Điều thú vị là 7 năm trước, chị ruột của Minh là Nguyễn Đỗ Huyền Vi cũng đạt giải nhất cuộc thi này và xuất sắc giành giải khuyến khích UPU quốc tế.
Hai bức thư của hai chị em mang màu sắc khác nhau, song có chung sự rung cảm nhạy bén trước những vấn đề nhức nhối toàn cầu.
Chuyện hiếm ở cuộc thi UPU
Cuộc thi viết thư quốc tế UPU năm 2024 với chủ đề “Gửi các thế hệ tương lai để kể về thế giới mà bạn hy vọng họ được kế thừa”. Chủ đề cuộc thi cũng gắn với kỷ niệm 150 năm thành lập Liên minh Bưu chính thế giới UPU (1874 – 2024).
Vượt qua 1,5 triệu bài viết, bức thư của nam sinh Nguyễn Đỗ Quang Minh, học sinh lớp 9 Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), đã giành giải nhất quốc gia.
Minh cho biết em đã hóa thân thành nhân vật Pull Attie – một nhân viên làm việc tại bưu điện ở ngôi làng Ông già Noel, trực tiếp đọc những lá thư của trẻ em trên toàn thế giới gửi về. Ông Pull Attie viết thư cho tổng giám đốc UPU năm 2174, chia sẻ cảm nhận về việc trẻ em thiếu tình thương và cần một nơi để giãi bày tâm sự.
Bức thư có đoạn: “… Thế giới càng phát triển, con người càng xa cách nhau, dần trở nên vô cảm với nhau. Trẻ em dần thiếu thốn tình yêu thương, và chúng cần lắm một nơi để giãi bày tâm sự. Chúng khao khát được chia sẻ bằng những dòng thư tay chân thành nhất, gửi đến một nơi mà chúng tin sẽ có người lắng nghe để được nhận lại tình yêu thương. Và đó chỉ có thể là Ông già Noel!”…
Bức thư đã chạm đến cảm xúc của nhiều người với sự rung cảm vừa ngây thơ vừa sâu sắc.
Sau khi danh sách đạt giải nhất quốc gia được công bố, ít ai biết được Minh là em trai của Nguyễn Đỗ Huyền Vi, học sinh lớp 8/9 Trường THCS Tây Sơn, Đà Nẵng, cũng giành giải nhất cuộc thi này năm 2017. Đây là trường hợp hiếm ở một cuộc thi mang tầm quốc tế dành cho thanh thiếu niên toàn quốc.
Hai bức thư, hai màu sắc
Với cách giải quyết vấn đề khá thông minh và táo bạo, bức thư gửi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres của Nguyễn Đỗ Huyền Vi, cô học sinh lớp 8 năm ấy, đã đề cập cách giải quyết vấn đề người tị nạn tràn sang châu Âu. Huyền Vi đã đề xuất ý tưởng kêu gọi các quốc gia phát triển, các tổ chức từ thiện và tỉ phú trên khắp thế giới mua đảo cho người tị nạn.
Huyền Vi bây giờ là sinh viên năm 3 ngành quản trị sự kiện Đại học Greenwich (TP.HCM). Vi kể ngày nhỏ, mỗi buổi tối cả nhà lại quây quần cùng ăn cơm và xem tivi.
“Ý tưởng này xuất phát từ thông tin trên một bản tin thời sự về việc tỉ phú Ai Cập Naguib Sawiris muốn mua đảo tặng người tị nạn. Đây là một lời giải đầy tính nhân văn giúp tháo gỡ vấn đề người tị nạn mà cả thế giới đang phải đối mặt lúc bấy giờ”, Vi chia sẻ.
Khác với bức thư của em trai với thiên hướng mơ mộng, lãng mạn xen lẫn những nỗi niềm ngây thơ, cô học sinh lớp 8 Huyền Vi năm ấy thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về tình hình người tị nạn trên thế giới. Bức thư đậm chất nghị luận xã hội sắc bén, thuyết phục. Song cả hai bức thư có điểm chung là sự rung cảm sâu sắc trước những vấn đề thời cuộc.
