Mở con đường hành hương trên biển
“Tàu đó có say sóng không?”, “Giá vé bao nhiêu?”, “Làm sao đặt vé tàu?”, rất nhiều người dân TP.HCM đã phản hồi trên các bài đăng chia sẻ thông tin trên Báo Thanh Niên về tuyến tàu cao tốc từ cảng Sài Gòn – Hiệp Phước (H.Nhà Bè, TP.HCM) đi Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) khai trương ngày 13.5 vừa qua. Là người rất thích những trải nghiệm mới, chị Nguyễn Nga (Q.10, TP.HCM) ngay lập tức lên trang web của Công ty CP Tàu cao tốc Phú Quốc để tìm lịch chạy tàu và giá vé.
“Tàu chạy 3 chuyến/tuần, xuất phát lúc 7 giờ sáng từ cảng Sài Gòn – Hiệp Phước đi Côn Đảo. Giá vé có nhiều mức, thấp nhất 615.000 đồng, cũng có cả vé VIP như đi máy bay vậy, 1,1 triệu đồng/lượt, bằng nửa giá vé máy bay ghế thường. Nhìn trên hình thì ghế tàu VIP khá thoải mái và êm. Tôi đang tính tháng 6 này sẽ đưa con thử đi tàu ra Côn Đảo. Đã 11 năm rồi tôi chưa quay lại Côn Đảo. Thực ra định đi nhiều lần nhưng máy bay nhỏ, giá cao mà ít vé nên dù rất mê biển ngoài đó nhưng cũng không có nhiều động lực để đi. Giờ có tàu biển hay nè, chắc chắn tôi sẽ đi thử sớm thôi”, chị Nguyễn Nga chia sẻ.
Sự háo hức và chào đón của người dân TP.HCM đối với tuyến tàu mới này khiến ông Vũ Văn Khương, Tổng giám đốc Công ty CP Tàu cao tốc Phú Quốc, xúc động. Với ông, Côn Đảo không chỉ là một điểm du lịch mà là vùng đất có ý nghĩa rất quan trọng đối với người dân VN – những người luôn sống trong đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, mãi mãi ghi nhớ công ơn của những người đã hy sinh vì độc lập tự do cho dân tộc. Trong tâm thế đó, Công ty Tàu cao tốc Phú Quốc đã hợp tác với Công ty thiết kế tàu thủy Vitechco và Nhà máy Z189 – Bộ Quốc phòng đóng thành công “siêu” tàu Thăng Long sang trọng, theo tiêu chuẩn quốc tế, có sức chứa lên đến 1.017 hành khách, đưa vào phục vụ hành trình này. Đây không những là tàu lớn nhất hiện nay mà còn là con tàu nhanh nhất từ xưa tới nay với vận tốc lên tới 35 hải lý/giờ. Trong điều kiện thời tiết thuận lợi, hành trình tới Côn Đảo từ TP.HCM chỉ còn hơn 4 giờ và từ Vũng Tàu chỉ còn hơn 3 giờ.
“Chúng ta đã có “đường Hồ Chí Minh trên biển” thì thế hệ này cũng nên có con “đường hành hương trên biển” để mọi người dân có thể đi tới vùng đất Côn Đảo linh thiêng, oai hùng của thế hệ cha ông, để ta thêm thấu hiểu và đền đáp. Chúng tôi kỳ vọng tàu Thăng Long Express sẽ là chìa khóa mở ra những hành trình mới, kết nối những người dân của đất liền từ khắp mọi miền Tổ quốc hướng về Côn Đảo”, ông Vũ Văn Khương chia sẻ.
Theo ghi nhận của đơn vị vận hành, trong ngày đầu tiên ra khơi, Thăng Long Express sẽ đưa hơn 100 hành khách từ bờ ra đảo. So với công suất phục vụ hơn 1.000 ghế, con số này khá khiêm tốn. Song, với Công ty CP Tàu cao tốc Phú Quốc thì đây là tín hiệu rất tích cực bởi tuyến tàu mới chỉ được mở bán vé 2 ngày trước khi chính thức khai trương và tháng 5 cũng là mùa thấp điểm du lịch.
“Tuyến TP.HCM – Côn Đảo hay Vũng Tàu – Côn Đảo không phải tuyến tàu dân sinh nên chúng tôi không đặt mục tiêu vừa mở ra sẽ lấp đầy chỗ. Người dân cần thời gian để chuẩn bị cho hành trình du lịch và dự báo nhu cầu sẽ tăng cao từ tháng 6, khi các cháu bắt đầu nghỉ hè, nhiều gia đình lên kế hoạch đi chơi”, đại diện doanh nghiệp này tự tin.
