Không thể lơ là
Kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho thấy, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp làm trái ngành cho tất cả các ngành đào tạo là 21,43%. Đặc biệt, nhiều ngành tỉ lệ này cao hơn 60% như nhân văn và nghệ thuật, ngành khoa học tự nhiên, toán và công nghệ thông tin, ngành nông, lâm, ngư và thú y. Nghiên cứu cũng chỉ ra nhóm trái ngành có mức thu nhập trung bình thấp hơn nhóm đúng ngành.
Mặc dù việc làm trái ngành không có nghĩa là phải bỏ hết tất cả để bắt đầu từ con số 0. Những kiến thức đã học trong quá trình trước đó vẫn tận dụng được để tăng thêm lợi thế cạnh tranh cũng như mở rộng kiến thức trong công việc. Song nhìn chung khi lựa chọn làm trái ngành cũng đồng nghĩa với việc người lao động phải chấp nhận bước chậm hơn so với các đồng nghiệp đã có kinh nghiệm. Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu công việc đòi hỏi sự chủ động tìm tòi và trau dồi một cách nghiêm túc của người lao động để bù đắp kiến thức nền tảng còn thiếu.
Từ thực tế này, công tác hướng nghiệp trong học sinh, sinh viên được các nhà trường phổ thông và cao đẳng, đại học đặc biệt chú trọng giúp người học hiểu rõ năng lực, sở trường của bản thân, từ đó chọn ngành nghề phù hợp để giảm thiểu việc phải đi đường vòng, học một ngành lại ra làm một ngành khác sau này. TS Lê Đông Phương (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) chỉ ra thiếu định hướng nghề nghiệp khi còn học phổ thông là lý do rất nhiều sinh viên bước vào ngưỡng cửa đại học với sự mơ hồ, loay hoay, không có động lực để học tập và lãng phí nhiều thời gian. Vì vậy, gia đình, nhà trường cần đóng vai trò hỗ trợ để các bạn trẻ tìm ra định hướng nghề nghiệp sớm. Quá trình tự định hướng và lựa chọn của người học đóng vai trò quyết định. Người học cần nắm bắt được xu hướng nghề nghiệp để có được sự lựa chọn hợp lý.
Nhà trường chủ động
Định hướng nghề nghiệp không chỉ có ý nghĩa với cuộc đời mỗi sinh viên mà còn quyết định chất lượng nguồn lực lao động trẻ. Từ phía trường đại học, cao đẳng, các chuyên gia nhấn mạnh chương trình giảng dạy cần thường xuyên cập nhật kiến thức thực tế cũng như tổ chức các sự kiện kết nối giữa người học và người sử dụng lao động để định hướng nghề nghiệp từ sớm.
Đại diện Đại học Bách khoa Hà Nội thông tin, hàng năm, nhà trường hợp tác với hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước tổ chức các buổi hội thảo hướng nghiệp, truyền cảm hứng, các chương trình đào tạo kỹ năng mềm, các chương trình ngày hội việc làm, ngày hội hướng nghiệp. Trong năm học 2023 – 2024, Đại học Bách khoa Hà Nội đã và đang kết hợp với các doanh nghiệp tổ chức chuỗi chương trình hướng nghiệp cho các sinh viên thuộc tất cả các khóa.
Chương trình hướng nghiệp bao gồm các buổi hội thảo hướng nghiệp cho từng ngành nghề, các khóa học kỹ năng ứng tuyển công việc, kỹ năng mềm, các buổi hội thảo định hướng chuyên sâu và nhiều các hoạt động đồng hành khác. Từ đó giúp sinh viên tìm hiểu về thị trường lao động, cơ hội việc làm và trải nghiệm hoạt động do các công ty mang đến. Hoạt động này được sinh viên rất hoan nghênh và tích cực tham gia, không chỉ có nhiều ý nghĩa với sinh viên sắp tốt nghiệp mà cả những sinh viên năm nhất, năm hai cũng rất bổ ích.
Về phía doanh nghiệp (DN), ông Nguyễn Anh Tuấn – Quản lý tuyển dụng của Tập đoàn Viettel mong muốn các nhà trường đẩy mạnh kết nối giữa sinh viên, nhà trường và DN thông qua các kênh thông tin giao lưu trực tiếp và kênh tư vấn nghề nghiệp dành cho sinh viên từ năm nhất. Để hình thành tư duy và định hướng nghề nghiệp sớm cho tương lai, công tác hỗ trợ và xây dựng kỹ năng DN cho sinh viên từ năm nhất là rất quan trọng.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, kết quả khảo sát vị trí việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp 12 tháng gần nhất cho thấy, tỉ lệ sinh viên đi làm ổn định là 92-93%; số còn lại là các em tiếp tục học lên hoặc học mở rộng các lĩnh vực mang tính liên ngành. Điều nhà trường mong muốn là sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ tìm kiếm được vị trí công việc tốt nhất, phù hợp nhất, yêu thích nhất, khi đó hoạt động đào tạo của nhà trường mới phát huy hết hiệu quả, đồng thời cơ hội lập nghiệp của sinh viên ngày càng được nâng cao. Các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, tổ chức ngày hội việc làm và kết nối nhà tuyển dụng được nhà trường chú trọng nhằm tạo cơ hội tốt nhất để sinh viên tiếp cận với các nhà tuyển dụng và các tổ chức, DN có cơ hội trực tiếp tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của nhà trường.
Nhìn nhận việc các cơ sở giáo dục đào tạo đã và đang nỗ lực trao đi cơ hội để sinh viên được trải nghiệm, định hướng nghề nghiệp từ sớm là cần thiết, TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, phía sinh viên cũng cần trau dồi kiến thức, kỹ năng thông qua kinh nghiệm thực tế, từ đó giúp sinh viên sẽ có nhận thức đúng đắn về ngành nghề mình theo học có phù hợp hay không, từ đó thêm quyết tâm theo đuổi đam mê của mình.
Nguồn: https://daidoanket.vn/dinh-huong-nghe-nghiep-cho-sinh-vien-10279845.html