Vịt mồng và vịt mỏ thìa của nhà điểu học Nguyễn Hoài Bảo chụp trước giờ khai mạc đã khiến cuộc thi thêm nóng khi các tay máy đều muốn gặp nó
Bird Race là một cuộc thi hết sức thú vị.
Dĩ nhiên, mục tiêu đầu tiên của nó là tạo nên một sân chơi cho những người thích chụp – ngắm ảnh chim hoang dã.
Nhưng, cái đích lớn nhất để hướng tới là bảo tồn thiên nhiên hoang dã, bảo vệ môi trường thiên nhiên vốn đã và đang bị hủy hoại trên toàn cầu.
Chụp ảnh chim xuyên đêm
Nội dung thi đấu của Bird Race được chuyên gia điểu học Nguyễn Hoài Bảo, và cũng là trưởng ban tổ chức Việt Nam Bird Race lần đầu tiên, ví nó như một cuộc thi đấu thể thao.
Mỗi đội tham gia gồm bốn thành viên (hoặc ít nhất là ba), và đội chiến thắng là đội chụp ảnh được nhiều loài chim nhất.
Bên cạnh giải thưởng danh giá nhất dành cho tập thể, còn có một số giải cá nhân đi kèm như giải ảnh đẹp (về mặt nghệ thuật), giải ảnh chụp được loài quý hiếm…
Để chiến thắng ở giải thưởng lớn nhất của cuộc thi, các đội phải có chiến thuật, biết phối hợp làm việc nhóm, có kiến thức về chim hoang dã, am hiểu địa hình và đặc thù của nơi tổ chức cuộc thi.
Năm nay, trong lần đầu tiên tổ chức, các nhà tổ chức gồm Câu lạc bộ Nhiếp ảnh thiên nhiên hoang dã và Công ty Wild Tour quyết định chọn Tràm Chim, Tam Nông, Đồng Tháp làm điểm thi thố.
Sau lễ khai mạc vào chiều 10-5, cuộc thi bắt đầu vào sáng sớm ngày 11-5, cũng là Ngày chim di cư thế giới (thứ bảy, tuần thứ hai trong tháng 5, thời điểm các loài chim di cư bắt đầu quay về nơi sinh sản).
Từ 6h sáng, 20 đội tham gia (trong đó có hai đội đến từ Malaysia, đội Philippines, đội Campuchia và hai tay máy lẻ đến từ Peru, Na Uy ghép vào các đội Việt Nam) lên 10 chiếc tàu xuất phát lần lượt cách nhau 10 phút.
Chuyến đi bắt buộc này kéo dài đến giữa trưa là kết thúc. Ngay sau đó là các đội tùy nghi thực hiện theo chiến thuật của mình.
Có đội tiếp tục lại lên thuyền đi chụp vào buổi chiều; có đội chia đôi đội hình để vừa săn ảnh tiếp trên bờ lẫn dưới nước; có đội thì săn lùng trên các bờ đê bao quanh Tràm Chim…
Điểm nóng của cuộc thi lần này là sự xuất hiện của hai loài chim di cư vịt mồng và vịt mỏ thìa mới xuất hiện ở Tràm Chim – một điều vô cùng hiếm hoi, đồng thời là tín hiệu vui cho thấy Tràm Chim đang phục hồi khá tốt.
Cuộc săn ảnh kéo dài gần như không nghỉ! Như tôi theo chân nhóm của “thánh chim” Bùi Thanh Trung cùng các thành viên rất trẻ làm công tác nghiên cứu về đa dạng sinh học như Nguyễn Lê Phương Ngân – 23 tuổi, đang làm việc tại Viện Nghiên cứu thủy sản 2, ThS Lâm Quang Ngôn – 32 tuổi, đang làm việc cho các dự án nghiên cứu về đa dạng sinh học ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ ba này dẫn tôi lần mò xuyên qua nghĩa trang ở Tam Nông, len lỏi vào các bờ đê để tìm chụp các loài cú sinh sống ở vùng này. Gần nửa đêm Ngôn và Ngân mới về nơi nghỉ, và sau đó bắt đầu thống kê số loài chim chụp được trong ngày.
Riêng “thánh chim” vẫn đi tìm loài cú lợn lưng xám đến… 3h sáng! Chưa hết, sáng hôm sau 12-5, 5h sáng họ lại chia đôi đội hình tiếp tục đi tìm chụp những loài chim đi ăn sớm.
Đến 8h thì cũng như tất cả các đội, họ kết thúc cuộc tìm kiếm để thống kê bổ sung lần cuối và nộp cho ban tổ chức kết quả sau hai ngày tìm kiếm vào lúc 9h sáng.
Ban giám khảo là các nhà chuyên môn về điểu học, các tay máy chụp ảnh chim nổi tiếng cùng lao vào làm việc để kịp tổ chức công bố kết quả vào trao giải thưởng lúc 12h trưa cùng ngày.
