Thu-truong-Tran-Duy-Dong-tham-du-Dien-dan-Doi-moi-w7pqux.aspx