Đây là thông tin vừa được ông Trần Hồng Thái – thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ – chia sẻ trong buổi tọa đàm “Xây dựng các nhóm nghiên cứu xuất sắc” diễn ra ngày 13-5, do tạp chí Tia Sáng và quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia Nafosted tổ chức.
Sẽ không tập trung hướng nghiên cứu quá ưu tiên vào công bố quốc tế
Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái cho hay cách đây khoảng 10 năm Việt Nam có rất ít công bố quốc tế, gặp nhiều khó khăn do ngoại ngữ, trình độ, nền tảng khoa học.
Từ khi quỹ Nafosted đi vào hoạt động góp phần hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, trung bình hằng năm tỉ lệ các bài công bố khoa học quốc tế uy tín của Việt Nam tăng khoảng 20%/năm. Đến nay có khoảng 18.000 công bố quốc tế uy tín hằng năm.
Bên cạnh đó, nhiều trường đại học, đại học được xếp hạng cơ sở đào tạo trong top thế giới như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội…
Theo ông Thái, nền khoa học công nghệ của Việt Nam như một cơ thể, các nhóm nghiên cứu mạnh như những tế bào. Khi cơ thể muốn khỏe mạnh, muốn phát triển được thì các tế bào phải vững mạnh.
Vì vậy, ông Thái cho rằng việc đẩy mạnh các nhóm nghiên cứu mạnh phát triển tại Việt Nam chính là sự kết nối lâu dài, là sự bình ổn để các cơ sở nghiên cứu tồn tại và phát triển trong tương lai.
“Nếu chỉ tập trung phát triển các nhà khoa học riêng lẻ mà không có các nhóm nghiên cứu mạnh thì đó chỉ là phát triển các cá thể cá nhân. Khi các nhà khoa học chuyển công tác thì nhóm nghiên cứu ấy sẽ biến mất ở cơ sở nghiên cứu đó. Thực tiễn tại Việt Nam việc này đã diễn ra nhiều lần”, ông Thái nói.
Ông Thái cho biết thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ không quá ưu tiên, tập trung vào các hướng nghiên cứu dàn trải; không tập trung vào hướng nghiên cứu quá ưu tiên cho mục tiêu công bố quốc tế, mà sẽ có ưu tiên cho các nhà khoa học trẻ, hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhà khoa học trẻ.
Làm gì để nhà khoa học yên tâm nghiên cứu dài hơi?
Bà Nguyễn Thị Thu Oanh – nguyên phó viện trưởng Viện Đánh giá khoa học và định giá – cho rằng chi phí đầu tư cho nghiên cứu và triển khai khoa học công nghệ còn thấp, chỉ tăng về tổng số tiền đầu tư nhưng lại tụt so với tỉ lệ phần trăm GDP các năm trước.
“Tôi rất ngạc nhiên khi Bộ Khoa học và Công nghệ đang quản lý 43 chương trình khoa học công nghệ trọng điểm, quốc gia, đây là một con số quá lớn. Năm 2020, tổng các chương trình của các bộ, ngành mới là khoảng 36-37 chương trình. Với kinh phí thấp mà lại đầu tư dàn trải quá nhiều chương trình như vậy thì cần hết sức lưu ý”, bà Oanh nói.
Tương tự, GS.TS Hoàng Anh Tuấn – hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội – cho rằng phần lớn các trường đại học chưa tương xứng, chưa đủ điều kiện cho các nhóm nghiên cứu hoạt động mạnh. Nguyên nhân từ nhiều yếu tố như thiếu kinh phí, cơ chế, yêu cầu đầu ra.
“Khi hình thành nhóm nghiên cứu mạnh, nếu không khéo mà sa đà vào các công việc cụ thể không hướng tới cụm sản phẩm mà có thể phát triển đội ngũ, chiến lược phát triển con người về mặt năng lực khoa học thì sau 3 – 5 năm, nhóm nghiên cứu không những không phát triển được mà còn thụt lùi so với xu hướng về khoa học”, ông Tuấn nói.
Phải đầu tư kinh phí đề tài lớn
Theo bà Oanh, để chương trình “nhóm nghiên cứu mạnh” thành công cần phải có quy trình tuyển chọn rất nghiêm ngặt, phải có chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với các cán bộ nghiên cứu tham gia chương trình này.
Đồng thời, quy mô kinh phí cho đề tài phải lớn hơn so với các đề tài thuộc các chương trình khác, khoảng 150.000 – 200.000 USD/năm cho mỗi đề tài và phải đầu tư liên tục trong 4 năm. Tuy nhiên khi chạy được 2 năm sẽ có đánh giá giữa kỳ để loại những nhóm không đạt được mong muốn ban đầu (loại khoảng 20%).
Ngoài ra, cơ quan chủ trì phải sẵn sàng hỗ trợ cho các nhóm nghiên cứu: không gian nghiên cứu, giảm bớt gánh nặng của các công việc khác cho chủ nhiệm đề tài. Chủ nhiệm đề tài phải được trực tiếp điều hành/kiểm soát đề tài.
Nguồn: https://tuoitre.vn/lam-gi-de-viet-nam-co-cac-nhom-nghien-cuu-khoa-hoc-xuat-sac-20240513152753408.htm