Đa dạng trải nghiệm, tiết kiệm chi phí
Ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết thời gian qua, Sở GTVT cùng các cơ quan, đơn vị liên quan đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hình thành và đa dạng hóa hệ thống kết cấu hạ tầng đường thủy của TP, góp phần phát triển vận tải hành khách bằng đường thủy nhằm chia sẻ áp lực cho hệ thống giao thông đường bộ, hướng đến phát triển vận tải hành khách bằng đường thủy kết hợp du lịch là một trong những loại hình đặc trưng của TP.HCM. Tuyến vận tải hành khách cố định từ bờ ra đảo từ TP.HCM đi Côn Đảo và ngược lại đưa vào phục vụ hành khách sẽ góp phần tăng cường khả năng kết nối vùng TP.HCM với các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ. Đồng thời, giúp hành khách có thêm lựa chọn khi đi từ TP.HCM đến Côn Đảo. Hiện nay, du khách để đến được với Côn Đảo từ TP.HCM, có 2 phương thức vận tải. Một là bằng đường hàng không (với thời gian khoảng 50 phút); hai là đi xe hoặc tàu cao tốc từ TP.HCM đến Vũng Tàu, rồi từ cảng Bến Đá ra Côn Đảo (mất khoảng 4 giờ đồng hồ).
Khi tuyến vận tải hành khách cố định từ bờ ra đảo từ TP.HCM đi Côn Đảo và ngược lại chính thức đưa vào hoạt động, người dân có thể trực tiếp từ cảng Sài Gòn – Hiệp Phước đến Côn Đảo với thời gian khoảng 4 giờ 30 phút.
“Có thể nói, đây sẽ là một sự chọn lựa mới, đem lại trải nghiệm du ngoạn cho người dân và du khách với cung đường thủy từ cảng Sài Gòn – Hiệp Phước tại H.Nhà Bè, thông qua luồng Soài Rạp – vịnh Đồng Tranh – Biển Đông đến cảng Bến Đầm tại Côn Đảo. Tuyến vận tải hành khách này khi được đưa vào hoạt động khai thác sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại, kết nối giao thương, vận tải hành khách, phát triển du lịch giữa TP.HCM và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, kết nối vùng đồng thời góp phần giảm tải, hỗ trợ hành khách bằng đường hàng không, đặc biệt trong thời gian Cảng hàng không Côn Đảo thực hiện thi công nâng cấp mở rộng”, ông Bùi Hòa An nhấn mạnh.
Trực tiếp tham gia hành trình chạy trải nghiệm trong ngày tuyến tàu khai trương, ông Nguyễn Ngọc An, Phó tổng giám đốc Công ty Vietluxtour, đã lập tức nảy ra rất nhiều ý tưởng xây dựng sản phẩm tour mới cho hành trình TP.HCM – Côn Đảo. Thậm chí, ông đã lên kế hoạch rủ nhóm bạn thân mang theo xe đạp, lên tàu cao tốc ra đạp xe dạo vòng quanh đảo, nghỉ ngơi 1 – 2 ngày rồi về. Theo ông Nguyễn Ngọc An, Côn Đảo là điểm du lịch hấp dẫn với bãi biển đẹp, khung cảnh thiên nhiên nguyên sơ, cùng những di tích lịch sử linh thiêng, gắn liền với lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc. Từ trước đến nay, khách từ TP.HCM di chuyển tới Côn Đảo bằng đường không, vé máy bay gần như lúc nào cũng hiếm và đắt đỏ. Bởi vậy, giá tour 3 ngày – 2 đêm ở Côn Đảo, sử dụng khách sạn 3 sao thì cũng khá cao, khoảng 6 triệu đồng/người. Tuyến tàu cao tốc đưa vào khai thác sẽ tạo điều kiện cho đông đảo bà con tới vùng đất thiêng tuyệt đẹp này với chi phí hợp lý hơn rất nhiều. Vietluxtour ước tính một tour tàu cao tốc TP.HCM – Côn Đảo từ 3 – 4 ngày có tổng chi phí dưới 4 triệu đồng/người.
