Khi ông Kim Sang-sik được bổ nhiệm vào vị trí huấn luyện viên đội tuyển Việt Nam, ông lập tức được đặt giữa lằn ranh của những thái cực trái ngược, nửa hy vọng, nửa nghi ngờ.
Huấn luyện viên Kim Sang-sik sẽ dẫn dắt Đội tuyển Việt Nam trong tình thế xen lẫn cả sự nghi ngờ và hy vọng. Ảnh: Minh Phong
Lựa chọn bất ngờ
Hình ảnh ông Kim Sang-sik đứng trên lằn ranh của những thái cực, trên thực tế, xuất hiện ngay khi truyền thông Hàn Quốc đưa tin về việc ông được Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đàm phán. Bởi ngay tại Việt Nam, giới truyền thông cũng chỉ ở trạng thái nửa tin nửa ngờ, không chắc chắn. Sự xuất hiện của những bài viết về huấn luyện viên 46 tuổi với tần suất dày đặc cũng chỉ là theo “trend”, nhưng người ta vẫn không thể không nhận thấy sự xen lẫn trong đó thông điệp: “Hãy cẩn thận, thông tin chưa chắc chắn 100%”.
Và cho đến khi VFF chính thức xác nhận việc bổ nhiệm cựu huấn luyện viên của câu lạc bộ Jeonbuk Hyundai Motors, hình ảnh “trên lằn ranh đó” càng trở nên rõ nét hơn, nhất là khi người ta tìm về hành trình sự nghiệp của ông từ khi còn là cầu thủ cho đến những năm đầu tiên bước chân vào nghiệp cầm quân.
Tại sao lại là Kim Sang-sik mà không phải những ứng viên khác, trong đó có một vài cái tên nổi bật hơn, gần gũi với bóng đá Đông Nam Á và Việt Nam hơn? Rõ ràng, khi một trong những tiêu chí đưa ra để lựa chọn là “phù hợp” và “hiểu bóng đá Việt Nam” thì cựu trung vệ Đội tuyển Hàn Quốc là một lựa chọn bất ngờ.
Trong sự nghi ngờ
Lý do cho sự nghi ngờ về khả năng thành công của ông Kim Sang-sik với bóng đá Việt Nam đương nhiên xuất phát từ kinh nghiệm huấn luyện ít ỏi. Trong vai trò huấn luyện viên chính thức, ông mới chỉ có 3 năm làm nghề. Truyền thông đã cố gắng kể ra một loạt chiếc cúp mà ông có cùng câu lạc bộ Jeonbuk Hyundai Motors để làm cho bản CV có phần sáng hơn, nhưng đó là khi ông vẫn trong vai trò trợ lý huấn luyện viên. Thành công của đội bóng có sự góp sức của ông, nhưng không phải vai trò chịu trách nhiệm chính.
Vậy thì chiếc cúp ngay trong mùa giải đầu tiên làm huấn luyện viên trưởng của câu lạc bộ vào năm 2021 thì sao? Không chỉ một phần người hâm mộ trong trạng thái chưa tin tưởng không đánh giá cao chiến quả đó mà chính người Hàn Quốc cũng nghĩ vậy.
Theo ông Bae Ji-won – người từng là trợ lý của huấn luyện viên Park Hang-seo, chức vô địch đó chỉ là “kết quả từ việc tiếp quản chiếc ghế huấn luyện viên trưởng của Jose Morais, người đã xây dựng đội bóng và duy trì phong độ ổn định. Và khi phải tái thiết đội bóng, thành công đã không đến”.
Chính vì thế, ông Bae Ji-won cũng nhận định rằng, “nhiều người sẽ chờ đợi tân thuyền trưởng của đội tuyển Việt Nam là một nhân tố xuất sắc hơn, giàu kinh nghiệm hơn hoặc ít nhất là sự nghiệp nổi bật hơn. Ông còn đánh giá, Kim Sang-sik chưa đủ tầm cỡ như Park Hang-seo hay Philippe Troussier – người tiền nhiệm.
