Theo báo cáo mới đăng trên chuyên san Nature, các nhà nghiên cứu cho hay hành tinh được phân tích có tên 55 Cancri e, cách trái đất khoảng 41 năm ánh sáng và thuộc chòm sao Cự Giải.
Đây là hành tinh được xếp vào nhóm “siêu trái đất”, với bề ngang gần gấp đôi địa cầu, trong khi khối lượng cao gấp 9 lần trái đất, Space.com dẫn lời nhà nghiên cứu Renyu Hu, thành viên của nhóm thiên văn học đứng sau phát hiện mới và đang công tác tại Viện Công nghệ California (Mỹ).
Hành tinh 55 Cancri e cách sao trung tâm 55 Cancri A chỉ vỏn vẹn 2,3 triệu km, mất khoảng 17 giờ trái đất để hoàn tất quỹ đạo quanh sao. Với khoảng cách này, sao Thủy, hành tinh gần mặt trời nhất, còn xa mặt trời gấp 25 lần so với khoảng cách giữa 55 Cancri e và 55 Cancri A.
Khoảng cách quá gần sao trung tâm khiến hành tinh có nhiệt độ bề mặt lên đến 2.400 độ C.
Bức xạ dữ dội từ sao trung tâm đã thổi bay khí quyển ban đầu của 55 Cancri e, tương tự như các hành tinh đá khác ở quá gần sao của chúng.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới phát hiện hành tinh trên vẫn có khí quyển bao bọc.
Nhờ kính James Webb, các nhà nghiên cứu phát hiện 55 Cancri e sở hữu bầu khí quyển dày, cấu tạo từ carbon dioxide (CO2) và carbon monoxide (CO), nhưng chưa rõ tỷ lệ của chúng. Trong khi đó, khí quyển trái đất cấu tạo từ nitrogen, oxygen, argon và những loại khí khác.
Những gì xảy ra cho thấy hành tinh đã thành công gầy dựng bầu khí quyển thứ hai sau khi bị sao trung tâm tước đoạt khí quyển ban đầu. Hiện chưa rõ cơ chế cho phép hành tinh tạo ra khí quyển mới.
Nguồn: https://thanhnien.vn/hanh-tinh-kim-cuong-tung-bi-tuoc-mat-khi-quyen-nhung-tai-tao-cai-moi-185240510111933339.htm