“Tuyến tàu cao tốc mở ra cho các công ty du lịch hướng khai thác đa dạng nhiều dòng tour, đặc biệt trong bối cảnh sân bay Côn Đảo tạm dừng khai thác để nâng cấp, mở rộng. TP.HCM trước giờ luôn định hướng phát triển mạnh du lịch đường sông, du lịch đường thủy nhưng chủ yếu vẫn chỉ gói gọn trên địa bàn TP. Một sản phẩm liên kết bài bản, chất lượng thế này sẽ giúp du khách có thêm lựa chọn liên tỉnh, bên cạnh các sản phẩm du lịch nội đô. Không chỉ người dân TP.HCM mà khách từ các tỉnh lân cận miền Tây Nam bộ, Đông Nam bộ cũng sẽ có thêm lựa chọn cho hành trình du lịch của mình”, lãnh đạo Vietluxtour nhìn nhận.
Hợp lực giảm tải hàng không
Trước TP.HCM và Côn Đảo, Phú Quốc cũng là địa phương nhanh chóng chuyển hướng thúc đẩy du lịch đường biển để khắc chế sự độc đạo của đường không trong vận chuyển khách du lịch. Đây là hướng đi cần thiết cả cho hiện tại và tương lai. Ở hiện tại, vé máy bay mua trước 2 tháng vẫn khan hiếm, giá thì cao chót vót khiến Phú Quốc mùa lễ 30.4 – 1.5 vừa qua thất thu khá mạnh mảng du lịch nội địa.
Trong ngày đầu nghỉ lễ (27.4), chỉ có 35 chuyến bay đáp xuống sân bay Phú Quốc (23 chuyến bay nội địa và 12 chuyến bay quốc tế), trong khi thời điểm này những năm trước đây, mỗi ngày sân bay Phú Quốc đón từ 130 – 140 chuyến bay. Trái lại, 2 ngày đầu kỳ nghỉ lễ, bến tàu Rạch Giá đi các đảo của Kiên Giang chật ních người. Hành khách có mặt từ rất sớm để chờ tàu ra đảo Phú Quốc, Nam Du… Ngoài khách đặt vé theo tour, có nhiều nhóm khách cũng đi tự túc. Các doanh nghiệp làm du lịch ở Phú Quốc cũng tung ra nhiều tour kết hợp đường bộ như: Tây nguyên – Phú Quốc; Đông Nam bộ – Phú Quốc và miền Tây – Phú Quốc. Theo đó, khách từ Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM có thể đến miền Tây bằng đường bộ. Sau đó, ghé Hà Tiên tham quan các điểm du lịch như núi Đá Dựng, Thạch Động, lăng Mạc Cửu và tắm biển, ăn hải sản bãi biển Mũi Nai… rồi ngồi tàu ra Phú Quốc xem các show diễn “triệu đô” như: “Nụ hôn của biển cả” ở thị trấn Hoàng Hôn (P.An Thới), hoặc show diễn “Sắc màu Venice”, “Tinh hoa Việt Nam” ở khu Grand World Phú Quốc.
Ông Nguyễn Vũ Khắc Huy – Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Kiên Giang, Tổng giám đốc Công ty TNHH du lịch Vina Phú Quốc – cho biết tour đường bộ được thúc đẩy không chỉ “lấp khoảng trống” khách đường bay mà còn mang đến trải nghiệm mới, giúp du khách có chuyến du lịch không nhàm chán và cảm nhận được sự mới mẻ ở điểm đến. Các tour đường bộ kết hợp đường biển đang có dấu hiệu khởi sắc, dịp lễ vừa qua ước tăng khoảng 15% so với trước đây. “Giá vé máy bay cao, du khách hiện có xu hướng đi du lịch tự túc nhiều. Các doanh nghiệp du lịch cũng đã linh hoạt chuyển hướng, khai thác thêm nhiều đường tour mới, vừa hỗ trợ địa phương tăng nguồn khách, vừa đa dạng bộ sản phẩm cho du lịch”, ông Nguyễn Vũ Khắc Huy nhìn nhận.
Theo ông Nguyễn Ngọc An, thời gian qua, không chỉ đường thủy mà du lịch đường bộ, đường sắt cũng đang ghi nhận những bước chuyển mình mạnh mẽ. Điển hình như tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết giúp đột phá du lịch Bình Thuận; dải cao tốc kéo thời gian di chuyển từ TP.HCM đi Nha Trang từ 8 – 10 tiếng chỉ còn khoảng 5 tiếng đã tiếp thêm sức rất nhiều cho du lịch Khánh Hòa mùa lễ vừa qua. Hay tuyến cao tốc từ TP.HCM đi Cần Thơ, sắp tới nối tới Cà Mau cũng đem đến sự thay đổi rõ rệt về cả số lượng lẫn nội dung các bộ sản phẩm du lịch khu vực ĐBSCL. Đường bộ thuận tiện, an toàn, thời gian di chuyển được rút ngắn thúc đẩy du lịch đường bộ trở lại thành một trong những bộ sản phẩm chủ đạo trong danh mục của các công ty du lịch.
