Thực hiện có hiệu quả việc quy hoạch tổng thể, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa
Trong phát biểu về “Một số vấn đề đặt ra trong triển khai thực hiện quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển thiết chế văn hóa”, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đưa ra 4 nhóm giải pháp trọng tâm để xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thời gian tới.
Theo ông Phan Xuân Thủy, sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, đời sống văn hóa của nhân dân không ngừng được nâng cao, hệ thống thiết chế văn hóa ngày càng hiện đại, từng bước chuyển đổi cơ chế, đổi mới về phương thức hoạt động. Nhiều di sản văn hóa được bảo tồn, tôn tạo. Các cấp, các ngành, địa phương đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để người dân khai thác, sử dụng những thiết chế sẵn có, đóng góp xây dựng những thiết chế văn hóa mới, phù hợp với địa bàn cư trú, phong tục tập quán vùng miền.
Việc xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở đã được quy hoạch tổng thể phương án đầu tư xây dựng, từ cấp tỉnh đến cấp xã phường, làng thôn, ấp bản. Cơ chế, chính sách về đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực cho các thiết chế văn hóa từng bước được quan tâm. Công tác quản lý, vận hành hệ thống thiết chế văn hóa ngày càng được nâng cao, cơ bản thực hiện tốt vai trò, chức năng hoạt động, góp phần triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh nhiều kết quả đạt được, hệ thống thiết chế văn hóa và cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động văn hóa ở nước ta còn nhiều bất cập, hạn chế: Còn thiếu các thiết chế văn hóa đủ tiêu chuẩn để tổ chức các sự kiện lớn, mang tầm khu vực và quốc tế, được tổ chức và vận hành một cách chuyên nghiệp, nhưng lại thừa những thiết chế không đáp ứng được các tiêu chuẩn này. Hệ thống thiết chế văn hóa chậm chuyển đổi sang phương thức tự chủ, xã hội hóa; nhiều nơi đang trong tình trạng xuống cấp, chắp vá, thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng thấp.
Nhiều trung tâm văn hóa, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng, nhưng tần suất sử dụng rất ít hoặc sử dụng sai mục đích. Một số địa phương chưa có đủ quỹ đất theo quy định; thiếu kinh phí, thiếu đội ngũ cán bộ để xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa. Tại nhiều vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số,… hệ thống thiết chế văn hóa còn nghèo nàn, lạc hậu về cơ sở vật chất cũng như trong việc tổ chức các hoạt động, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân. Cơ chế, chính sách, quy định đối với việc quản lý các thiết chế văn hóa do khu vực tư nhân đầu tư còn nhiều bất cập.
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa trong thời gian tới, cần thực hiện quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có một số nhóm giải pháp trọng tâm:
Quán triệt sâu sắc, toàn diện hơn nữa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam; nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hệ thống thiết chế văn hóa; Thực hiện có hiệu quả việc quy hoạch tổng thể, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa; bố trí quỹ đất hợp lý, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của từng cấp, bảo đảm diện tích sử dụng theo chức năng của các thiết chế; Nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn; chú trọng các nhóm chính sách về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; quy hoạch, đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ… Tăng cường công tác quản lý nhà nước, công tác tuyên truyền, vận động của ngành văn hóa, thể thao và du lịch; từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chế đối với các hoạt động văn hóa, nhất là ở cơ sở; chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các thiết chế văn hóa; phối hợp chặt chẽ giữa các ngành trong đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng, khai thác, sử dụng hiệu quả công năng các thiết chế văn hóa phục vụ nhân dân; phát huy tinh thần chủ động, tích cực của người dân và vai trò tự quản của cộng đồng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa.
Nghiên cứu giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn về chính sách hợp tác công tư
TS. Lê Minh Nam, Ủy viên thường trực, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng, “nghiên cứu giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn về chính sách hợp tác công tư (PPP) trong quản lý khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị thể thao tại các đơn vị sự nghiệp thể thao là nội dung mới, cần được xem xét trong mối quan hệ tổng thể”.
Theo TS Lê Minh Nam, một số nội dung quy định pháp luật về thiết chế văn hóa, thể thao còn thiếu, chưa thống nhất; Quy hoạch tổng thể mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập trên phạm vi cả nước chưa bảo đảm; Một số quy định về tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập chưa được cụ thể hóa hoặc sửa đổi, bổ sung để tạo hành lang pháp lý cho tổ chức thực hiện; Cơ chế quản lý tài chính tại nhiều đơn vị còn bất cập. Qua kiểm tra, giám sát cho thấy cần được giải quyết ở góc độ cơ chế, chính sách.
