Ngày 13.5, Ban Tiếp công dân tỉnh Khánh Hòa cho biết đã nhận được báo cáo của Sở GD-ĐT liên quan đến đơn tố cáo của bà Võ Thị Mỹ Nam về việc Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tổ chức hoạt động in, phát hành vé số thu tiền của học sinh.
Theo Sở GD-ĐT, sau khi nhận được đơn tố cáo của bà Nam, ngày 15.4, Giám đốc Sở GD-ĐT đã ban hành quyết định kiểm tra về công tác quản lý của Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; quản lý chuyên môn và các hoạt động giáo dục khác tại nhà trường.
Không có cơ sở để xác định hành vi vi phạm pháp luật
Qua kết quả xác mình, năm học 2023-2024, Đoàn trường tổ chức hoạt động vé số “Tết sẻ chia 2024” và đã được đưa vào kế hoạch, được sự thống nhất của chi bộ, được sự đồng thuận của giáo viên và đa số cha mẹ học sinh.
Đây là hoạt động vận động kinh phí với mục đích hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và một số trường trên địa bàn xã Phước Đồng và TP.Nha Trang.
Hoạt động này được lập kế hoạch tổ chức 1 lần trong năm học 2023-2024, không thực hiện liên tục nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận; chỉ đặt in, phát hành đúng theo số lượng phụ huynh, học sinh tự nguyện đăng ký tham gia.
“Do đó, không đủ cơ sở để xác định là hoạt động kinh doanh, không chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh, trong đó có hoạt động kinh doanh xổ số. Tuy nhiên, hình thức tổ chức của Đoàn trường đối với hoạt động này là nhạy cảm, dễ gây ý kiến trái chiều, chưa nhận được sự tham gia ý kiến của một số ít cha mẹ học sinh do không trực tiếp tham dự buổi họp cha mẹ học sinh các lớp cuối học kỳ 1 năm học 2023-2024”, văn bản của Sở GD-ĐT nêu.
Qua kiểm tra, tổng thu từ hoạt động quyên góp nói trên là hơn 87 triệu đồng, trong đó hơn 17 triệu đồng là tồn quỹ học bổng năm 2023 chuyển sang, gần 70 triệu đồng là tiền quyên góp xây dựng quỹ học bổng.
Toàn bộ hồ sơ thu, chi được Ban chấp hành Đoàn trường phối hợp kế toán lập sổ sách ghi chép, cho thấy các khoản thu chi rõ ràng, công khai, minh bạch…
Tuy nhiên, theo Sở GD-ĐT, việc vận động quyên góp quỹ học bổng “Tết sẻ chia 2024” với hình thức vé số may mắn là không phù hợp với quy định chế độ tài chính hiện hành. Mặt khác, theo quy định tại Thông tư số 16 năm 2018 của Bộ GD-ĐT, nhà trường chưa xây dựng kế hoạch vận động, báo cáo Sở GD-ĐT phê duyệt trước khi tổ chức thực hiện.
“Trên cơ sở kết quả xác minh, Sở GD-ĐT nhận thấy không có cơ sở để xác định hành vi vi phạm pháp luật để ban hành quyết định thụ lý tố cáo đối với nội dung tố cáo nêu trên”, Sở GD-ĐT Khánh Hòa khẳng định.
Nhiều ý kiến trái chiều
Như Báo Thanh Niên đã đưa tin, trước đó bà Võ Thị Mỹ Nam, phụ huynh học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, có đơn phản ánh việc Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tổ chức hoạt động bán vé số trái phép, có dấu hiệu cờ bạc. Trong khi nhà trường khẳng định đây chỉ là hoạt động để góp quỹ học bổng nhằm mục đích trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học.
Bài viết Thực hư chuyện Trường chuyên Lê Quý Đôn Nha Trang tổ chức bán vé số tại trường trên Báo Thanh Niên thu hút nhiều ý kiến tranh luận của độc giả.
Theo bạn đọc Nguyễn Thanh Vân, việc góp ý để Đoàn trường Lê Quý Đôn chuẩn xác hơn trong việc sử dụng từ ngữ, hình thức thiện nguyện thì rất tốt. Nhưng nếu cứ vin vào hai chữ “vé số” để cho rằng đây là hoạt động kinh doanh, là tạo tâm lý cờ bạc hơn thua cho học sinh thì liệu có phù hợp không, khi trường đã công bố công khai việc trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học trong và ngoài nhà trường.
Đồng tình với quan điểm trên, bạn đọc Nguyễn Văn Hùng bày tỏ: “Theo tôi có gì đâu mà gọi là cờ bạc? Học sinh mua vé số tự nguyện giúp đỡ các bạn nghèo chứ có “ăn – thua” gì đâu mà gọi là cờ bạc? Nhà trường cũng đã công khai minh bạch số tiền, sử dụng đúng theo kế hoạch và cũng không có lợi ích gì riêng. Ý nghĩa của việc làm từ thiện đã bị phụ huynh hiểu sai khi cho rằng đó là hình thức cờ bạc?”.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến đồng tình với nội dung phản ánh của bà Võ Thị Mỹ Nam, phụ huynh học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn.
Độc giả Nhat Huynh Huu cho rằng, ai cũng sống và làm việc theo pháp luật. Trước khi muốn làm gì, trường nên có công văn hỏi Sở GD-ĐT và Sở Tài chính.
Một bạn đọc khác có tên Le Tran Nguyen bày tỏ: “Bất kỳ ai (cơ quan, tổ chức, trường học, cơ sở tôn giáo, tổ chức từ thiện, nghệ sĩ…) mà muốn kêu gọi người dân đóng góp, gây quỹ… ở bất kỳ hình thức gì, kể cả vé số, cho bất kỳ mục đích nào đều phải xin phép chính quyền trước và cơ quan chức năng của nhà nước phải có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, kiểm toán chặt chẽ việc thu chi”.
“Ủng hộ ý kiến phụ huynh, nhà trường không có chức năng xổ số và chúng ta đều dư hiểu cái khái niệm tự nguyện mua rồi, nếu không xử nghiêm sẽ tạo tiền lệ xấu cho các trường khác làm theo”, độc giả Tran Nguyen Ha nêu quan điểm.
Luật sư (LS) Nguyễn Hồng Hà (Đoàn LS tỉnh Khánh Hòa), cho rằng lãnh đạo nhà trường cần đối thoại giải thích công khai với phụ huynh, đồng thời rút kinh nghiệm từ vụ việc trên. Trước khi tổ chức sự kiện vận động, quyên góp quỹ học bổng nhằm mục đích trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, nhà trường cần tổ chức lấy ý kiến sâu rộng đối với phụ huynh và cơ quan quản lý nhà nước để thống nhất về phương pháp thực hiện, tránh điều tiếng khiếu nại, tố cáo không đáng có.
“Tôi cho rằng cần chấm dứt việc tranh cãi về chủ đề có hay không ‘kinh doanh vé số’ để không ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh, đặc biệt là không ảnh hưởng tâm lý của các học sinh nghèo hiếu học đã nhận học bổng từ sự kiện này. Nếu cứ tiếp tục chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm sinh lý học sinh, uy tín của thầy cô, ban lãnh đạo nhà trường và tâm tư nguyện vọng của phụ huynh”, LS Nguyễn Hồng Hà nêu quan điểm.
Nguồn: https://thanhnien.vn/truong-chuyen-nha-trang-ban-ve-so-khong-co-co-so-xac-dinh-vi-pham-phap-luat-185240513105727876.htm