Số liệu trên được ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết. Trong số 7.215 giáo viên nghỉ việc, số giáo viên bỏ nghề ở bậc mầm non chiếm tỷ lệ cao và giảm dần theo các cấp học từ thấp đến cao.
Trước đó, thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, trong 3 năm học, tính từ tháng 8.2020 – tháng 8.2023, cả nước có trên 40.000 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc. Giáo viên nghỉ việc độ tuổi dưới 35 chiếm tới 60% tổng số giáo viên nghỉ việc. Trong khi đó, tình trạng thiếu giáo viên vẫn diễn ra trầm trọng trên cả nước, ở tất cả các cấp học, đặc biệt là giáo viên mầm non và giáo viên các môn học mới.
Giáo viên mầm non nghỉ việc nhiều trong thời gian qua là do đâu?
Quần quật làm từ sáng tới chiều tối
Trực tiếp vào các trường, lớp mầm non, quan sát, trải nghiệm công việc của các giáo viên mầm non mới thấm thía sự vất vả của các thầy cô.
Quần quật từ sáng tới chiều, luôn tay luôn chân với đủ các công việc dạy dỗ, chăm sóc trẻ, dọn dẹp lớp học, chưa kể những thời gian làm học cụ, đồ chơi, soạn giáo án… đến khi tối trở về nhà nhiều giáo viên mầm non tâm sự họ phải “nằm vật ra giữa nhà để thở, không đụng tay đụng chân được việc gì”.
Lịch trình một ngày làm việc của mỗi giáo viên mầm non thường kín mít từ 6 giờ 30 sáng tới 17 giờ chiều, hoặc hơn. Sáng tới trường sẽ vệ sinh lớp học, chuẩn bị môi trường học, chuẩn bị đón trẻ. Sau đó tổ chức các hoạt động cho trẻ tham gia học tập, vui chơi, cho trẻ ăn, thay đồ cho trẻ. Từ 11 giờ 30-12 giờ, trẻ thay đồ, xếp nệm ra để chuẩn bị ngủ trưa, các cô giáo mầm non thay phiên nhau trực ngủ.
Khi trẻ đã ngủ ngon, các cô giáo mỗi người mỗi việc. Người trực giấc ngủ của trẻ, người tranh thủ làm các giấy tờ, dụng cụ học tập cho trẻ, chuẩn bị giáo án, đi xung quanh lớp học xem các con đã ngủ ngon hay chưa… Các giáo viên mầm non cho biết lúc trẻ ngủ là lúc mình cần phải chú ý nhất đến sự an toàn của các con, phòng tránh nguy cơ trẻ bị sặc, nôn trớ, khó thở… Các con ngủ ngon, các giáo viên mới mở phần cơm trưa ra ăn và thay phiên nhau trực giờ ngủ trưa của con nên chỉ dám ngả lưng, nghe tiếng con ọ ẹ lại phải bật dậy ngay.
Trẻ mầm non là độ tuổi đòi hỏi người chăm sóc, giáo dục phải tập trung cao trong suốt quá trình trẻ ở trường để đảm bảo an toàn cho tất cả các em… Giáo viên phải luôn mắt, luôn tay, chăm trẻ ở góc này nhưng mắt cũng phải quan sát nhiều góc khác, đảm bảo an toàn cho trẻ. Ví dụ cho trẻ ra ngoài vườn tưới cây, bé chạy nhanh, các giáo viên cũng phải theo bé nhanh. Có những lúc thấy con sắp té, giáo viên phải nhào tới đỡ con.
Với những giáo viên mầm non phụ trách các lớp nhà trẻ, đặc biệt lớp sữa bột (trẻ 6 – 12 tháng) thì sự vất vả còn nhân lên nhiều lần. Trẻ 6 tháng tuổi còn rất nhỏ, đến trường các con khóc rất nhiều. Có bé khóc ròng rã 1 tháng, 2 tháng, khóc ra rả cả ngày, các giáo viên mầm non phải thay phiên nhau bồng bế, ôm ấp để bé cảm nhận được sự tin tưởng, ấm áp của người chăm sóc trẻ.
