Đảm bảo việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt thuận lợi
Chiều 10/5, UBND Tp.Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết “Thực hiện Chỉ thị số 21 ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt;
Triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội; Phí, lệ phí thực hiện thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa các cấp trên địa bàn thành phố”.
Báo cáo về việc thực hiện Chỉ thị số 21, UBND Tp.Hà Nội cho biết đã nhanh chóng triển khai chỉ đạo thực hiện việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt với tinh thần quyết tâm cao và đã đạt được những kết quả nhất định. Đảm bảo việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt đối với đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội thuận lợi và nhanh chóng.
Cụ thể, nếu như trước ngày 7/1/2024, trong tổng số 290.651 đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội thì chỉ 73.748 người có tài khoản ngân hàng, chiếm tỉ lệ 25,37%.
Tính đến hết tháng 4/2024, con số trên đã tăng lên tới hơn 93% với 272.253 đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội có tài khoản ngân hàng.
Trong đó, có 210.457 người nhận trợ cấp qua tài khoản, chiếm tỉ lệ 72,22% trên tổng số đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội.
Được biết, số lượng ngân hàng tham gia mở tài khoản cho đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội là 41 đơn vị, bao gồm Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng TMCP trong nước và Ngân hàng nước ngoài.
Việc làm sạch dữ liệu đối tượng người có công, bảo trợ xã hội để cập nhật lên hệ thống dữ liệu Quốc gia về dân cư cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. tỉ lệ làm sạch dữ liệu đối với đối tượng người có công đạt 99,19%. Tỉ lệ làm sạch dữ liệu đối với đối tượng bảo trợ xã hội và đối tượng khác đạt 99,03%.
Về kết quả thực hiện triển khai xây dựng mức chi phí chi trả cho tổ chức dịch vụ chi trả, UBND Tp.Hà Nội đã giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan thực hiện xây dựng phương án tổng thể về chi trả chế độ bảo trợ xã hội của Thành phố.
Trong đó, xác định rõ các hình thức chi trả, dự kiến số lượng đối tượng chi trả, quy trình tổ chức triển khai thực hiện, số tiền chi trả, đề xuất mức phí chi trả cho tổ chức dịch vụ chi trả, cho công tác quản lý của cơ quan quản lý nhà nước các cấp.
Nguyên tắc chi trả sẽ từ ngân sách thành phố hỗ trợ tối đa các khoản chi phí phát sinh khi thực hiện chi trả trợ cấp, người thụ hưởng chính sách bảo trợ xã hội không phải trả phí. Dựa vào đó các đơn vị liên quan lấy làm cơ sở tham mưu, báo cáo UBND Thành phố xem xét, quyết định đảm bảo việc thực hiện triển khai đồng bộ trên toàn Thành phố.
Đẩy mạnh chi trả không dùng tiền mặt
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Hà Minh Hải khẳng định, quá trình thực hiện Chỉ thị số 21 của Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện tinh thần chủ động, quyết liệt và quyết tâm cao của thành phố, cùng sự nỗ lực của các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và sự ủng hộ, đồng hành tích cực của người dân Thủ đô, đến nay Tp.Hà Nội đã cơ bản hoàn thành mục tiêu triển khai chi trả không dùng tiền mặt đối với đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội.
Phó Chủ tịch Hà Minh Hải yêu cầu các đơn vị liên quan cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ nhằm đảm bảo kết quả toàn diện công tác chuyển đổi số.
Trong đó, xây dựng mục tiêu thực hiện phương thức thanh toán, chi trả không dùng tiền mặt, từ đó tạo sự minh bạch, công khai về thu chi ngân sách, tạo thuận lợi cho các trường hợp thụ hưởng, thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng công dân số, xã hội số.
Tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện các chính sách xã hội, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách thuận lợi, đặc biệt là chi trả không dùng tiền mặt, xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội và kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tạo sự thuận lợi cho việc quản lý các trường hợp hưởng chính sách an sinh xã hội.
Tập trung công tác tuyên truyền, phát huy vai trò nòng cốt của cán bộ cơ sở; các quận huyện, xã phường bố trí bộ phận thường trực hỗ trợ, trao đổi giải đáp thắc mắc của người dân trong quá trình triển khai chủ trương chi trả không dùng tiền mặt đối với người dân trên địa bàn Thành phố bằng nhiều hình thức, phương tiện truyền thông khác nhau; vận động, khuyến khích người dân mở tài khoản và đăng ký nhận tiền trợ cấp an sinh xã hội qua tài khoản.
Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả chế độ đối với người dân hưởng chính sách an sinh xã hội, từng bước cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ thủ tục cho người dân trong tiếp cận các chính sách an sinh xã hội.
Cùng với đó, tiếp tục tập trung ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số triển khai chuyển đổi số, đẩy mạnh các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công, trước mắt tập trung thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và thanh toán phí, lệ phí khi thực hiện thủ tục hành chính tại các bộ phận một cửa theo Kế hoạch UBND Thành phố.
Đồng thời, tiếp tục triển khai đối với các lĩnh vực y tế, giáo dục… nhằm góp phần hạn chế lượng tiền mặt trong lưu thông hàng hóa, giảm thiểu chi phí xã hội, mở rộng không gian, rút ngắn thời gian, không gian giao tiếp – hướng đến nền kinh tế không tiền mặt của Thành phố.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/hon-72-doi-tuong-nhan-tro-cap-qua-tai-khoan-ngan-hang-a663041.html