Một số quy định về quản lý, sử dụng tài sản công còn vướng mắc, có khó khăn khi triển khai áp dụng thực tiễn. Trong tổ chức thực hiện còn hạn chế trong việc đổi mới hệ thống tổ chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cũng như thu hút nhân tài; Nhiều đơn vị chưa chủ động xây dựng danh mục dịch vụ sự nghiệp công, định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá dịch vụ sự nghiệp theo ngành, lĩnh vực;
Phương thức quản lý, nâng cao năng lực quản trị đơn vị một số nơi còn hạn chế, trong đó: Hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp còn cồng kềnh, manh mún, phân tán, chồng chéo; quản trị nội bộ yếu kém, chất lượng, hiệu quả dịch vụ thấp. Chi tiêu ngân sách nhà nước cho nhiều đơn vị sự nghiệp công còn lớn, một số đơn vị thua lỗ, tiêu cực, lãng phí…
Một số tồn tại, hạn chế có tính phổ quát, đang tác động ở diện rộng và là những vấn đề cơ bản nên cần phải ưu tiên xem xét giải quyết trước, trước khi xem xét đến áp dụng các chính sách hợp tác công tư.
Đặc biệt, nghiên cứu chính sách hợp tác công tư đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao cần phân tích kỹ lưỡng những đòi hỏi về yêu cầu, điều kiện và dự báo, đánh giá tác động của những khó khăn vướng mắc có thể xảy ra. Trước hết cần tiếp cận nguyên tắc gắn với bản chất, mục tiêu thì PPP là hình thức hợp tác tối ưu hóa hiệu quả đầu tư và cung cấp dịch vụ công có chất lượng cao nhằm mang lại lợi ích cho cả nhà nước, nhà đầu tư và người dân sử dụng dịch vụ.
Theo TS Lê Minh Nam, yếu tố quan trọng nhất để kêu gọi đầu tư tư nhân tham gia đối tác công tư là phải có cơ chế bảo đảm để nhà đầu tư có lợi ích đủ lớn, đồng thời bảo đảm các điều kiện về quy trình, thủ tục để thuận lợi cho họ hoạt động ổn định, lâu dài.
Theo đó, cần lưu ý, nếu để bảo đảm phương án tài chính bù đắp chi phí đầu tư sẽ đòi hỏi hoạt động hợp tác công tư phải cung cấp được khối lượng dịch vụ có thu tiền đủ lớn để hoạt động có lợi nhuận. Đây là một yếu tố quan trọng cần xem xét khi quyết định đầu tư PPP. Đặc biệt phải xem xét trong mối quan hệ hài hòa lợi ích giữa 3 bên: Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, bảo đảm đạt được mục tiêu tổng thể, dài hạn của Nhà nước trong cung cấp dịch vụ công, không thể coi nhẹ bất cứ khía cạnh hay mục tiêu nào.
Bên cạnh đó, cần đề xuất tháo gỡ những điểm nghẽn về quy định pháp luật đối với hoạt động văn hoá, thể thao hiện không thuộc lĩnh vực được áp dụng PPP; đồng thời phân tích, dự báo những khó khăn, vướng mắc có thể xảy ra trong áp dụng PPP đối với các đơn vị sự nghiệp thể thao kể cả khi chính sách này được thể chế hóa tại các văn bản quy phạm pháp luật; cần đánh giá những tác động tiêu cực từ thực trạng năng lực, trình độ, nhận thức của bộ phận trực tiếp thực thi PPP, những khó khăn về thực trạng nguồn lực đầu tư công, vấn đề về quy hoạch, khai thác quỹ đất, trong đó đặc biệt lưu ý – không phải tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao nào cũng có thể áp dụng hình thức PPP xét trên cả khía cạnh mục tiêu và điều kiện thực hiện…
TS Lê Minh Nam nêu một số giải pháp như: Tập trung đánh giá toàn diện thực trạng các vướng mắc, tồn tại, điểm nghẽn về chính sách, pháp luật đối với hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập trên phạm vi toàn quốc để có giải pháp tháo gỡ, khắc phục, theo đó tạo nền tảng môi trường pháp lý chung thống nhất, đồng bộ, hiệu lực giúp các đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng chiến lược, kế hoạch triển khai các giải pháp áp dụng cho phù hợp với từng cơ quan, đơn vị.
Rà soát hoàn thiện quy hoạch tổng thể, đồng thời kiện toàn tổ chức bộ máy; áp dụng các giải pháp quản trị nội bộ hiệu quả cụ thể, phù hợp với điều kiện và tình hình mới, đặc biệt trong điều kiện ứng dụng công nghệ 4.0 và khoa học công nghệ tiên tiến; đẩy mạnh áp dụng các tiêu chuẩn, chuẩn mực quản trị quốc tế.