Chơi hôm nay, chăm cho ngày mai
Đáng nể nhất là các đội nước ngoài. Tuy là khách, ít nhiều lạ lẫm về địa hình, nhưng họ tỏ ra rất chuyên nghiệp.
Như sáng 11-5, tôi đi chung xuồng với đội Philippines, họ có chiến thuật rõ ràng, người dùng tele 600mm (cộng với ngàm nhân 1,4 nên ra tiêu cự 840mm) ở mũi thuyền, hai người dùng ống 100 – 400mm cơ động và một người chuyên dùng ống nhòm để tìm kiếm chim và chỉ điểm cho đồng đội chụp.
Đội trưởng của Philippines, ông Goel L. Lamela năm nay 64 tuổi cho biết:”Chúng tôi đã tham gia các cuộc thi như thế này từ hơn 20 năm nay rồi nên quen thôi”!
Đội này sau khi đáp máy bay đến Tân Sơn Nhất là di chuyển ngay xuống Tràm Chim và thuê tàu đi khảo sát địa hình, lên phương án hết sức cụ thể.
Ông Goel còn cho biết thêm, Bird Race là một cuộc chơi không chỉ phục vụ cho những người yêu chụp ảnh – ngắm chim hoang dã của hôm nay, mà còn chăm sóc cho thế hệ tương lai, với nhiều nội dung hoạt động phong phú.
Trên tinh thần đó, Việt Nam Bird Race lần đầu tiên cũng không chỉ phục vụ cho giới nhiếp ảnh chim hoang dã, mà còn có một hoạt động hết sức thú vị và ý nghĩa, đó là mời họa sĩ chuyên vẽ động vật hoang dã Đào Văn Hoàng – nhà sáng lập trung tâm giáo dục Le Petit Museé ở TP.HCM – đến dạy cấp tốc cho hơn 70 em học sinh cấp 1, 2 ở Tràm Chim.
Sau đó, các em vẽ lại những bức ảnh chim đẹp. Những bức tranh đẹp (do tất cả những ai có mặt chấm điểm) được bán đấu giá, và số tiền thu được trao cho Phòng Giáo dục Tam Nông làm học bổng.
Kết quả 8 bức tranh được bán đấu giá thu về 27 triệu đồng. Đại diện Canon tặng thêm 3 triệu, nhiếp ảnh gia Đoàn Như Hoàn – nickname Bảy Hoang Dã – tặng 20 triệu cho tròn con số 50.
Trưởng ban tổ chức Việt Nam Bird Race 2024 – ông Nguyễn Hoài Bảo cho biết:
“Tôi vui với kết quả thành công mỹ mãn của cuộc thi ảnh, nhưng mừng đến 10 với cuộc thi vẽ tranh. Tương lai của thiên nhiên Việt Nam chính là ở các em nhỏ này, như họa sĩ Hoàng nói là anh rất bất ngờ về tinh thần của các em”.
Như trong một bài trả lời phỏng vấn của Nguyễn Hoài Bảo mới đây trên báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần, câu chuyện của những người yêu chim nói riêng, yêu động vật hoang dã nói chung không chỉ là thỏa một thú vui cá nhân, mà cái chính là bảo vệ cuộc sống của con người trong tương lai.
Đơn giản bởi, muông thú sống được chứng tỏ là thiên nhiên được bảo vệ tốt; và từ đó kéo theo nhiều điều lợi như môi trường sống trong lành, sức khỏe con người tốt hơn, du lịch phát triển…
Đội Chim Điên đoạt giải nhất
Chỉ trong vòng chưa đến 2 ngày, hơn 70 tay máy của 20 đội tham gia đã chụp ảnh được trên 100 loài chim hiện diện ở Tràm Chim hiện nay.
Điều này, theo ông Bảo là vô cùng có lợi cho Vườn quốc gia Tràm Chim, vì nếu một nhà khoa học đi tìm kiếm được ngần ấy loài thì phải mất vài năm!
Kết quả chung cuộc, đội Chim Điên (tên một loài chim hiếm gặp ở khu vực Côn Đảo, mà bốn thành viên đội này gồm Lê An Khương, Dương Trấn Hải, Dương Tuấn Vũ, Trương Nguyễn Anh Huy cho biết học ao ước chụp được nó) đã chụp được 71 loài.
Giải nhì thuộc về đội Ô Tác (cũng là tên một họ chim lớn) với bốn tay máy Hồ Phú Quý, Phan Minh Tâm, Võ Trọng Tài, Kevin Miguel (Peru).
Giải ba thuộc về đội Spot-billed pelican (bồ nông chân xám) của “thánh chim” Toby Trung cùng Nguyễn Lê Phương Ngân, Lâm Quang Ngôn.
Giải tư về tay đội Philippines với bốn tay máy Loel, Alain, Don và Noberto.
Nguồn: https://tuoitre.vn/thi-chup-anh-chim-quoc-te-dau-tien-tai-viet-nam-muon-con-hon-khong-20240512190040526.htm