Trong đời sống xã hội thời cơ chế thị trường, đã và đang bề bộn những điều trái tai gai mắt, làm day dứt những người có lương tri và trách nhiệm công dân. Nào là chuyện một nhóm nữ sinh độ tuổi 13 – 14 đánh “hội đồng” một bạn nữ không làm theo “chỉ bảo” của nhóm trưởng; nào là chuyện tài xế phóng nhanh vượt ẩu chạm vào người lái honda khiến họ bị hất lên vỉa hè ngã lăn quay, nhưng tài xế vẫn thản nhiên cho xe chạy thẳng, không hề đoái hoài mạng sống của người lái xe honda ra sao.
Nào là rất nhiều chuyến máy bay chậm giờ khởi hành tới 20 phút hoặc liên tục thay số cửa ra máy bay, nhưng hành khách chỉ nhận được một lời “Xin lỗi” nhẹ thênh, chẳng một lời giải thích rõ lý do – mà chuyện đó diễn ra như “cơm bữa” ở rất nhiều sân bay nội địa! Còn bao chuyện bức xúc ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực, nhưng những người đứng đầu ở các đơn vị đó không hề hồi âm lý do và cách xử lý?!
Giữa những câu chuyện ngang trái ấy, tôi rất vui khi anh bạn đến thăm trong dịp lễ trọng vừa qua, sôi nổi kể lại mấy chuyện “người thật, việc thật” của chính gia đình anh. Chuyện thứ nhất: Con trai anh đang chạy honda trên đường bỗng gặp hòn đá to hơn viên gạch tình cờ lăn xuống, làm cháu không kịp tránh. Vậy là xe và người ngã lăn quay, chân cháu bị xây xước ra máu. Một chiếc ô tô đi ngược chiều dừng lại, tài xe vội lấy ngay bông băng trong xe mình ra sơ cứu rồi đưa chiếc honda lên vỉa hè; sau đó điện cho gia đình cháu biết tin.
Chuyện thứ hai: Anh dẫn vợ đến quận Nam Từ Liêm mong bộ phận chuyên môn kiểm tra hồ sơ lưu để xin cấp lại giấy khai sinh cho vợ vì quá trình sửa nhà, có nhiều giấy tờ bị thất lạc. Một chị tên là Ngọc rất đon đả hướng dẫn cách ghi trong tờ khai, sao cho chuẩn xác, nói rõ các tình huống sẽ xảy ra và hẹn ngày mai sẽ trả lời cụ thể.
Chuyện thứ ba: Trên đường đến nhà tôi, anh dừng lại ở chiếc xe đạp bán hàng rong ở vỉa hè đường Trần Quang Diệu để mua mấy kg cam. Sau khi trả tiền, anh đi tiếp, chị bán hàng chạy vội theo đưa lại 250 ngàn đồng là số tiền anh đã trả thừa. Anh cảm ơn, nhưng khi hỏi tên, chị chỉ cười không nói…
Nghe 3 câu chuyện của anh, tôi tự thấy cần điều chỉnh nhận thức của mình: Thì ra trong cuộc sống hằng ngày, có bao chuyện không vui, nhưng cũng có không ít chuyện đáng vui vì tình người, vì nghĩa cả. Vấn đề là mỗi chúng ta với trách nhiệm công dân, nghĩa vụ xã hội hãy cùng hợp sức với ngành Văn hóa và các cơ quan chức năng kịp thời tuyên truyền, giáo dục, biểu dương những gương “người tốt, việc tốt” theo phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy cái tích cực đẩy lui cái tiêu cực” để cái Thiện ngày thêm nảy nở, cái Ác bị xã hội lên án và ngày một giảm dần…
Bỗng tôi nhớ lại trong tháng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vừa rồi, đông đảo các tổ chức đoàn thể xã hội, như Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi… cùng nhiều doanh nghiệp đã đến thăm và tặng quà các cựu chiến binh thời chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” đã và đang được mở rộng trong cả nước. Song, những việc làm cao đẹp đó không chỉ diễn ra trong các ngày lễ, Tết mà những năm qua, trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở cả Bắc, Trung, Nam đã có nhiều gia đình tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất để địa phương mở rộng đường sá, hoặc xây trường học, trạm y tế… Ở một số nơi bị sạt lở đất, nhiều nhà bị chìm xuống nước, thì có không ít gia đình sẵn lòng đón các hộ không may đó về ở tạm nhà mình… Phải chăng, đó là những nét đẹp của truyền thống văn hóa Việt Nam, nếu được lan tỏa, thấm sâu vào nếp nghĩ, đời sống của mỗi người dân, mỗi cộng đồng, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương… sẽ thành sức mạnh nội sinh to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc ta hiện nay!
Hà Nội, 9.5.2024
PGS. TS Nguyễn Hồng Vinh
Nguồn: https://www.congluan.vn/hay-cung-nhan-len-cai-dep-dep-di-cai-xau-post294859.html