Theo Sohu, bà Vương Mai (61 tuổi, ở Hà Nam, Trung Quốc) nghỉ hưu với mức lương 8.500 tệ (hơn 28 triệu đồng). Bà có một em gái và một em trai đang đi làm công nhân khá vất vả với mức lương thấp. Bố mẹ bà đều 85 tuổi, sức khỏe tốt.
Bà Vương là người duy nhất trong nhà học đại học. Hồi còn đi làm, mải mê kiếm tiền nên bà Vương ít trò chuyện với bố mẹ và hai em. Khi nghỉ hưu, bà mới thấy cô đơn, lúc này bà thường trò chuyện với bố mẹ, anh chị em trong nhà. Tuy nhiên, chính điều này đã khiến bà ân hận và nhận ra có 2 điều nếu nói ra sẽ khiến tình cảm rạn nứt.
Điều đầu tiên là không tiết lộ tiền lương với người thân.
Sau khi nghỉ hưu, bà Vương thường xuyên về nhà bố mẹ đẻ. Lần đó ở sinh nhật bố, ông không ngại hỏi mức lương hưu của bà Vương. Lúc này, chồng bà ra tín hiệu đừng nói nhưng bà nghĩ người thân biết cũng không sao nên đã tiết lộ lương hưu 8.500 tệ mỗi tháng.
Tất cả đều ồ lên vì so với họ, mức lương đó quá cao. Đặc biệt em trai bà vô cùng ngạc nhiên vì mức lương hiện tại của ông chỉ ở mức 4.000 tệ (hơn 13 triệu đồng). Em dâu vì chuyện đó mà chê bai chồng, khiến em trai bà Vương xấu hổ cúi đầu.
Người em gái tiếp lời: “Không sao, sau này hết tiền chúng ta sẽ xin chị cả. Chị ấy nhất định sẽ cho, phải không?”. Nói rồi, hai em nhìn về phía người chị. Bà Vương cũng mỉm cười nói: “Được thôi, có khó khăn gì cứ đến tìm chị”. Nhưng chồng bà lại nháy mắt ra hiệu vợ đừng nói gì thêm nữa.
Thái độ này của con rể khiến bố vợ khó chịu, nói con rể tính toán. Khi các em nói chị cả phải chi trả cao hơn các khoản chi tiêu cho bố mẹ và gia đình chung, chồng bà Vương càng khó chịu. Cuối cùng, bố vợ và con rể tranh luận dữ dội. Chồng bà Vương đứng dậy bỏ về.
Sau đó, các ngày lễ tết, các em đều nói bà Vương trả các khoản tiền sắm sửa, thậm chí chỉ có bà chuẩn bị phong bao lì xì cho cả nhà. Khi họ hàng ở quê gửi đồ ra, bà Vương chưa bao giờ có phần. Các em của bà sẽ giành hết vì “chị cả có tiền chắc không thiếu mấy món này”. Nhưng mỗi lần về quê, mua đồ cảm ơn họ hàng, bà Vương đều là người trả tiền.
Điều này khiến bà rất mệt mỏi. Bà hối hận vì tiết lộ số tiền lương hưu dù chồng đã ngăn cản.
Điều thứ hai bà Vương nhận ra là không nên tiết lộ quá nhiều chuyện riêng của gia đình với người thân.
2 năm trước, vì chuyện nhỏ nhưng vợ chồng bà Vương cãi nhau một trận. Chồng bà tức giận đẩy vợ khiến đầu bà đập vào bàn, phải nhập viện. Một lần đến nhà bố mẹ đẻ chơi, em gái bà tình cờ phát hiện chị có vết sẹo trên đầu. Cả nhà tò mò bắt bà nói ra sự thật nên bà đã nói và yêu cầu đừng ai tiết lộ bởi đó là một sự cố ngoài ý muốn.
Tuy nhiên, những lần gặp mặt sau, cả nhà đều dành cho chồng bà Vương ánh mắt khó hiểu.
Đến bữa ăn, bố của bà đã dạy cho con rể một bài học. Chồng bà nói rằng chuyện đó chỉ là một sự cố. Sau một hồi cãi vã, hai người lại không ai muốn nhìn mặt ai. Chồng bà Vương đứng lên ra về. Đến nhà, chồng bà vào phòng ngủ, khóa chặt cửa, phớt lờ vợ và gọi vợ là người tệ bạc khi đi nói xấu chồng với nhà bố mẹ đẻ.
Trải qua tất cả những việc này, bà Vương thấm thía rằng không nên tiết lộ quá nhiều việc riêng tư và cả mức lương của mình cho người khác biết, dù đó là người thân. Bà Vương cho rằng, điều khôn ngoan nhất nên làm là khiêm tốn, dè dặt, cân nhắc trước khi chia sẻ bất cứ việc gì.
4 điều người thông minh không bao giờ tiết lộ, dù đó là người thân
Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, luôn có những chuyện khiến chúng ta muốn tìm người để tâm sự. Thế nhưng lòng người cách xa nhau, bạn hoàn toàn không biết được trong mắt người khác bạn như thế nào. Có thể đối với bạn, câu chuyện bạn muốn kể tựa cả rừng cây, nhưng với người khác, đó chỉ là ngọn cỏ.
