Các nội dung thực hiện gồm: Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê văn hóa dân gian các DTTS. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian các DTTS cho cán bộ văn hóa xã, Người có uy tín vùng đồng bào DTTS. Tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá và phát huy giá trị văn học dân gian các DTTS trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội…
Được biết, trong những năm qua, cấp uỷ, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã triển khai thực hiện tốt các đề tài nghiên cứu khoa học về sưu tầm, nghiên cứu giá trị văn hóa, vănhọc – nghệ thuật dân ca, dân nhạc, dân vũ của dân tộc, hoàn thành việc kiểm kê các di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tổ chức các hoạt động các hoạt động văn hoá thông qua lễ hội, hội thi hát dân ca – trình diễn trang phục dân tộc; mở các lớp bảo tồn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc… Từ đó, các tầng lớp nhân dân đã nêu cao ý thức giữ gìn nét văn hoá đặc sắc của dân tộc mình.
Năm 2023, tỉnh Cao Bằng chú trọng, nâng cao hoạt động lưu giữ và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống như tổ chức Lễ hội Nàng Hai, Lễ hội Tranh đầu pháo ở Quảng Hoà, Lễ hội “lồng tồng” Lễ hội Thác Bản Giốc ở Trùng Khánh, Lễ hội về nguồn ở Pác Bó, Hà Quảng… cùng các trò chơi dân gian; tổ chức nghiên cứu sưu tầm các làn điệu dân ca Hát then, Lượn, Pựt Lằn, Dá Hai, Phong Slư, Sli Giang… Tổ chức Hội thi hát dân ca – trình diễn trang phục dân tộc, Tuần Văn hoá, Thể thao, Du lịch năm 2023; tổ chức các lớp truyền dạy nghệ thuật trang trí hoa văn và kỹ thuật in sáp ong trên trang phục của người Mông Hoa (Hoà An); tập huấn, truyền dạy kỹ năng bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng đã hoàn thành nghiên cứu lập hồ sơ và được xếp hạng 3 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia gồm: Nghệ thuật trình diễn dân gian Lượn Cọi của người Tày các xã Yên Thổ, Nam Quang, Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm; Tri thức dân gian Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao Đỏ xã Vũ Minh, huyện Nguyên Bình; Nghề thủ công truyền thống Dệt thổ cẩm của người Tày xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng…
Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian của các DTTS tỉnh Cao Bằng luôn gắn kết, kết nối chặt chẽ với việc bảo tồn, phát huy các thành tố văn hóa khác như: Phong tục tập quán, tiếng nói, chữ viết, trang phục, dân ca, dân vũ, dân nhạc…của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh.
Nguồn: https://baodantoc.vn/cao-bang-trien-khai-de-an-bao-ton-phat-huy-gia-tri-van-hoc-dan-gian-cua-cac-dtts-tren-dia-ban-tinh-1715597057196.htm