Không chỉ là người chăm sóc, dạy dỗ, nuôi nấng trẻ, các cô giáo mầm non kiêm luôn là người dọn dẹp phòng học, lau chùi toilet, vệ sinh lớp học, giặt đồ dơ của trẻ… để trẻ có một môi trường học tập an toàn nhất. Các giáo viên mầm non tâm sự nếu không mến trẻ, kiên trì và bao dung, thật khó có thể gắn bó từng đó chặng đường với công việc rất vất vả, đòi hỏi sự hiểu biết và yêu thương trẻ rất nhiều này…
Lương thấp, chưa tương xứng với nỗi vất vả
Từng chia sẻ với PV Thanh Niên lý do mình nghỉ việc, một giáo viên mầm non làm việc ở một trường mầm non tư thục ở TP.HCM có 12 năm kinh nghiệm, cho biết lý do chính là “lương thấp”. Sau khi nghỉ 2 năm để sinh con, quay về làm, lương của cô tính lại từ đầu. Trước khi nghỉ việc, lương, phụ cấp của cô, sau khi trừ đi tiền bảo hiểm xã hội thì còn khoảng 6 triệu đồng.
Số tiền này không thể đủ cho cô trang trải sinh hoạt phí, tiền thuê nhà, tiền nuôi dưỡng chăm sóc các con (cô có 2 con nhỏ). Nữ giáo viên mầm non chia sẻ “Ở trường cả ngày dài, về nhà lại bắt đầu guồng quay việc nhà, tôi cảm thấy có những ngày kiệt sức, không còn thời gian dành cho con, dạy con học bài”.
Áp lực quá lớn
Không chỉ vất vả, lương thấp, một trong những lý do khiến nhiều giáo viên mầm non nghỉ việc còn là áp lực lớn từ phụ huynh, gia đình học sinh; cơ sở giáo dục mầm non mà các giáo viên mầm non làm việc.
Một nữ giáo viên mầm non tâm sự mỗi ngày đi làm, cô gặp áp lực từ chính camera lớp học. Trường mầm non cô làm là trường tư, có camera trực tuyến cho phụ huynh, có những phụ huynh cả ngày ngồi “canh” camera và gọi điện cho giáo viên mầm non để thắc mắc, nhắc nhở, phàn nàn về các giáo viên. Hoặc có tình trạng phụ huynh tìm đủ lỗi để “bắt lỗi” các giáo viên, không may trẻ trong lúc vui chơi trên trường, lớp có một vết xước gì trên tay, chân, giáo viên đã giải trình nhưng có phụ huynh vẫn kiên quyết tố các giáo viên là bạo hành, không quan tâm trẻ. Có giáo viên mầm non kể 11, 12 giờ đêm vẫn nghe phụ huynh gọi điện thoại phàn nàn, mắng vốn. Hoặc vụ việc chưa rõ đúng sai, phụ huynh vẫn lên mạng “tố” giáo viên mầm non, tố trường lớp mầm non.
Thời gian qua, Bộ GD-ĐT đang phối hợp Bộ LĐ-TB-XH đang xem xét đưa giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại. Nếu vấn đề này được thông qua, khi thuộc nhóm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì các giáo viên mầm non sẽ được hưởng quyền lợi, như phụ cấp nghề nặng nhọc, tuổi nghỉ hưu được thấp hơn, nhiều chế độ, chính sách…
Cả nước hiện có khoảng 16.000 nhóm trẻ độc lập, trong đó có nhiều giáo viên làm việc chưa được tham gia bảo hiểm xã hội, đây cũng là những giáo viên rất cần được sự quan tâm của xã hội.
Nguồn: https://thanhnien.vn/1600-giao-vien-mam-non-nghi-viec-luong-thap-ap-luc-cao-va-con-gi-nua-185240509181312374.htm