Ngày 15-5, Trường đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức lễ công bố quyết định công nhận hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội nhiệm kỳ 2020 – 2025 cho PGS.TS Nguyễn Đức Sơn.
Ngay sau buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã có buổi làm việc với Trường đại học Sư phạm Hà Nội.
Giữ chân người giỏi gặp khó khăn
Tại buổi làm việc, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn – hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội – cho biết hiện nhà trường có 1.035 cán bộ, trong đó có 10 giáo sư, 126 phó giáo sư.
Theo ông Sơn, số lượng giáo sư đang có xu hướng giảm, trong đó số giáo sư ngành xã hội nhân văn chỉ có 2 giáo sư, khoa học giáo dục hầu như không còn giáo sư.
Theo ông Sơn, thách thức cho sự phát triển trong thời gian tới của nhà trường là việc phát triển đội ngũ có tiềm lực còn khó khăn, khó khăn trong việc giữ chân người giỏi, đặc biệt những ngành cơ bản.
Việc thực hiện sứ mạng đào tạo chuyên gia xuất sắc cũng gặp nhiều thách thức, do nhu cầu đào tạo sau đại học đang có xu hướng giảm; cơ sở vật chất phục vụ đào tạo gặp hạn chế.
Hiện trường đã thực hiện tự chủ trên 70%, theo định hướng sắp tới trường sẽ phải tự chủ 100% và đây cũng sẽ là một khó khăn trong việc phát triển chuyên môn, đầu tư vào cơ sở vật chất, chăm lo đời sống giảng viên…
Phải tìm địa điểm mới ở khu vực các huyện ngoại thành
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh vai trò, vị trí và những việc cần làm của Trường đại học Sư phạm Hà Nội trong việc đổi mới và phát triển đội ngũ nhà giáo và các cán bộ quản lý giáo dục của ngành.
Trường đại học Sư phạm Hà Nội phải xác định vị trí, vai trò của nhà trường trong toàn ngành, nhìn rộng hơn để thấy trường đang có nhiều lợi thế, thuận lợi phát triển.
“Hệ thống các trường sư phạm rất quan trọng, Trường đại học Sư phạm Hà Nội là trường quan trọng nhất trong các trường quan trọng, là đơn vị then chốt trong hệ thống giáo dục và đào tạo”, bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho biết ngành giáo dục đang chuyển đổi, đổi mới. Muốn đổi mới phải phát triển đội ngũ giáo viên, lấy phát triển đội ngũ nhà giáo làm nền tảng, làm đột phá để đổi mới ngành giáo dục và đào tạo. Trường đại học Sư phạm Hà Nội có vai trò hàng đầu trong sự phát triển đội ngũ nhà giáo ấy.
“Trong đổi mới về tự chủ đại học, nhà trường phải nhìn đây là thuận lợi, không phải khó khăn. Trường đại học Sư phạm Hà Nội cũng sẽ phải tự chủ 100%, nhưng Nhà nước vẫn sẽ hỗ trợ thông qua người học và cơ chế đặt hàng.
Không bao giờ một đất nước coi giáo dục quan trọng mà lại không có sự hỗ trợ với hệ thống đào tạo giáo viên”, bộ trưởng nhấn mạnh.
Về cơ sở vật chất nhà trường phải nghĩ đến xây dựng mới trong nhiệm kỳ 2026-2030, bởi khuôn viên Trường đại học Sư phạm Hà Nội so với khuôn viên các trường khác cũng “tàm tạm”, nhưng là một trường trọng điểm đầu ngành, quan trọng số 1 của ngành giáo dục theo bộ trưởng là chưa tương xứng.
“Trong xu thế di dời các trường ra khỏi nội đô Hà Nội, chúng ta phải tìm địa điểm ngay ở khu vực các huyện ngoại thành, chắc chắn thành phố sẽ rất ủng hộ trong việc nhà trường tìm không gian mới”, ông Kim Sơn nói.
Làm hiệu trưởng là áp lực
Phát biểu tại lễ công bố quyết định công nhận hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi lời chúc mừng PGS.TS Nguyễn Đức Sơn:
“Tôi chúc mừng thầy vì được làm hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội, một vị trí làm lãnh đạo những người thầy, để làm thầy của những người thầy với sứ mệnh vinh quang. Việc đó thầy được vinh dự, đây là điều cần chúc mừng nhất”, bộ trưởng nói.
Theo bộ trưởng, làm hiệu trưởng một trường đại học nói chung ở thời kỳ này là khó, làm hiệu trường của thời kỳ tự chủ, thời kỳ đổi mới, thời kỳ toàn xã hội kỳ vọng rất nhiều, đó là áp lực.
Làm hiệu trưởng một trường mà bề dày thành tích nhiều lại càng khó.
Làm hiệu trưởng của một trường là mẫu mực cho các trường khác và mô phạm trong sự mô phạm là việc khó, nên càng cần chia sẻ.
Trong thời kỳ tự chủ cần sự sáng tạo, cần phá cách, sự sáng tạo và phá cách trong phạm vi trường mô phạm là khó.
Nguồn: https://tuoitre.vn/truong-dai-hoc-su-pham-ha-noi-la-truong-quan-trong-nhat-trong-cac-truong-quan-trong-20240515110837565.htm