Vì vậy, cho dù là những người thân thiết, không phải ai cũng phù hợp để bạn kể hết những chuyện ở trong lòng. Những người thực sự thông minh, họ biết cách giữ miệng và giữ bí mật!
Dưới đây là những chuyện họ sẽ giữ trong lòng:
1. Chuyện gia đình
Người ta thường nói: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Mỗi gia đình đều có một câu chuyện riêng, có vui buồn, có hạnh phúc, cũng có khổ đau, chưa đến 30% dân số trên thế giới cảm thấy hạnh phúc thật sự.
Có nhiều vấn đề sẽ xuất hiện trong tổ ấm của bạn như: mối quan hệ mẹ chồng – con dâu, vấn đề nuôi dạy con cái, vấn đề kinh tế… là yếu tố ảnh hưởng và thâm chí là nguyên nhân của nhiều sự tan vỡ. Khi nhìn vào cuộc sống của người khác, chúng ta sẽ nghĩ rằng tại sao cuộc hôn nhân của họ lại hoàn hảo đến vậy. Nhưng có một sự thật mà bạn không biết rằng, nhiều người họ thà gặm nhấm nỗi đau của mình hơn là đi tâm sự với người khác.
Người ngoài, họ không thực sự quan tâm đến chuyện gia đình bạn. Chia sẻ với người khác quá nhiều không chỉ khiến họ không thoải mái mà còn không tôn trọng người thân của mình. Thậm chí, nếu chia sẻ những bí mật của nhà mình với sai người sẽ còn gây hại về sau.
2. Chuyện tình cảm
Chuyện tình cảm dễ thay đổi và nhiều khi còn phức tạp hơn chuyện gia đình. Khi có vấn đề trong chuyện tình cảm hay hôn nhân, cách tốt nhất để giải quyết vấn đề chính là nói thẳng với người ấy. Chuyện riêng của hai người, nên giải quyết giữa hai người, cùng nhau ngồi lại nói chuyện và tìm cách giải quyết thay vì tìm đến một người ngoài cuộc.
Bạn có thể cho bạn bè hoặc người nhà biết bạn có một số vấn đề nhỏ trong chuyện tình cảm, xin lời khuyên từ họ, thế nhưng không phải trường hợp nào cũng được. Người nhà hay bạn bè thân thiết cũng không gắn bó và hiểu nửa kia bằng bạn. Nếu bạn nói quá sâu, tiết lộ mọi suy nghĩ tiêu cực của mình, điều này có thể dẫn tới một số vấn đề về sau, hay thậm chí, càng nhiều người biết, vấn đề từ nhỏ lại hóa to.
Ngoài ra, những thông tin tiêu cực có thể dễ dàng thu hút sự chú ý của người khác. Nếu bạn chọn sai người để chia sẻ, hậu quả sẽ khó lường. Đôi khi, để lộ những thông tin riêng tư có thể trở thành vũ khí chống lại chính chúng ta.
3. Chuyện của người khác
Chuyện của người khác, đừng bình luận đúng sai, cũng đừng kể cho một ai khác. Bởi vì, một người thích bàn chuyện đúng sai của người khác, thường sẽ trở thành người tạo ra cái đúng sai đó. Càng nói nhiều, càng dễ làm mất lòng nhiều người.
Hemingway từng nói: “Chúng ta mất hai năm để học nói, nhưng lại mất hơn 60 năm cuộc đời còn lại để học cách im lặng”.
Đôi khi, chuyện của người khác sẽ khiến bạn hứng thú, thật sự rất khó để kiềm chế sự tò mò đó, nhưng dù cho bạn tin tưởng người muốn chia sẻ cùng đến đâu thì vẫn có khả năng họ tiết lộ một số thông tin bí mật với những người khác nữa. Điều này có thể tác động tiêu cực với bạn và ảnh hưởng mối quan hệ giữa bạn với những người bạn khác.
Dù lòng bạn có nhiều tâm sự đến đâu, có những chuyện phải kín tiếng, không được nói cho người ngoài. Ai cũng đều có một vết thương trong lòng, dù ít hay nhiều, sâu hay cạn. Khi sống trên đời, vui buồn sướng khổ là điều ai cũng phải trải qua, nếu phải chịu đau buồn, hãy xem đó là kinh nghiệm sống. Vì học cách cất giữ bí mật cũng là một loại kỹ năng.
4. Tham vọng của bản thân
Đa số chúng ta đều có những tham vọng và mục tiêu của riêng mình nhưng việc chia sẻ những điều đó cho những người khác chưa chắc đã đúng đắn. Nhiều người cho rằng nếu nói ra mục tiêu của mình với người ngoài thì sẽ có được sự góp ý và giúp đỡ, kế hoạch sẽ dễ dàng thành công hơn.
Tuy nhiên, đa số việc tiết lộ kế hoạch sẽ làm giảm khả năng thực hiện được kế hoạch đó. Người khôn ngoan sẽ giữ những tham vọng đó cho riêng mình và âm thầm thực hiện, như vậy vừa tránh được bị nhiều người dòm ngó và thậm chí ngay cả khi thất bại, cũng chẳng ai cười nhạo họ.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/ve-huu-toi-nghiem-ra-co-2-dieu-nhat-dinh-khong-duoc-noi-voi-nguoi-than-de-cuoc-song-hanh-phuc-vui-ve-hon-172240513170633732.htm