Cùng với đó, đường sắt từ chỗ chỉ dừng ở mức cung cấp dịch vụ cơ bản, hiện đã thay đổi chất lượng dịch vụ, cung cấp những sản phẩm chất lượng cao, đi cùng đẩy mạnh quảng bá hình ảnh. Sản phẩm có thể thấy rõ là tour đường sắt từ Hà Nội vào Huế, Đà Nẵng hay từ TP.HCM đi các tỉnh miền Trung rất tiềm năng.
“Càng đa dạng phương thức di chuyển, sản phẩm du lịch càng phong phú. Đường bộ, đường sắt, đường thủy nếu tiếp tục được đầu tư bài bản, cung cấp những dịch vụ chất lượng cao thì sẽ giảm tải rất nhiều cho hàng không, giảm phụ thuộc của các điểm du lịch vào mạng lưới đường bay”, ông Nguyễn Ngọc An nhận định.
Đường sắt tăng chuyến, giảm giá vé tàu dịp hè
Ngành đường sắt tổ chức chạy thêm tàu Thống Nhất giữa Hà Nội – TP.HCM, đồng thời áp dụng nhiều chính sách về khuyến mãi giá vé tàu cho người dân để phục vụ nhu cầu đi lại dịp cao điểm hè sắp tới. Cụ thể, 6 đôi tàu Thống Nhất được tăng cường gồm SE1/SE2, SE3/SE4, SE5/SE6, SE7/SE8, SE9/SE10, SE11/SE12. Ngoài ra, tuyến Hà Nội – Vinh có đôi tàu NA1/NA2. Tuyến Hà Nội – Đồng Hới có đôi tàu QB1/QB2. Tuyến Hà Nội – Đà Nẵng có 2 đôi tàu SE17/SE18, SE19/SE20.
Từ 17.5 đến hết 18.8, khách hàng khi mua vé cá nhân các đôi tàu SE1/SE2, SE5/SE6, SE9/SE10, SE11/SE12 trước ngày đi tàu từ 20 – 39 ngày sẽ được giảm 5% giá vé. Nếu khách hàng mua vé này trước từ 40 ngày trở lên thì được giảm 10% giá vé. Ngành đường sắt cũng lưu ý khuyến mãi này không áp dụng với khoang 4 giường đôi tàu SE1/SE2.
Ngành đường sắt cũng công bố bán vé 2 đôi tàu du lịch Huế – Đà Nẵng HĐ1/HĐ2, HĐ3/HĐ4. Theo đó, giá vé tàu chạy các ngày trong tuần là 180.000 đồng/vé/lượt, giá vé vào thứ bảy và chủ nhật là 210.000 đồng/vé/lượt.
Nghiên cứu thêm các phương thức kết nối tới tàu cao tốc TP.HCM – Côn Đảo
Hiện nay lịch chạy tàu cao tốc TP.HCM – Côn Đảo chưa phù hợp lắm với hành trình tour Côn Đảo thông thường. Nếu đi tàu, hành khách sẽ phải ở lại Côn Đảo 4 ngày 3 đêm, như vậy sẽ tốn thêm chi phí khách sạn. Đồng thời, do vị trí cảng Sài Gòn – Hiệp Phước cách khá xa trung tâm, đi đường bộ ùn ứ sẽ mất khá nhiều thời gian di chuyển nên đơn vị vận hành cần nghiên cứu nhiều phương thức kết nối sao cho thuận tiện, có thể trung chuyển miễn phí khách từ trung tâm đến cảng bằng đường thủy. Đồng thời, hoàn thiện hạ tầng nhà ga đợi, khu vực check-in bởi lượng khách tối đa có thể lên tới hơn 1.000 người, rất cần không gian chờ thoải mái.
Ông Nguyễn Ngọc An, Phó tổng giám đốc Công ty Vietluxtour
Nguồn: https://thanhnien.vn/tang-toc-duong-thuy-giam-tai-hang-khong-185240514230143199.htm