Những bài đăng liên quan đến thông tin này trên mạng xã hội đang nhận về hàng chục nghìn lượt like, hàng nghìn bình luận.
Gọi một ly nước, ngồi suốt nhiều giờ
Theo đó, trên một số trang mạng tại Việt Nam chia sẻ lại bản dịch trên tờ Daily Mail (Anh) về thông tin quán cà phê Fringe and Ginge tại Anh vừa đưa ra quyết định táo bạo “không nhận khách mang laptop đến làm việc”.
Theo tờ báo này, Alfie Edwards, chủ quán cà phê ở TP Canterbury, cho biết anh mở quán vào tháng 7-2020, sau khi lệnh phong tỏa ở Anh được dỡ bỏ. Đó là cao điểm của hình thức làm việc từ xa, hàng nghìn người chỉ làm việc qua laptop và trao đổi trực tuyến.
Song, chính những người đến uống cà phê mà tranh thủ làm việc trên máy tính đang làm hỏng không khí quán cà phê. Hơn nữa, tình trạng này khiến quán dù luôn kín khách nhưng doanh thu lại không hề tăng.
“Họ thường yêu cầu những khách hàng khác tắt nhạc, giữ im lặng để họ họp trực tuyến trong khi chỉ uống một ly nước và ngồi suốt nhiều giờ liền”, Edwards giải thích.
Sau đó, dù rất khó khăn để chuyển biến từ suy nghĩ đến hành động nhưng cuối cùng anh đã thành công.
Alfie Edwards đã phát thông báo không nhận khách mang laptop đến làm việc. Anh và người bạn đồng sáng lập Olivia Walsh tin rằng những người muốn làm việc có thể đến thư viện hoặc thuê không gian khác thay vì quán cà phê. Đồng thời, chủ quán nói họ vẫn hiếu khách và mong mọi người có trải nghiệm đẹp hơn.
Kể từ khi cấm sử dụng laptop, Edwards quan sát khách hàng trò chuyện nhiều hơn. Thậm chí, những người trước đây là xa lạ giờ đã trở thành bạn. Một vài người đến quán để thư giãn cùng hàng xóm của mình.
“Sự kết nối đó đã trở thành cộng đồng trong quán cà phê. Chúng tôi không muốn làm tổn thương người khác nhưng đó là quyết định đúng đắn”, anh nói.
Nhiều người khen ngợi
Những bài chia sẻ về câu chuyện quán cà phê đầu tiên cấm khách mang laptop đến làm việc đang nhận nhiều quan tâm. Đa số đồng tình và cho rằng quyết định này là việc nên làm.
Nhiều ý kiến cho rằng các quán cà phê ở Việt Nam không chuyên dành cho người làm việc cũng nên học hỏi cách làm này để chăm sóc đúng tệp khách mà quán hướng đến.
Tài khoản Bảo Hân viết: “Một cách làm cứng rắn và lịch sự, bởi khi quán đã thông báo thì khách sai quy định, quán được quyền phản ứng. Còn nhiều chủ quán ở Việt Nam không thông báo cấm khách mang laptop nhưng lại luôn khó chịu với tệp khách này khi họ ngồi lâu, dùng điện và chỉ gọi một ly nước”.
Nhiều tài khoản khác kể các tình huống khi ra quán cà phê mà phải “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”. Muốn chuyện trò cũng phải nhìn sắc mặt những khách hàng đang bận làm việc tại quán vì lỡ cười to một chút là bị nhắc im lặng để họ làm việc.
Tài khoản Hải Yến cho rằng cách làm của quán rất hay và tôn trọng khách hàng. “Việc đặt quy tắc sẽ cho đúng tệp khách của mình trải nghiệm tốt nhất vì hiện nhiều người đi cà phê thấy không thoải mái khi phải giữ im lặng cho khách laptop làm việc.
Nay nhiều quán cà phê dành cho dân văn phòng, các bạn trẻ muốn làm việc ở quán cà phê thì nên lựa chọn đúng quán cho nhu cầu của mình”, Hải Yến nói.
Nguồn: https://tuoitre.vn/quan-ca-phe-ben-anh-cam-khach-mang-laptop-lai-gay-xon-xao-dan-mang-viet-20240509152054266.htm