Nghiên cứu, đánh giá nhằm phân loại, tách bạch lĩnh vực, hoạt động có khả năng thực hiện PPP hoặc phải sử dụng nguồn lực công hay theo mô hình hỗn hợp/kết hợp.
Nghiên cứu đề xuất áp dụng PPP ở phạm vi rộng hơn cho lĩnh vực văn hóa thể thao và/hoặc đề xuất thí điểm PPP tại các dự án do các đơn vị sự nghiệp thể thao thuộc quản lý của các Bộ, Ngành quản lý.
Nghiên cứu cơ chế phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động từ chính các đơn vị sự nghiệp thể thao, theo đó các đơn vị không trông chờ, ỷ lại mà cần chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong nghiên cứu tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn cho cơ quan, đơn vị mình dựa trên nguồn lực và điều kiện thực tiễn của cơ quan, đơn vị.
Nghiên cứu cơ chế khuyến khích và cơ chế bảo vệ để thúc đẩy quyết tâm đổi mới từ lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp thể thao; theo đó tạo ra nhân tố dẫn dắt đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy cải thiện hiệu quả quản lý khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị thể thao tại các đơn vị sự nghiệp thể thao; tránh tình trạng sợ khó, sợ sai, sợ trách nhiệm…
Xác định các vấn đề cơ chế, chính sách nhằm khơi thông nguồn lực phát triển văn hoá, thể thao
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh ý nghĩa hết sức quan trọng của Hội thảo trong việc giúp Chính phủ đánh giá, xác định các vấn đề cơ chế, chính sách nhằm khơi thông nguồn lực, đưa văn hóa trở thành động lực, “kinh tế hóa văn hóa thông qua phát triển các di sản, sản phẩm văn hoá, du lịch”.
Đồng tình với các ý kiến, tham luận tại Hội thảo về thực trạng của các thiết chế văn hoá, thể thao, nhất là những tồn tại nguyên nhân, đề xuất giải pháp, Phó Thủ tướng cho rằng cần tiếp tục thể chế hoá, cụ thể hóa chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về văn hoá, thể thao; đồng thời tiếp tục làm rõ nội hàm khái niệm thiết chế văn hoá, thể thao như các cơ sở vật chất, tổ chức, cơ chế chính sách đi kèm thể hiện vai trò của nhà nước.
Theo Phó Thủ tướng, thiết chế văn hoá, thể thao phải được coi là một bộ phận hết sức quan trọng của thiết chế liên quan đến hạ tầng xã hội nên cần các bộ tiêu chí đánh giá, xác định để đưa vào quy hoạch ở cấp độ quốc gia, vùng, địa phương, cơ sở. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu mô hình thiết chế văn hóa là các thành phố, đô thị di sản, đơn cử như Hội An.
“Những vấn đề đặt ra là vai trò của nhà nước, sự tham gia của xã hội, doanh nghiệp, người dân trong phát triển thiết chế văn hoá, thể thao vừa xây dựng nền tảng tinh thần, vừa góp phần văn hóa hóa kinh tế, gắn kết xã hội, phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ”, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Phó Thủ tướng cho rằng cần có một “bộ luật đầy đủ” liên quan đến lĩnh vực thiết chế văn hoá, thể thao. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo tập trung ưu tiên nguồn lực thực hiện những nhiệm vụ quan trọng như chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam, đồng thời thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân, xã hội vào xây dựng thiết chế văn hoá, thể thao.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, những vướng mắc liên quan đến các Nghị định và Thông tư mà có thể tháo gỡ ngay, Chính phủ sẽ nghiên cứu, sớm ban hành các văn bản. Trước mắt, Nghị định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 151 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công trong tuần tới có thể ký ban hành. Đặc biệt, Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1.7 sẽ giải quyết được phần rất lớn những vướng mắc hiện nay đối với đầu tư, quản lý, khai thác và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao…
“Chúng ta đang sửa Luật Xây dựng đô thị và nông thôn, nội hàm thiết chế văn hóa cần xác định rõ, để cùng với Luật Đất đai, trong trường hợp cần thiết, Nhà nước đầu tư và chúng ta phải có đầy đủ điều kiện bao gồm đất đai, nguồn vốn, đầu tư công, đầu tư tư…”, Phó Thủ tướng nói./.
Nguồn: https://toquoc.vn/pho-thu-tuong-tran-hong-ha-khoi-thong-nguon-luc-dua-van-hoa-tro-thanh-dong-luc-20240512191343973.htm