Vi cho biết từ nhỏ hai chị em đã được mẹ truyền cho niềm yêu văn, say văn. Ở nhà có một tủ sách lớn với nhiều loại sách văn học, truyện, ký… Hai chị em Vi lớn lên cùng sách.
Dòng máu yêu văn học cũng có phần được kế truyền từ người cha là nhà thơ và mẹ là một giáo viên dạy văn vừa là tiến sĩ văn học.
Bí quyết của người mẹ
Nói về chuyện cả hai con đều đạt giải nhất cuộc thi viết thư UPU, cô Đỗ Thị Cẩm Nhung, giáo viên dạy văn tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng), cho biết cả hai bức thư đều do chính hai con lên ý tưởng, tìm tòi thông tin để đưa ra những lập luận cho riêng mình. Mẹ chỉ chỉnh một số ý nhỏ cho con.
Hai bức thư cũng thể hiện đúng tính cách của Vi sắc sảo, nhạy bén và Minh sống nội tâm, lãng mạn và luôn nhiều ý tưởng mới lạ.
Cô Nhung cho hay khi Quang Minh kể về ngôi làng Ông già Noel và ngôi trường đào tạo Ông già Noel trên thế giới, cô đã rất bất ngờ vì không nghĩ đó là những điều có thật.
Nói về nội dung Quang Minh trăn trở trong thư “trẻ em dần thiếu thốn tình yêu thương”, giọng cô Nhung chùng xuống.
“Cả hai con phải sống thiếu tình thương yêu của cha từ khi còn rất nhỏ. Tôi đã cố gắng bù đắp tình thương cho con nhưng mãi sau này tôi mới nhận ra không thể bù đắp được tình cảm của người cha với các con mình”, cô Nhung nói.
Khi Minh đưa cho mẹ xem lá thư của một bạn nhỏ viết cho Ông già Noel với những dòng chữ ngây ngô: “… Mẹ nói bố đang làm ở thiên đường chỗ Ông già Noel. Cháu đạt học sinh giỏi, cháu làm lớp trưởng. Cháu xin ông cho bố cháu nghỉ làm để đưa cháu đi coi thú. Cả mẹ cũng được nghỉ, không phải đi quét rác để đi chơi với cháu”, cô Nhung đã bật khóc.
“Quang Minh cũng thiếu thốn tình yêu của người cha, nên con đã chạm được đến nỗi lòng của em bé viết bức thư ấy. Tôi hiểu tâm trạng của con. Từ sự thiếu thốn đó, Minh đã nói lên nỗi lòng của những đứa trẻ khác chung hoàn cảnh như mình”, cô Nhung tâm sự.
Hỏi cô Nhung về bí quyết để “nhóm lửa” cho các con yêu văn học, cô cho biết từ khi các con còn rất nhỏ, cứ mỗi tối sau giờ lên lớp, cô sẽ ngồi đọc sách cùng con rồi để con tự nói lên suy nghĩ của mình về nội dung trong mỗi cuốn sách. Nhờ thế tình cảm mẹ con gắn kết hơn và các con cũng tạo được thói quen đọc sách, diễn đạt tốt những ý tưởng và suy nghĩ của mình.
Chắp thêm đôi cánh từ cuộc thi UPU
Nguyễn Đỗ Huyền Vi kể cuộc thi UPU đã thay đổi Vi rất nhiều và mang lại cho em nhiều cơ hội. Trước đây Vi sống khá nội tâm, khép kín. Sau khi đạt giải nhất quốc gia cuộc thi viết thư UPU, có nhiều đài báo liên hệ phỏng vấn em.
“Từ một học sinh khá trầm tính, em đã cởi mở, tự tin hơn. Một đài truyền hình của thành phố phát hiện em có chất giọng tốt nên mời làm biên tập viên chuyên mục dành cho thiếu nhi. Sau đó em ngày càng dạn dĩ hơn, đảm nhận vai trò dẫn chương trình ở nhiều sự kiện. Bản thân cũng phát triển hơn rất nhiều”, Vi chia sẻ.
Nguồn: https://tuoitre.vn/7-nam-truoc-chi-doat-giai-nhat-viet-thu-quoc-te-nay-den-luot-em-2024051208431277.htm