Những cơn sóng nhồi khiến phần đông “tân binh” chúng tôi say nghiêng ngả, còn hai cựu binh Trần Văn Liên và Khổng Duy Đĩnh thì cứ thản nhiên như không. Hai cựu chiến sĩ đặc công nước Trường Sa năm xưa, nay đã ở tuổi thất thập, vẫn hăng hái trong top đầu đoàn đại biểu đặt chân lên các điểm đảo.
Cựu đặc công nước Trần Văn Liên và Khổng Duy Đĩnh chụp ảnh kỷ niệm tại Đảo Sinh Tồn. (Ảnh: Nguyễn Tấn Tuấn) |
Trong những ngày đầu trên tàu, khi chưa bị cảm giác say sóng “hạ gục”, tôi chú ý đến hai đại biểu đứng tuổi, luôn đi cùng nhau, vui vẻ chuyện trò và tôi đoán họ biết nhau từ trước. Quả không sai, sau này, khi đặt chân lên đảo Song Tử Tây, được chính thức giới thiệu, tôi mới biết mình may mắn đến nhường nào khi được đến thăm quần đảo Trường Sa cùng chuyến với hai vị cựu chiến binh này. Họ không chỉ là những chiến sĩ đã anh dũng bảo vệ đảo năm xưa, mà còn là những đặc công nước “bơi như cá heo, lặn như rái cá”…
Thước phim quay chậm
Giống như ở đất liền, trên đảo có cư dân sinh sống, có trẻ con, có chùa, có trường học, có bệnh viện. Nếu không tính đến hải trình vật vã ra đảo thì cuộc sống ở đây tương tự như ở đất liền, có chăng là ít dân hoặc quy mô nhỏ hơn thôi. Đang tham quan, đoàn chúng tôi dừng lại trò chuyện với một đám trẻ, là con em quân dân trên đảo. Được “bật mí” có hai cựu đặc công nước, hai cậu bé tên Bắc và Long (học sinh Trường Tiểu học xã Song Tử Tây) reo lên rồi nhất định xin hai ông kể chuyện ngày xưa đánh giặc ở đảo cho nghe.
Vậy là, dưới tán cây phong ba mát rượi, đang mùa hoa, chúng tôi ngược dòng thời gian cùng hai cựu chiến binh trở về những ngày tháng hào hùng và bi tráng ấy. Ông Liên kể: “Hồi đó, Đoàn 126 đặc công Hải quân của chúng ta đã vượt qua sự bao vây, phong tỏa dày đặc của Hải quân hiện đại của Mỹ – Ngụy, dựa vào dân, luồn sâu vào các cảng, dùng đơn vị nhỏ, tinh nhuệ, sử dụng vũ khí có uy lực cao, đánh đau, đánh hiểm. Trong bảy năm chiến đấu trên chiến trường Cửa Việt – Đông Hà, đặc công Hải quân đã đánh trên 300 trận, đánh chìm, đánh hỏng nặng 336 tàu xuồng chiến đấu, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, tiêu diệt nhiều sinh lực địch.
Góp phần cùng các lực lượng trên khắp chiến trường miền Nam đánh chìm, đánh hỏng 7.473 tàu thuyền, đánh sập hàng trăm cầu cống, bến cảng, diệt hàng nghìn lính địch, phá hủy hàng vạn tấn vũ khí đạn dược, vật chất phục vụ chiến tranh của địch, cùng với quân dân miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược…”, giọng ông Liên đều đều như những trang sử sống.
“Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Hải quân nhân dân Việt Nam đã phối hợp hoạt động, chiến đấu trên hướng biển, đặc biệt là kịp thời phối hợp với một bộ phận bộ đội Quân khu 5 thần tốc, táo bạo, bí mật, chủ động giải phóng năm đảo thuộc quần đảo Trường Sa, góp phần vào thắng lợi trọn vẹn, vĩ đại của dân tộc. Đó là ngày 11/4/1975, các lực lượng của ta bí mật xuất phát từ Đà Nẵng và chọn đảo Song Tử Tây là đảo đầu tiên chiếm. Ngày 14/4, đảo Song Tử Tây được giải phóng. Ngày 25/4, ta giải phóng hoàn toàn đảo Sơn Ca. Ngày 27/4, ta làm chủ đảo Nam Yết. Ngày 28/4, ta hoàn toàn làm chủ đảo Sinh Tồn. Ngày 29/4, quân nhân dân Việt Nam trong đó có đoàn C75 gồm lực lượng thuộc Trung đoàn đặc công 126, Tiểu đoàn đặc công nước 471 và Tiểu đoàn 4 trong đó có chú Khổng Văn Đĩnh đây làm chủ hoàn toàn quần đảo Trường Sa”. Cụ thể thế nào, các cháu có muốn nghe chú Đĩnh và các bạn đổ bộ bí mật vào Trường Sa thế nào không?”.
Cựu đặc công nước Trần Văn Liên và Khổng Duy Đĩnh trả lời phỏng vấn TG&VN tại đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa. (Ảnh: Nguyễn Thị Hải Vân) |
Lập tức, mọi ánh mắt đổ dồn về cựu đặc công nước Khổng Duy Đĩnh. Ông Đĩnh cười hiền rồi bắt đầu kể: “7h tối ngày 11/4/1974, chúng tôi xuất quân xuống tàu đánh cá nhỏ để nghi binh, khi đó tàu địch đang tuần tra trên biển, trên tàu toàn lưới. Chúng tôi đeo mỗi người một cái gùi và nằm hết dưới khoang. Tàu đi lòng vòng lênh đênh khoảng một tuần mới đến đảo. Nhìn qua ống nhòm thấy đảo mờ mờ, chúng tôi xuống xuồng cao su rồi lặng lẽ tiến vào bờ trong đêm tối, chờ hiệu lệnh tấn công lên đảo. Bị đánh bất ngờ, lính trên đảo chống trả yếu ớt rồi đầu hàng. Chúng tôi không thiệt hại gì về quân số, chỉ có vài người bị thương nhẹ. Một trận chiến nhẹ như lông hồng! Sau đó, chúng tôi chiếm lĩnh toàn bộ đảo Sơn Ca. Mãi hai ngày sau mới thấy tàu ngoại bang lởn vởn bên ngoài, nhưng chúng tôi đã giương cờ khẳng định chủ quyền”.
Khổ luyện thành công
Trong cái nắng Trường Sa lộng gió, hai bóng chiến sĩ năm xưa lúc với các cháu nhỏ, lúc lại tâm sự với các chiến sĩ đang đứng gác tận cuối đảo. Tôi đến bên ông Liên nói vui: “Chú đi khỏe thế, con theo không kịp”.
Ông chia sẻ: “Được khỏe là nhờ quá trình rèn luyện khi còn là đặc công nước. Ngày xưa huấn luyện gian khổ lắm. Lính bình thường chỉ 3-4 tháng, nhưng đặc công nước là phải từ 10 tháng đến một năm. Một đại đội (khoảng từ 50-100 người) mới chọn khoảng được 10 người làm nhiệm vụ đánh cầu, đánh tàu. Chọn đặc công nước có thể nói là chỉ kém đặc công trên các tàu không số. Nói vậy không phải là so sánh giữa các binh chủng mà để hình dung việc đào tạo, rèn luyện được một chiến sĩ đặc công nước đánh giặc thực thụ là không đơn giản”.
Ví như, trong quá trình huấn luyện, chiến sĩ phải bơi 30 km (bơi nước xô). Bơi ở biển, lợi dụng được sóng, gió xô đẩy và bơi từ đảo này sang đảo khác; nếu bơi ở đường sông thì khoảng 10 km, tức là bơi nước đứng (không có lực đẩy). Nếu huấn luyện ở Cát Hải thì thường là bơi từ Cát Hải ra Hòn Dấu hoặc là từ Cát Hải ra Đồ Sơn hay từ Cát Hải ra phao số 0… Phải khổ luyện mới thành!.