Không chỉ vậy, có cả sự dè dặt khi đánh giá về những phát biểu của ông Kim Sang-sik khi ra mắt, nhất là chuyện ông đã “nghiên cứu về bóng đá Việt Nam từ 20 năm trước”. Hoặc như khi ông khẳng định triết lý của mình là “bóng đá chiến thắng”, người ta tìm lại những bài viết của truyền thông Hàn Quốc lại chỉ ra điều ngược lại, thậm chí còn có những nét tương đồng với lối chơi của ông Troussier.
Khi kinh nghiệm ở cấp câu lạc bộ mới chỉ là những viên gạch đầu tiên, còn ở đội tuyển quốc gia là con số 0. Nếu ai đó đặt trọn niềm tin vào thành công của huấn luyện viên sinh năm 1976 ngay thời điểm này thì hẳn phải rất lạc quan…
Trong sự hy vọng
Sự lạc quan đó không phải không có cơ sở. Mặc dù trong quá trình lục lại quá khứ của ông Kim Sang-sik khi còn là cầu thủ, người ta thấy ở ông một phần nào đó của sự nổi loạn (trốn đội tuyển đi chơi ở hộp đêm), lối đá rắn (nhận 50 thẻ vàng, 3 thẻ đỏ trong gần 400 trận đấu ở 3 câu lạc bộ), nhưng dường như nó cũng giúp ông trưởng thành hơn.
Vì vậy, cũng có thể hy vọng về sự thay đổi trong quan điểm và triết lý của ông khi đến Việt Nam làm việc. Điểm lợi thế với huấn luyện viên người gốc Jeonnam chính là mối liên hệ đồng hương với Park Hang-seo, người có giai đoạn thành công với bóng đá Việt Nam, để nhận được sự ủng hộ.
Những kinh nghiệm từ thầy Park đương nhiên rất giá trị đối với ông Kim Sang-sik, để tạo sự kết nối trong tập thể. Ngoài ra, không phải là người lớn tuổi như 2 ông Park hay Troussier, Kim Sang-sik mới 46 tuổi, còn đủ trẻ để có sự hòa đồng theo một cách khác với các cầu thủ. Cách tiếp cận theo kiểu “thanh niên tính” hơn. Với một huấn luyện viên sẵn sàng nhảy múa ăn mừng cùng các cầu thủ, điều đó có thể tạo ra sự hòa nhập một cách nhanh chóng, có sự hiểu nhau và đồng điệu về mặt ý tưởng. Như ông chia sẻ thì “muốn xây dựng hình ảnh mình là người anh của các cầu thủ”…
Ở góc nhìn tích cực, tuổi trẻ và ít kinh nghiệm của ông Kim Sang-sik cũng là một lợi thế cho công việc với Đội tuyển Việt Nam cũng như Đội U23 Việt Nam. Chưa kể những vấn đề của chính bóng đá Việt Nam hiện tại khiến sự kỳ vọng vào tân huấn luyện viên không phải quá nhiều.
Trong sự hy vọng, hẳn nhiên người hâm mộ muốn thấy sự thích nghi và linh hoạt ở huấn luyện viên Kim Sang-sik, đồng thời thể hiện được khát vọng, sự nhiệt huyết của một huấn luyện viên trẻ muốn chứng tỏ mình…
Sẽ không thể trách những người còn giữ cho mình chút nghi ngờ, bởi thực tế cho thấy, so với thời điểm ông Troussier được bổ nhiệm, sự hào hứng lúc này giảm khá nhiều. Có thể đó là bài học rút ra từ thất bại, từ sự kỳ vọng quá lớn vào huấn luyện viên người Pháp dẫn đến trạng thái dè dặt. Thế nên, đứng giữa lằn ranh của 2 trạng thái như vậy, người ta hy vọng được thấy vị thuyền trưởng mới giữ lời hứa, thể hiện quyết tâm đưa Đội tuyển Việt Nam trở lại quỹ đạo.
Laodong.vn
Nguồn:https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/huan-luyen-vien-kim-sang-sik-tren-lan-ranh-trai-chieu-1338421.ldo