Đó chính là chủ đề của sự kiện Ngày châu Âu tại Việt Nam sẽ diễn ra tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh với sự tham dự đông đảo của các đại biểu trong nước và quốc tế.
Sự kiện là sáng kiến do Bộ Ngoại giao khởi xướng nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp và người dân về ứng xử có trách nhiệm đối với môi trường, hệ sinh thái tự nhiên nói chung cũng như môi trường biển nói riêng; thúc đẩy quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và EU nói chung, cũng như hợp tác giữa tỉnh Quảng Ninh và Phái đoàn EU, Đại sứ quán các nước thành viên EU tại Hà Nội nói riêng.
Sự kiện Ngày châu Âu tại Việt Nam năm 2024 sẽ diễn ra tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận vào năm 2000 là Di sản thiên nhiên thế giới nhằm tôn vinh vẻ đẹp cảnh quan và giá trị địa chất, địa mạo. (Nguồn: VN Express) |
Trong khuôn khổ sự kiện, các đại biểu sẽ tham gia các hoạt động thu nhặt rác tại bãi biển Bãi Cháy, vớt gom rác trên Vịnh Hạ Long (bằng các tàu vớt rác chuyên dụng; tại khu vực Cảng tàu du lịch quốc tế Hạ Long).
Quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam-EU thời gian qua phát triển tích cực. Trao đổi đoàn, tiếp xúc các cấp, nhất là cấp cao được tăng cường. Hai bên triển khai hiệu quả các thỏa thuận và cơ chế hợp tác/đối thoại, phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương.
EU hiện là đối tác kinh tế – hợp tác phát triển quan trọng của Việt Nam, là đối tác viện trợ không hoàn lại hàng đầu, thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 và nhà đầu tư lớn thứ 6 của Việt Nam.
Năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 58,5 tỷ USD, giảm 1,8% so với năm 2022 do kinh tế EU gặp khó khăn; tổng FDI của EU tại Việt Nam đạt 29,12 tỷ USD (chưa tính đầu tư của các công ty EU thông qua nước thứ 3). EU cam kết viện trợ không hoàn lại 210 triệu Euro cho Việt Nam giai đoạn 2021 – 2024.
Về ứng phó với biến đổi khí hậu, thời gian qua, EU và các nước thành viên đã tích cực hỗ trợ Việt Nam thông qua các dự án hợp tác phát triển về thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ rừng, xử lý rác thải… Với sự ủng hộ và thúc đẩy tích cực của EU, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với Nhóm đối tác quốc tế (IPG), qua đó huy động nguồn lực tài chính và công nghệ hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, xây dựng nền kinh tế xanh, tuần hoàn, thân thiện với môi trường.
Nguồn: https://baoquocte.vn/viet-nam-eu-chung-tay-vi-mot-moi-truong-sach-270599.html