Ông Lu 50 tuổi (Đài Loan, Trung Quốc) vốn có sức khỏe tốt và thường xuyên tập thể dục. Thời ian gần đây, ông cảm thấy miệng của mình luôn có mùi hôi như mùi thức ăn thiu. Nghĩ mình mắc bệnh răng miệng nên thường xuyên đánh răng. Tuy nhiên, tình trạng vẫn không được cải thiện, thậm chí, ông còn cảm thấy hay buồn nôn, khó nuốt nên quyết định đi khám.
Ông Lu được chỉ định để nội sọi dạ dày. Tuy nhiên, bác sĩ cho biết hình ảnh nội soi cho thấy thức ăn mắc kẹt trong thực quản, bề mặt đoạn nối dạ dày và thực quản có u nang và viêm nhiễm. Sinh thiết xong kết luận là ung thư tâm vị dạ dày. Ngoài ra, bệnh nhân còn có các tổn thương thực quản có nguy cơ trở thành tiền ung thư thực quản nếu không điều trị sớm.
Giải thích về nguyên nhân khiến miệng bệnh nhân có mùi, bác sĩ cho biết có 3 lý do: Một là đồ ăn bị mắc tại thực quản, không thể xuống hết dạ dày để tiếp tục tiêu hóa. Hai là do ung thư dạ dày làm rối loạn axit dịch vị, dẫn tới trào ngược axit dạ dày thực quản. Bà là thực quản của bệnh nhân, đặc biệt là vị trí có khối u bị viêm loét có mủ và xuất huyết, dẫn tới khi trào ngược mang theo cả mùi hôi viêm nhiễm.
May mắn là trường hợp của ông Lu phát hiện chưa ở giai đoạn muộn, khối u có kích thước chưa quá lớn và chưa di căn. Ông đã nhập viện tiến hành phẫu thuật cắt rộng tổn thương u, vét hạch khu vực và lập lại lưu thông tiêu hoá. Hiện tại, ông đang hồi phục sau phẫu thuật và sẽ tiếp tục xạ trị bổ sung cùng các phác đồ điều trị tổn thương ở thực quản.
Người bệnh ung thư dạ dày thừa nhận thường xuyên lặp lại 2 thói quen gây bệnh
Sau khi nghe giải thích của bác sĩ, ông Lu vừa ngỡ ngàng vừa hối hận. Ông hối hận vì chính 2 thói quen hàng ngày của mình đã âm thầm làm hại dạ dày và thực quản. Đó là hút thuốc lá và thích ăn mặn, món nào cũng nêm rất nhiều mắm muối.
Theo bác sĩ, các nghiên cứu đã chỉ ra ăn thừa muối là một trong những nguyên nhân gây ung thư dạ dày. Nó thúc đẩy sự xâm nhập của vi khuẩn H.pylori trong dạ dày, đồng thời gây kích ứng niêm mạc dạ dày và thực quản, dẫn đến tổn thương và cuối cùng là ung thư dạ dày.
Trong khi đó bệnh nhân còn hút thuốc. Khoa học đã chứng minh hút thuốc làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày, đặc biệt đối với bệnh ung thư ở phần trên của dạ dày gần thực quản – tức tâm vị dạ dày lên gấp đôi. Lý do là trong thuốc lá chứa hàm lượng lớn nicotin cùng nhiều chất độc hại phá hủy hệ hô hấp và tiêu hóa. Nó còn làm tăng sản sinh chất cortisol gây viêm loét nặng hơn, niêm mạc dạ dày bị suy yếu đi. Đồng thời, gây ra những tổn thương, khối u ở thực quản.
Hơi thở có mùi cần cảnh giác 7 bệnh sau đây
Bác sĩ khuyến cáo, hơi thở có mùi do nhiều nguyên nhân. Nếu vệ sinh răng miệng thường xuyên mà không được cải thiện thì tốt nhất cần được thăm khám. Bởi nguyên nhân gây hội miệng rất có thể cơ thể bạn mắc những bệnh sau:
Sâu răng và viêm nướu
Khi men răng bị bào mòn, các mảnh thức ăn đọng lại trong những lỗ đó, gây sâu răng. Cặn thức ăn không được lấy hết trong các lỗ sâu, kẽ răng tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, gây ra hôi miệng. Nướu bị viêm do vi khuẩn gây đau dữ dội và tiết dịch có mùi hôi.
