Tại hội thảo lấy ý kiến xây dựng nghị định mới về kinh doanh xăng dầu do Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam tổ chức ngày 7/5, nhiều đề xuất được doanh nghiệp phản ánh như bỏ quỹ bình ổn giá (BOG) xăng dầu, giảm số ngày dự trữ lưu thông tối thiểu…
Theo ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cơ quan quản lý nên mạnh dạn bỏ quỹ BOG xăng dầu vì thời gian qua quỹ không trích/ chi nhiều kỳ nhưng thị trường vẫn ổn định. Trong khi đó, quản lý quỹ, DN đầu mối rất vất vả trong kiểm kê sản lượng xuất bán, bảo đảm minh bạch trích/ chi quỹ, số liệu thống kê khi bị thanh tra, kiểm tra.
“Trường hợp vì bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô mà tiếp tục duy trì quỹ, Petrolimex kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp quản lý quỹ được hình thành từ các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu để khỏi sử dụng sai mục đích như vụ của Xuyên Việt Oil, Hải Hà, Hải Linh… vừa qua”, ông Năm nói.
Đồng thời, đại diện Petrolimex kiến nghị có quy định cụ thể để trích/ chi quỹ này và bảo đảm kịp thời, thuận lợi trong trường hợp chi sử dụng quỹ để không làm ảnh hưởng tới vốn của doanh nghiệp. Điều này sẽ góp phần minh bạch thông tin, tránh tình trạng người dân hiểu nhầm quỹ BOG là quỹ của doanh nghiệp.
Ở góc độ thương nhân bán lẻ, ông Phan Văn Thoại – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dầu khí Tp.Hồ Chí Minh (SaiGon Petro) đề nghị xem xét Mục D, Khoản 9, Điều 3 và Khoản 3 Điều 15 về thương nhân bán lẻ xăng dầu được thỏa thuận mua hàng theo 3 hình thức, trong đó, hình thức thứ 3 quy định: Mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu để bán lẻ tại hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu của thương nhân.
Theo doanh nghiệp, hình thức này rất khó cho thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối trong việc quản lý hệ thống, quản lý chất lượng, công bố giá bán lẻ, cũng như dự trữ nguồn hàng để bán hàng theo hình thức nêu trên.
Vì vậy, SaiGon Petro đề nghị thương nhân bán lẻ mua hàng với 2 hình thức: Nhận làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu hoặc thương nhân phân phối xăng dầu; Nhận quyền bán lẻ xăng dầu cho thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu hoặc thương nhân phân phối xăng dầu.
Đồng quan điểm, ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Dầu Việt Nam – PVOil, cũng đề xuất bỏ quỹ bình ổn.
Theo ông Dương, hiện nay giá thị trường xăng dầu lên xuống khó lường nhưng mỗi kỳ điều hành giá, doanh nghiệp cứ phải hồi hộp đoán xem kỳ này quỹ sử dụng thế nào, trích ra sao… Bên cạnh đó, quỹ bình ổn là nguồn lực của người dân đóng góp vào thì bản chất không phải bình ổn.
Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Dầu Việt Nam – PVOil cho rằng, Nhà nước xây dựng quỹ với thiện chí hỗ trợ cho người dân nhưng hiện nay thiện chí đó người dân không cảm nhận được, người dân phản đối kịch liệt thì duy trì quỹ để làm gì. Do vậy, tôi kiến nghị nếu được thì bỏ quỹ bình ổn. Nếu vì nhiều lý do mà chưa thể bỏ quỹ bình ổn thì chỉ khi nào giá lên mức cao quá mới sử dụng quỹ. Như thế để chúng tôi bớt hồi hộp, không phải đoán định điều hành của Nhà nước, điều hành của Nhà nước phải minh bạch.
Một bất cập mà nhiều “ông lớn” xăng dầu phản ánh là số ngày dự trữ lưu thông đối với thương nhân đầu mối xăng dầu. Đại diện Petrolimex đề nghị duy trì mức tối thiểu 20 ngày, thay vì nâng lên 30 ngày. Bộ Công Thương đã sử dụng công cụ kiểm soát bổ sung thông qua chỉ tiêu mức phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu hằng năm, đây là chỉ tiêu rất linh hoạt nhằm ổn định thị trường và sát với nhu cầu tiêu thụ của xã hội.
Về nguyên tắc dự trữ lưu thông an ninh quốc gia là trách nhiệm nhà nước, không thể dồn lên vai doanh nghiệp. Mức 20 ngày là hợp lý, tránh tạo gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp. Đáng chú ý, lãnh đạo PVOIL bày tỏ lo ngại về việc thanh tra, kiểm tra. Không nhất thiết năm nào cũng thanh tra, tốn nguồn lực nhà nước, nhiều đoàn thanh tra kéo dài tới 3 tháng.
Trước kiến nghị của doanh nghiệp, ông Phan Văn Chinh – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) bày tỏ rất mong doanh nghiệp quản lý quỹ BOG xăng dầu minh bạch. Về kiến nghị bỏ quỹ, ông cho biết trong Luật Giá có quy định về 4 loại hình BOG và mặt hàng xăng dầu thuộc 1 trong 4 loại hình này nên phải duy trì.
Về quy định điều kiện tối thiểu dự trữ, ông Phan Văn Chinh nói quy định nhằm bảo đảm bình đẳng, minh bạch giữa các doanh nghiệp. Dự thảo sẽ tiếp tục hoàn thiện và sẽ có giải trình cụ thể về các vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm và xin ý kiến.
Theo ông Phạm Văn Thoại, Chủ tịch HĐQT Saigon Petro, chu kỳ điều hành giá xăng dầu hiện là 7 ngày/lần, theo dự thảo nghị định mới là 15 ngày, Saigon Petro đề xuất 10 ngày. Lý do tình hình diễn biến giá xăng dầu thế giới trồi sụt bất thường, khoảng cách giá tăng/giảm giữa 2 ngày với biên độ khá rộng.
M.Vy (T/h)
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/nhieu-ong-lon-de-nghi-bo-quy-binh-on-gia-xang-dau-a662669.html