Đến dự có Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTT&DL Nông Quốc Thành; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Hoàng Trọng Quyết.
Đặc sắc lễ hội làng Keo
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học – Trưởng ban tổ chức cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 17, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Gia Lâm lần thứ 22, nhiệm kỳ 2020 – 2025, trong những năm qua, huyện Gia Lâm đã luôn quan tâm việc đầu tư tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn, trong đó quan tâm đặc biệt tới bảo tồn hệ thống các di tích lịch sử hiện hữu và hệ thống các di sản văn hóa phi vật thể làm nên hồn cốt của di sản, tạo dấu ấn riêng về mảnh đất Gia Lâm.
Lễ hội làng Keo, thôn Giao Tất, xã Kim Sơn được tổ chức hằng năm từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 4 âm lịch, với không gian thực hành tại các di tích trên địa bàn: nghè Keo, đình Dân, đình Bằng và chùa Keo.
Lễ hội truyền thống của làng Keo ra đời từ rất sớm, gắn liền với tín ngưỡng thờ thần Thành hoàng, vị thần bảo trợ của cộng đồng làng Keo là tướng quân Đào Phúc và Tiên Anh công chúa, người đã có công cùng đại danh tướng Lý Thường Kiệt lập phòng tuyến trên sông Như Nguyệt, đánh tan quân Tống xâm lược; giúp vua đánh tan giặc Chiêm Thành xâm lược.
Bên cạnh việc thờ cúng Thành hoàng, người dân Giao Tất còn chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi các lớp văn hóa đặc trưng của Phật giáo. Làng Keo có chùa Keo với tên chữ là Báo Ân Trùng Nghiêm Tự, thờ Pháp Vân Phật còn gọi là Bà Keo. Lễ hội truyền thống làng Keo là sự giao hòa của tín ngưỡng – tôn giáo. Qua nhiều thế hệ, người làng Keo vẫn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của ông cha. Đây là sự kiện văn hóa – tâm linh quan trọng nhất trong năm của người dân địa phương.
Hội làng Keo được cộng đồng trân trọng, lưu truyền, giữ gìn qua các thế hệ được thể hiện trong từng nội dung của lễ hội, không “kịch bản” nhưng lại nhuần nhuyễn đến từng chi tiết, khớp nối tạo thành một nét văn hóa độc đáo, đặc sắc, riêng có. Từ việc lựa chọn nhân vật tham gia vào lễ hội như: chủ tế, trai rước kiệu, thủ hiệu, tổng cờ, hiệu chiêng… đến tên gọi của kiệu: kiệu Nhất (rước Phật), kiệu Nhì (rước Thánh), kiệu Long Mã và đặc biệt là các nghi thức độc đáo có “một không hai” của lễ hội: “phong áo nhà Phật”, thắng kiệu, “nghi thức Thần đi đón Phật”… và các hoạt động song hành diễn ra cùng nghi thức: chạy kiệu, bái tổ (kiệu Phật quay đầu về hướng chùa Tổ Luy Lâu (chùa Phúc Nghiêm Tự) ở thôn Mãn Xá, xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh – là nơi thờ Phật Mẫu Man Nương, mẹ sinh ra Tứ đại Phật pháp đất Luy Lâu), chui kiệu (người dân và du khách thập phương chen lấn để được một lần chui qua kiệu Phật) và giải chạy ngựa truyền thống diễn ra vào ngày 8 tháng 4 âm lịch.
Với những giá trị văn hóa độc đáo và tiêu biểu của lễ hội, sau quá trình UBND xã Kim Sơn và UBND huyện Gia Lâm hoàn thiện lập hồ sơ đề xuất, tổ chức hội thảo khoa học, lấy ý kiến tham gia thẩm tra, thẩm định của các cấp, các ngành liên quan, lễ hội làng Keo, xã Kim Sơn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chứng nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 370/QĐ – BVHTTDL ngày 21/2/2024.
Tiền đề phát triển xã Kim Sơn trở thành phường
Song song với việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích lịch sử văn hoá; thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới (NTM) và NTM nâng cao, ngay sau khi huyện Gia Lâm hoàn thành xây dựng NTM năm 2018, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xác định công tác xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu là nhiệm vụ chính trị trọng tâm quan trọng cần tập trung chỉ đạo quyết liệt và đã đạt được những kết quả quan trọng. Tính đến nay, trên địa bàn huyện Gia Lâm có 20/20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có 5 xã đạt NTM kiểu mẫu, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 22 đề ra.
Trong thành tích chung của huyện có sự đóng góp quan trọng của xã Kim Sơn. Xác định mục tiêu xây dựng NTM nâng cao chính là nâng cao mức sống, mức hưởng thụ cho người dân, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Kim Sơn đã nghiêm túc quán triệt và nhận thức sâu sắc về chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, huy động sức mạnh tổng lực của cả hệ thống chính trị từ xã, thôn đến Nhân dân với quyết tâm cao xây dựng NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025. Sau 7 năm triển khai xây dựng, từ thời điểm chỉ có 10/19 tiêu chí đạt, 5 tiêu chí cơ bản đạt, 4 tiêu chí chưa đạt vào năm 2016, tính đến năm 2023, xã Kim Sơn đã hoàn thành, cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM nâng cao.
Theo đó, đến thời điểm hiện tại, thu nhập bình quân đầu người của người dân trên địa bàn xã đạt trên 71,5 triệu đồng/người/năm; xã không còn hộ nghèo; 100% trục chính, đường liên thôn được cứng hóa, bê tông, trải nhựa apphal; 100% đường ngõ xóm trên 2m có điện chiếu sáng; 100% trường học 3 cấp đạt chuẩn quốc gia; Trạm y tế xã đã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế; 100% thôn có nhà văn hóa phục vụ sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đạt danh hiệu thôn “văn hóa”; có trên 95% người dân tham gia bảo hiểm y tế; 100% hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đạt chuẩn. Diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp. Hiện trên địa bàn xã có 1 sản phẩm đạt OCOP 3 sao là kẹo lạc Minh Trị, được công nhận năm 2022…
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết, đây là niềm vinh dự và tự hào của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân xã Kim Sơn nói riêng và huyện Gia Lâm nói chung; cũng là tiền đề góp phần hoàn thiện các tiêu chí để xã Kim Sơn và xã Phú Thị trở thành phường trong thời gian tới.
Tại buổi lễ, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTT&DL Nông Quốc Thành đã trao chứng nhận Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia cho chính quyền và Nhân dân xã Kim Sơn.
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Hoàng Trọng Quyết trao Bằng công nhận danh hiệu xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023 cho xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/cong-bo-le-hoi-keo-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia.html