Liên tiếp trong tuần qua, hiện tượng giáo viên vận động, yêu cầu học sinh viết đơn xin không tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025 được dư luận, phụ huynh phản ánh.
Trước thực trạng trên, một số địa phương đã ra văn bản chỉ đạo yêu cầu các trường THCS trên địa bàn chấn chỉnh tình trạng này.
Ông Trần Thế Cương – Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội khẳng định, thi vào lớp 10 THPT công lập là quyền hợp pháp của học sinh. Không ai có quyền ngăn cản việc đăng ký dự thi của các em. Do đó, các phòng GDĐT, nhà trường cần nêu cao tinh thần tôn trọng quyền lợi, tạo điều kiện để các em đăng ký thi lớp 10 công lập nếu có nguyện vọng.
Dù Bộ GDĐT rồi sở GDĐT các địa phương năm nào cũng có nhiều văn bản, chỉ đạo, chấn chỉnh, xử lý nghiêm hiện tượng trên nhưng nhiều ý kiến bày tỏ bức xúc đề nghị cơ quan chức năng cần chấn chỉnh triệt để tình trạng này.
Không thả nổi cho học sinh nào cũng được lên lớp
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, TS Nguyễn Tùng Lâm – Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng nhìn nhận, tình trạng ngăn cản học sinh yếu, kém thi vào 10 để lấy thành tích đã tồn tại từ lâu chứ không phải bây giờ mới xuất hiện.
Theo ông Lâm, việc ép không cho học sinh có học lực yếu, kém thi vào 10 là vi phạm quyền học tập của trẻ em. Ông Lâm cho rằng, báo chí nên vào cuộc mạnh mẽ để giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Căn bệnh thành tích từ việc các sở, phòng GDĐT đánh giá các trường qua số lượng học sinh được vào lớp 10 công lập khiến các trường không muốn học sinh có học lực yếu thi vào lớp 10 công lập.
Đây là góc nhìn trực tiếp nhưng sâu xa hơn muốn giải quyết được tình trạng này cần giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục theo từng năm học. Nghĩa là, các trường cần thay đổi cách kiểm tra, đánh giá học sinh theo từng học kỳ, từng năm học. Việc kiểm tra, đánh giá, rèn luyện học sinh cần thực chất, nghiêm túc, giao trách nhiệm cho giáo viên không thả nổi cho học sinh nào cũng được lên lớp dù học lực yếu.
Mỗi học kỳ cần có bài kiểm tra đánh giá chung của từng phòng GDĐT. Các phòng GDDT cần thanh tra, kiểm tra chất lượng dạy và học theo từng năm học, chứ không phải cuối cấp mới kiểm tra, đánh giá, phân loại học sinh yếu kém.
TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, nếu các trường, phòng, sở GDĐT thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ việc kiểm tra đánh giá theo từng năm học thì các trường sẽ có thể lấy điểm tổng kết 4 năm học bậc THCS để làm căn cứ cho các trường THPT xét tuyển học sinh vào lớp 10, thay vì một kỳ thi vào lớp 10 công lập với áp lực cạnh tranh lớn như hiện nay.
Bên cạnh việc đánh năng lực học tập, các trường cần đánh giá năng lực phẩm chất học sinh. Ngành giáo dục cần phải đưa ra cách đánh giá rèn luyện đạo đức học sinh song song, cân bằng với kết quả học tập.
“Học sinh cũng phải chịu trách nhiệm về việc học tập của mình, nếu không đủ năng lực, phẩm chất sẽ phải cho lưu ban. Học sinh phải học thật, thầy cô giáo dạy thật và kiểm tra đánh giá thật để đi đến kết quả đánh giá năng lực, phẩm chất thật của học sinh nhằm mục tiêu hướng đến là không còn kỳ thi vào lớp 10 công lập”, TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Cần bỏ việc lấy kết quả thi vào lớp 10 làm chuẩn đánh giá chất lượng trường THCS
Ông Hồ Tuấn Anh – Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (Nghệ An) cho hay, một số nhà trường tìm cách ngăn cản những HS có học lực chưa tốt đăng ký thi vào lớp 10 công lập là do các sở, phòng GDĐT ở địa phương hằng năm lấy kết quả dự thi vào lớp 10 làm chuẩn đầu ra để xếp hạng chất lượng các trường THCS.
Theo ông Tuấn Anh, cách xếp hạng này là không đúng thực chất, bởi một trường THCS dù chất lượng giáo dục mọi mặt không cao, nhưng chỉ cần loại được nhiều học sinh lực học còn yếu không đăng ký dự thi lớp 10 thì sẽ có điểm thi vào lớp 10 cao hơn trường khác.
Để việc phân luồng học sinh sau THCS đúng thực chất và đảm bảo quyền lợi tối đa cho học sinh, ông Tuấn Anh cho rằng cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, công tác hướng nghiệp ở trường THCS phải thực chất, thường xuyên để học sinh, phụ huynh nhận thức đúng việc phân luồng, hướng nghiệp và xác định đúng năng lực của bản thân, từ đó có sự lựa chọn phù hợp sau khi tốt nghiệp THCS.
Bên cạnh đó, việc tuyển sinh học nghề chỉ nên thực hiện sau khi có kết quả thi vào lớp 10. Đặc biệt, ngành GDĐT các địa phương cần bỏ việc lấy kết quả thi vào lớp 10 làm chuẩn đầu ra để đánh giá các trường. Tuyệt đối không công bố vị thứ xếp hạng thi vào lớp 10 của các trường dưới bất kỳ hình thức nào
Ông Tuấn Anh cũng cho rằng, các địa phương căng cường công tác tuyên truyền trong nhân dân để mọi người hiểu rõ về quyền lợi của con em mình; lập đường dây nóng để người dân phản ánh kịp thời đến các cơ quan chức năng nếu có đơn vị, cá nhân làm sai và có biện pháp xử lý nghiêm.
Đồng thời, nâng cao chất lượng của các trường nghề để thu hút học sinh tự nguyện đến với các trường nghề chứ không phải đây là giải pháp bước đường cùng.
Nguồn: https://daidoanket.vn/dung-chan-duong-hoc-sinh-thi-lop-10-cong-lap-10279877.html