Trước đó, một quán bún đậu mơ phố cổ đóng trên địa bàn TP Nha Trang thu hút sự chú ý của dân mạng bởi cách phản hồi với khách:
“Thưa chị, bún đậu nhà em không có lá cải. Rau bán kèm món bún đậu có tía tô, kinh giới, rau thơm, xà lách. Đơn này nhà em có xem và xếp rau không có tía tô. Chị có phân biệt được tía tô và kinh giới không?”.
Bài viết Khách mắng quán cho lá tía tô ăn kèm bún đậu, quán đay đả có biết kinh giới không? – nói về sự khác nhau giữa tía tô với kinh giới, xà lách với rau cải – đăng trên Tuổi Trẻ Online ngày 6-5 nhận được tương tác của bạn đọc, không chỉ dưới phần bình luận của báo mà còn trên một số diễn đàn về ẩm thực, ăn uống.
Tía tô nhầm với kinh giới là thường?
“Tía tô với kinh giới có hai màu khác nhau, sao mà nhầm được. Một cái màu tím, một cái màu xanh mà”, “Chịu các cô luôn, thế cũng nhầm cho được”… là các bình luận của độc giả trên một số hội nhóm.
Có người vào phản bác ngay: “Nhầm tía tô với kinh giới là thường”. Facebooker Hằng Phan nói: “Tía tô lai lá xanh (lật mặt sau mới thấy tía tía) nên cũng dễ nhầm lắm”.
Ngay cả dưới phần bình luận bài đăng trên fanpage của quán bún đậu trên, số người nhầm hai cây tía tô với kinh giới không phải là ít.
Ngoài ra, nhiều người cũng tiếp tục tranh luận về rau xà lách với rau cải.
Do yếu tố vùng miền nên vẫn có người gọi xà lách là cải (dù không phổ biến). Vì thế, một số khách cho rằng vị khách cho “xà lách là lá cải cũng không sai”.
Có người gay gắt hơn khi nhận xét quán “trả treo”, “chị không phân biệt được, chị mới thắc mắc, quán làm gì dữ vậy?”.
Sự việc tưởng chừng nhỏ, cuối cùng lại trở thành một chủ đề được thảo luận trên mạng, thu hút sự chú ý của nhiều người.
Quán bún đậu mơ phố cổ trên phải đăng một bài viết mới, giải thích rõ hơn để khách hàng hiểu: “Do khách ghi chú ở app đặt hàng là không ăn tía tô. Quán đọc ghi chú, lựa riêng rau không có tía tô cho khách rồi nhưng vẫn bị khách đánh giá hai sao và đổ oan là bịch (túi) rau toàn tía tô, nên em mới nghĩ khách không phân biệt được”.
“Ở trên app khi hoàn thành đơn, sẽ không lấy được thông tin số điện thoại của khách nữa, nên đánh giá của khách không sửa được, nhiều cái vô lý như này cũng ảnh hưởng nhiều tới quán…”, quán này viết.
Chủ quán này cho biết thêm về việc nhiều khách nói “xà lách cũng là lá cải”, quán nên tiếp thu, quán hiểu điều này bắt nguồn từ văn hóa vùng miền nhưng vẫn ưu tiên cách dùng ngôn ngữ chung của cả nước, tránh lẫn lộn hai loại đó.
Trầu không với lá lốt, rau mùi với thì là… cũng hay bị nhầm
Từ câu chuyện trên, có thể thấy số người không phân biệt được các loại rau không hiếm. Không chỉ tía tô với kinh giới, trầu không với lá lốt, rau mùi với thì là… cũng vào diện hay bị nhầm.
Thậm chí hy hữu, có người nhầm cả cây khế với cây rau ngót. Một bạn kể: “Hồi bé em cũng tưởng lá khế là lá rau ngót, khi cây rau ngót ra quả khế em mới biết không phải”.
Một bạn khác chia sẻ kỷ niệm thời đại học ở chung với một người không biết lá lốt là gì.
“Tôi dặn nó đi chợ mua lá lốt về quấn chả, nó bảo không biết lá lốt là gì, tôi bảo nó nếu không biết thì ra hàng rau bảo người ta cho em mớ lá lốt là được.
Nó về bảo là hôm nay không có lá lốt. Hôm sau tôi đi chợ, bà hàng rau kể là đưa nó mớ lá lốt, nó bảo em không mua trầu không, em mua lá lốt cơ”, người này kể.
“Nhiều người không phân biệt được đâu… Đi cùng mấy em trẻ trong công ty mà choáng luôn. 10 loại rau sống, rau thơm, các em không phân biệt được”, “Bảo con gái chị đi hái rau thơm, cháu đi nhặt lá gì về ấy”… là các chia sẻ.
Nghe tranh luận “nhức cái tai”, một người tổng kết: “Ẩm thực Việt Nam phong phú, nói riêng về các loại rau thôi mà đã nhức cái đầu”.
Trên một hội nhóm ẩm thực, có người cho đây là “câu chuyện vui, hoa lá Việt Nam đa dạng và giàu có vô cùng, bàn không hết chuyện”, “không phải ai cũng phân biệt được các loại rau đâu, nhân đây mà tìm hiểu cũng chẳng thừa”.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nhuc-cai-dau-vi-nham-trau-khong-voi-la-lot-rau-mui-voi-thi-la-khac-nhau-khong-20240509112353609.htm