Thị trường giao dịch hàng hóa là điểm sáng của nền kinh tế
Tại hội thảo quốc tế “Triển vọng kinh tế thế giới và tác động tới thị trường hàng hóa 2024” do Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) đã phối hợp cùng Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago (CME Group) tổ chức ngày 16.5, các chuyên gia CME Group đưa ra dự báo kinh tế thế giới trong năm 2024 sẽ đứng trước kịch bản “hạ cánh mềm”, giá hàng hóa nguyên liệu tiếp tục biến động mạnh.
Dòng tiền đầu tư được kỳ vọng sẽ chuyển dịch từ các kênh đầu tư truyền thống sang thị trường hàng hóa, nơi có tỉ suất lợi nhuận tốt hơn với các xu hướng tăng, giảm mạnh của các mặt hàng quan trọng.
Ông Erik Norland cho biết: “Càng về nửa cuối năm 2024, bức tranh của nền kinh tế sẽ trở nên rõ nét hơn sau các số liệu kinh tế vĩ mô của 2 quý đầu năm. Điều này sẽ tạo ra các xu hướng lớn trên thị trường giao dịch hàng hóa, đặc biệt là nhóm năng lượng và kim loại quý”.
Theo ông, tại Việt Nam, thị trường giao dịch hàng hóa cũng diễn ra rất sôi động trong 4 tháng đầu năm. Khối lượng giao dịch hàng hóa tại MXV trong tháng 4.2024 tăng 18,4% so với tháng 3.2024 và tăng 65% so với tháng 4.2023. Khối lượng giao dịch lũy kế 4 tháng đầu năm 2024 tại MXV tăng trưởng 21,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá trị giao dịch trung bình đạt 6.983 tỉ đồng/ngày. Trong đó, ngày 19.4 ghi nhận giá trị giao dịch lớn nhất tại Việt Nam từ trước tới nay, đạt gần 11.000 tỉ đồng
“Khối lượng giao dịch hàng hóa trên toàn thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng có thể sẽ tiếp tục tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm”, ông Erik Norland dự báo.
Các mặt hàng kim loại quý đóng vai trò trú ẩn an toàn khi nền kinh tế rơi vào suy thoái
Hiện tại, MXV đang liên thông giao dịch với CME Group các mặt hàng trong nhóm kim loại như bạc, bạch kim, đồng. Khối lượng giao dịch các mặt hàng này vẫn tăng trưởng đều đặn, luôn nằm trong top các mặt hàng được giao dịch nhiều nhất tại Việt Nam trong các quý gần đây.
Trong tháng 4, bạch kim là mặt hàng được giao dịch nhiều thứ hai tại MXV, chiếm 3,8% tổng khối lượng giao dịch.
Nếu như các thị trường như nông sản, nguyên liệu công nghiệp, năng lượng cần sự nghiên cứu sâu về đặc tính sản phẩm, cơ cấu cung – cầu và các thông tin liên quan đến thời tiết, mùa vụ, thì kim loại được đánh giá là thị trường tương đối dễ giao dịch đối với các nhà đầu tư.
Tại hội thảo, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính) cho biết, trên thế giới, nhóm kim loại quý bao gồm các mặt hàng như vàng, bạc, bạch kim đều được giao dịch trên các Sở Giao dịch hàng hóa giống như các loại hàng hóa khác.
“Trong bối cảnh giá vàng tăng cao như hiện nay, nhu cầu giao dịch các mặt hàng kim loại quý sẽ ngày càng lớn hơn”, ông Long khẳng định.
Ông Sachin Patel cho biết, các thông tin về kinh tế vĩ mô thường được cập nhật rất nhanh và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bức tranh kinh tế thường được dự báo trước từ nhiều tháng và không có sự thay đổi một cách đột ngột, nên giao dịch các mặt hàng kim loại sẽ mang đến sự an toàn và ổn định cao hơn so với các thị trường khác.
Bên cạnh đó, các mặt hàng kim loại quý như vàng, bạc còn đóng vai trò trú ẩn an toàn khi nền kinh tế rơi vào suy thoái.
“Nếu như trước kia, nhà đầu tư cần tới 8.250 USD để có thể giao dịch 1 hợp đồng bạc tiêu chuẩn, thì hiện nay, các hợp đồng bạc mini và bạc micro chỉ yêu cầu mức ký quỹ lần lượt là 4.125 và 1.650 USD/hợp đồng. Đây sẽ là tâm điểm trong hoạt động giao dịch và trú ẩn an toàn của các nhà đầu tư trong thời gian tới”, ông Sachin Patel cho hay.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/pgsts-ngo-tri-long-gia-vang-tang-cao-nhu-cau-giao-dich-ngay-cang-lon-1340819.ldo