Ngưng thở khi ngủ
Hơi thở buổi sáng có mùi sau một đêm ngủ đôi khi là dấu hiệu của ngưng thở khi ngủ. Nước bọt tiết chậm lại trong khi ngủ vì há miệng (thở bằng miệng) trong thời gian dài do chứng ngưng thở khi ngủ. Nước bọt giảm tạo cơ hội cho vi khuẩn gây mùi sinh sôi và phát triển.
Nhiễm trùng đường hô hấp
Cúm, viêm phế quản và viêm xoang là những tác nhân phổ biến làm hôi miệng. Khi nhiễm trùng phá vỡ hoặc làm viêm các mô trong hệ hô hấp, nó kích thích sản xuất tế bào và chất nhầy nuôi vi khuẩn.
Ung thư dạ dày
Theo nghiên cứu năm 2018 của Đại học Hoàng gia Luân Đôn (Anh), trên 335 bệnh nhân, 163 người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư thực quản hoặc dạ dày, qua xét nghiệm hơi thở có mùi hôi đã xác định ung thư. Tỷ lệ xét nghiệm xác định ung thư với độ chính xác 85%.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược axit và bệnh trào ngược dạ dày thực quản là những nguyên nhân gây hôi miệng. Cả hai tình trạng tiêu hóa này đều trì hoãn hoặc ngăn cản quá trình xử lý thức ăn hiệu quả trong dạ dày. Một lượng nhỏ thức ăn chưa phân hủy có thể trào ngược và khiến miệng hôi. Ngoài ra, vi khuẩn H.pylori gây loét dạ dày cũng có thể là tác nhân.
Biến chứng tiểu đường
Bệnh tiểu đường được quản lý kém làm tăng nguy cơ mắc bệnh nướu răng và khô miệng. Khi đường huyết không ổn định, cơ thể suy yếu không thể chống lại vi khuẩn dẫn đến nhiễm trùng nướu và gây hôi miệng.
Suy thận
Miệng có mùi tanh, tương tự như amoniac có thể do bệnh suy thận. Thận loại bỏ các chất độc hại ra khỏi máu bằng cách tạo ra nước tiểu. Nếu suy thận, thận bị tổn thương đến mức không còn khả năng lọc chất thải và hóa chất độc hại từ máu. Lúc này, các chất này tích tụ trong cơ thể, ảnh hưởng đến hệ hô hấp và gây ra các vấn đề về hô hấp, trong đó có hôi miệng.
Chăm sóc răng ngừa hôi miệng
– Chăm sóc răng miệng: Đánh răng thường xuyên ngày 2 lần bằng kem đánh răng chứa Flour. Đối với những vị trí khó chải răng như kẽ răng, có thể sử dụng chỉ tơ nha khoa hoặc máy tăm nước để làm sạch. Lấy cao răng thường xuyên và thăm khám nha khoa định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.
– Cạo lưỡi: Lưỡi là vị trí thường bị bỏ qua trong lúc vệ sinh răng miệng và vi khuẩn có thể phát triển nhanh chóng ở môi trường này. Do đó, mọi người cần làm sạch bề mặt lưỡi thường xuyên trong quá trình chải răng bằng các dụng cụ phù hợp.
– Vệ sinh dụng cụ chải răng sạch sẽ ngay sau khi đánh răng, thay mới bàn chải thường xuyên hoặc khi thấy bàn chải bị xù lông.
– Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, uống đủ nước, nhiều rau xanh, trái cây tươi, hạn chế thực phẩm có đường, có mùi nồng, đồ uống có cồn, có gas…
– Không hút thuốc, sử dụng các chất kích thích bởi ngoài ảnh hưởng tới sức khoẻ gan, thận, phổi… thì trong những thứ này còn chứa nhiều chất độc hại gây hôi miệng.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nguoi-dan-ong-50-tuoi-phat-hien-mac-ung-thu-da-day-hoi-han-vi-2-thoi-quen-ma-nhieu-nam-gioi-viet-mac-phai-172240515113626364.htm