Ông Đĩnh chia sẻ thêm: “Mùa Đông thời tiết miền Bắc lạnh đến 5oC; để rèn thể chất, giữa đêm chúng tôi được gọi dậy, ra ngồi ngoài bờ giếng, chỉ mặc đồ lót, tiếp theo có người sẽ múc lên một gầu nước, cho chảy nhỏ giọt từ trên đầu xuống, từng người như vậy, khi hết nước thì được vào”. Ông Liên nhấn mạnh thêm: “Cao hơn nữa là rèn luyện tinh thần, tình đồng đội, sẵn sàng giành sự hy sinh về mình, trao sự sống cho đồng đội”.
Cây Phong ba nở hoa vươn trên bầu trời xanh tại Đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa. (Ảnh: Minh Hòa) |
Giành nhau hy sinh
Trong tiếng nấc nghẹn, ông Liên bồi hồi nhớ lại: “Tôi sống được đến ngày hôm nay là nhờ đồng đội, anh Hoàng Cao Biền, người Thái Bình, trong trận đánh cầu Thủy Tú. Tôi cùng anh Biền toàn thắng mấy trận. Đến trận cầu Thủy Tú thì xảy ra chuyện”.
“Khối nổ thường có hai ngòi nổ. Chúng tôi đã áp sát cầu mà ngòi nổ hẹn giờ không hiểu vì sao lại không hoạt động. Là tổ trưởng nên tôi ra hiệu rút kíp nổ tức thì, nhưng anh Biền ra dấu với tôi rằng, tôi là tổ trưởng, phải quay lại báo cáo với tiểu đoàn. Lúc đó ở dưới nước, không thể tranh cãi, trên bờ là địch. Tôi lặn ra khỏi chân cầu thì anh Biền ở dưới giật chốt tức thì. Anh ấy nhường cơ hội sống cho tôi và giành lấy sự hy sinh về mình”, ông kể.
“Thực tế là trong những trận chiến ác liệt, nhiều tình huống bất trắc đã xảy ra. Cặp liệt sĩ Tiến Lợi và Anh Xuân, khi áp sát chân cầu thì bị địch phát hiện. Anh Xuân đành lập tức giật ngòi nổ, đánh sập cầu. Hai anh đều hy sinh. Thời ấy chúng tôi gan lắm, vượt sang bên Sơn Trà với hành trang là khối thuốc nổ để đánh tàu và một ít gạo rang. Thời cơ chưa đến thì cứ nằm đó 5-7 ngày, nhấm nháp gạo rang cầm hơi. Khi nào đánh được chìm tàu thì về”, ông Liên nhớ lại.
Tiếng còi tàu cất lên vang vang báo hiệu đến giờ trở lại tàu. Chúng tôi tạm biệt Song Tử Tây để đến đảo chìm Đá Thị. Biển chiều xanh thẳm, lộng gió. Tôi lặng đi khi nhìn hai người bạn già khoác vai nhau trong hải trình đáng nhớ này.
Tôi nghĩ tới lời ông Liên chia sẻ: “Tôi mong còn nhiều sức khỏe để tham gia những chuyến đi, không chỉ tìm lại đồng đội đã hy sinh mà cả những đồng chí còn sống. Ra Trường Sa, được nhìn thấy con cháu mình luôn chắc tay súng, bảo vệ Tổ quốc, tôi rất tự hào. Mong các thế hệ hôm nay và mai sau luôn chung một ý chí bảo vệ biển đảo quê hương, từng tấc đất mà cha ông đã đổ máu để bảo vệ thì nhất định không được để mất”.
—————————-
Kỳ cuối: Cứu nạn trên biển, nhiệm vụ thời bình
Nguồn: https://baoquocte.vn/truong-sa-trong-toi-tu-hao-dac-cong-nuoc-truong-sa-ky-ii-270802.html