Lớp tập huấn là minh chứng rõ nét cho việc thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kì mới; cụ thể hóa Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.
Thông qua chương trình tập huấn, các diễn viên được bồi dưỡng chuyên sâu về kĩ thuật diễn xuất, hát, múa Tuồng truyền thống, các nhạc công được bồi dưỡng chuyên sâu về phương pháp thể hiện những làn điệu Tuồng cổ, phương pháp biểu diễn các nhạc cụ dân tộc trong dàn nhạc và xử lý các tình huống sân khấu; đồng thời là cơ hội cho các diễn viên, nhạc công có dịp trao đổi, học tập kinh nghiệm giữa các đồng nghiệp, trau dồi kiến thức chuyên sâu về nghệ thuật sân khấu nói chung, nghệ thuật Tuồng nói riêng.
Đồng thời, lớp tập huấn cũng nhằm nâng cao một bước về chuyên môn cho diễn viên, nhạc công cho các đơn vị nghệ thuật Tuồng chuyên nghiệp trong cả nước, từng bước khắc phục tình trạng thiếu hụt đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn tài năng tại các đơn vị nghệ thuật Tuồng hiện nay; đồng thời là cơ hội để các nhà quản lý, các đơn vị nghệ thuật và đội ngũ nghệ sĩ nghệ thuật Tuồng đánh giá đúng thực trạng của loại hình nghệ thuật Tuồng hiện nay, tìm ra những giải pháp phù hợp nhằm kế thừa, phát huy, góp phần bảo tồn và phát triển nghệ thuật Tuồng truyền thống trong thời kì mới.
Đối tượng tham gia là diễn viên các đơn vị nghệ thuật Tuồng công lập trên toàn quốc và nhạc công các đơn vị nghệ thuật Tuồng công lập trên cả nước; Giảng viên tham gia giảng dạy là các diễn viên, nhạc công, các đạo diễn, các nhà lý luận sân khấu có chuyên môn cao, uy tín và có nhiều đóng góp cho sân khấu Tuồng.
Nội dung lớp bồi dưỡng tập trung vào các chuyên đề “Tình hình hoạt động của nghệ thuật Tuồng trong bối cảnh kinh tế, xã hội hiện nay”, ngoài ra các học viên của lớp còn được học các trích đoạn mẫu dự kiến như “Vai Nguyệt Cô trong trích đoạn Nguyệt Cô hóa cáo – vở Võ Tam Tư”; Vai Đào Tam Xuân trong trích đoạn Đào Tam Xuân đề cờ – Vở Nữ tướng Đào Tam Xuân”; Vai Châu Sáng trong trích đoạn Châu sáng qua sông – Vở Ngũ Viên Thiệu; Vai Kỷ Lan Anh và vai Hồ Nô trong trích đoạn Kỷ Lan Anh lạc đẻ – vở Hộ Sanh Đàn; Vai Đồng Kim Lân và vai Khương Linh Tá trong trích đoạn Kim Lân qua đèo – vở Sơn Hậu; Vai Phương Cơ trong trích đoạn Phương Cơ qua ải – vở Ngọn lửa Hồng Sơn”. Đối với các nhạc công sẽ là nâng cao diễn tấu một số bài bản truyền thống của các nhạc cụ trong dàn nhạc Tuồng và sự phối hợp giữa dàn nhạc với nghệ thuật diễn xuất của diễn viên.
Để Lớp bồi dưỡng đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, Ban Tổ chức yêu cầu các học viên có ý thức đóng góp xây dựng, viết bản thu hoạch, nêu đề xuất, kiến nghị cụ thể theo yêu cầu.
Thông qua chương trình tập huấn, các diễn viên được bồi dưỡng chuyên sâu về kĩ thuật diễn xuất, hát, múa Tuồng truyền thống, các nhạc công được bồi dưỡng chuyên sâu về phương pháp thể hiện những làn điệu Tuồng cổ, phương pháp biểu diễn các nhạc cụ dân tộc trong dàn nhạc và xử lý các tình huống sân khấu; đồng thời là cơ hội cho các diễn viên, nhạc công có dịp trao đổi, học tập kinh nghiệm giữa các đồng nghiệp, trau dồi kiến thức chuyên sâu về nghệ thuật sân khấu nói chung, nghệ thuật Tuồng nói riêng.
Trước sức ép cạnh tranh của các loại hình giải trí hiện đại, hoạt động của các bộ môn nghệ thuật truyền thống như tuồng gặp khá nhiều khó khăn. Do đó, để tồn tại và phát triển, các cơ quan quản lý văn hóa, các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ, diễn viên đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để vừa không làm mai một các giá trị truyền thống, vừa đổi mới, nâng cao chất lượng về mọi mặt đáp ứng yêu cầu của khán giả. Lớp tập huấn là hoạt động ý nghĩa, thiết thực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật Tuồng truyền thống./.
Nguồn: https://toquoc.vn/to-chuc-lop-tap-huan-dien-vien-nhac-cong-loai-hinh-nghe-thuat-tuong-truyen-thong-2024-20240508160859686.htm