Trang Fanpage Facebook giả mạo cơ quan BHXH.
Cụ thể, ngày 19.4.2023, do có nhu cầu cần gộp sổ BHXH, chị Hứa Thị B. (trú tại huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) đã lên mạng tìm kiếm dịch vụ làm hồ sơ nhanh. Sau đó, chị vào Fanpage Facebook có tên: “Giải đáp thắc mắc BHXH” để hỏi và được Fanpage Facebook này hướng dẫn liên hệ với nhân viên tư vấn qua Zalo có tên Nguyễn Linh.
Sau khi yêu cầu chị B cung cấp mã số sổ BHXH và thời gian đóng BHXH của bản thân, Zalo Nguyễn Linh hướng dẫn chị B chuyển tiền phí nộp hồ sơ vào số tài khoản ngân hàng Vietcombank 1036369704, chủ tài khoản tên PHAM BICH QUYEN với số tiền 500.000 đồng. Với mong muốn được giải quyết hồ sơ nhanh chóng lại không phải trực tiếp phải làm các thủ tục, cộng với tin tưởng lời giới thiệu của nhân viên tư vấn là người của cơ quan BHXH Việt Nam, chị B. đã chuyển khoản số tiền trên.
Khi chuyển khoản thành công, Zalo Nguyễn Linh gửi cho chị B văn bản có nội dung “THÔNG BÁO CHỐT SỔ VÀ GỘP SỔ” được đóng dấu đỏ mang tên BHXH Việt Nam do Nguyễn Vinh Quang ký, đồng thời yêu cầu chị B tiếp tục đóng thêm mức phí là 900.000 đồng để hoàn tất quá trình gộp sổ. Theo yêu cầu, chị B tiếp tục chuyển số tiền này vào tài khoản lần trước do Zalo Nguyễn Linh cung cấp.
Các “THÔNG BÁO” giả mạo gửi cho nạn nhân.
Sau khi nộp tiền lần thứ 2, chị B tiếp tục được Zalo Nguyễn Linh gửi văn bản “THÔNG BÁO CHUYỂN HOÁ HỒ SƠ” với nội dung thông báo việc gộp sổ đã thành công, đề nghị BHXH tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận hồ sơ và tiến hành cập nhật lại tờ rời và sổ BHXH cho chủ hồ sơ. Lần này, Zalo Nguyễn Linh tiếp tục yêu cầu chị B chuyển tiếp mức phí là 2 triệu đồng.
Vì nghi ngờ mình đã bị lừa vì liên tục phải chuyển nhiều loại phí khác nhau, chị B đã không thực hiện chuyển khoản số tiền này. Zalo Nguyễn Linh liên tục hối thúc chị B chuyển tiền để hồ sơ tiếp tục được xử lý. Phát hiện bị nghi ngờ, Zalo Nguyễn Linh đã chặn Zalo chị B.
Sau khi biết mình bị lừa, chị B. liên lạc qua số điện thoại của BHXH huyện Cao Lộc, Lạng Sơn và được tư vấn, hướng dẫn các thủ tục gộp sổ mà không mất khoản phí nào theo quy định. Theo hướng dẫn, chị B chỉ cần tới cơ quan BHXH gần nhất để được hỗ trợ và làm các thủ tục còn lại.
Trường hợp của chị B không phải là lần đầu mà trước đó, lợi dụng lòng tin của người dân, người lao động vào chính sách BHXH, BHYT, một số đối tượng đã mạo danh cơ quan BHXH để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân. Gần đây nhất, tháng 2.2023, chị Nguyễn Thị V sinh năm 1992 trú tại Huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương cũng đã bị lừa hơn 100 triệu đồng với thủ đoạn tương tự, Công an TP. Hải Dương cũng đã tiếp nhận sự việc và đang tiến hành điều tra.
Hiện nay, các thủ tục liên quan đến sổ BHXH như cấp mất, điều chỉnh, gộp sổ… cơ quan BHXH không thu bất kỳ khoản phí nào theo quy định (Ảnh cuộc đối thoại giữa đối tượng lừa đảo và nạn nhân)
Để ngăn chặn tình trạng này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam khuyến nghị người dân, người lao động cần nâng cao cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo nêu trên; không nên tìm hiểu thông tin tại các Fanpage, các diễn đàn… không chính thống, tránh bị kẻ gian lợi dụng, lừa đảo.
Trường hợp nghi ngờ bị lừa đảo, người lao động có thể báo ngay cho cơ quan Công an để xử lý hoặc thông báo cho cơ quan BHXH trên địa bàn để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.
Hiện nay BHXH Việt Nam chỉ cung cấp thông tin chính thức về chính sách BHXH, BHYT, BHTN và các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ người tham gia qua các kênh sau:
1- Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam: https://baohiemxahoi.gov.vn/
2- Các trang mạng xã hội của BHXH Việt Nam:
– Fanpage Facebook tại địa chỉ:https://www.facebook.com/baohiemxahoi.gov.vn
– Zalo Official Account: Bảo hiểm xã hội Việt Nam
3- Ứng dụng: “VssID – Bảo hiểm xã hội số”
4- Số hotline: 1900.9068.
5- Cơ quan BHXH cấp huyện/tỉnh.
|
P.T