Vừa xin mã QR để thanh toán bát hủ tiếu, Thành Công sững người khi được chủ quán thông báo “chỉ nhận tiền mặt”.
Quy định của quán khiến chàng trai 23 tuổi ở quận 1, TP HCM lúng túng vì không mang thẻ ngân hàng để ra cây ATM rút tiền, khách xung quanh toàn người lớn tuổi, không dùng chuyển khoản. Công đành cầu cứu người bạn ở cách đó 5 km mang tiền đến.
Nhiều năm nay, anh không sử dụng tiền mặt. “Cảm giác đứng chờ bạn mang tiền đến trả xấu hổ vô cùng, thậm chí một vài người còn trêu tôi nên ở lại rửa bát để trả nợ”, Công nói.
Hồng Loan, 25 tuổi, ở quận Hà Đông, Hà Nội cũng từng đến một số quán chỉ nhận tiền mặt. Có lần cô để bạn ngồi lại, mình tìm cây ATM rút tiền; khi khác lại nhờ khách trong quán trả hộ rồi chuyển trả. Nhưng cũng có lúc không xoay sở được, Loan lại nhờ bạn bè hoặc bố mẹ mang tiền ra trả.
Rút kinh nghiệm, gần đây mỗi lần ra quán ăn Loan đều hỏi chủ quán “có được chuyển khoản không?”. Nếu không, cô đành rời đi, dù là quán ngon, nổi tiếng.
Với Loan, sống không tiền mặt lợi nhiều hơn hại bởi không lo trộm cắp, tránh trả nhầm tiền, không lo bị nuốt thẻ ở cây ATM. “Vậy mà vẫn có những chủ quán ăn hoặc cây xăng giữa lòng thủ đô lại không nhận chuyển khoản. Quá lạc hậu và lỗi thời”, cô than phiền.
Người Việt ngày càng chuộng thanh toán không tiền mặt. Nghiên cứu của Visa năm 2023 cho thấy trung bình mỗi tháng người Việt có 11 ngày liên tiếp không dùng tiền mặt, tăng gần bốn lần so với 2022. 56% người nói không giữ tiền trong ví nên tiêu ít hơn. Cũng theo số liệu của Visa, 62% người được hỏi dùng thanh toán bằng mã QR với hơn 16 lần một tháng, cao hơn 12-13 lần khi dùng thẻ ngân hàng.
Còn theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước trong 5 tháng đầu 2023, thanh toán qua phương thức quét mã QR tăng 151% về số lượng và 30,41% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Hầu hết các cơ sở kinh doanh trên cả nước đều đã chấp nhận chuyển khoản qua mã QR, số tài khoản hoặc thanh toán thẻ. Thậm chí người bán rau, hàng rong, quán vỉa hè nhận giao dịch từ vài nghìn đồng.
Cũng chính vì thế thời gian gần đây chuyện một số cửa hàng từ chối nhận chuyển khoản nhận được sự quan tâm trên mạng xã hội. Các bài viết đề cập về vấn đề này thu hút hàng chục nghìn lượt quan tâm, phần bình luận chia làm hai luồng ý kiến. Một bên phản đối, đề nghị đơn vị kinh doanh nên theo thời đại, đặt khách hàng lên hàng đầu. Nhưng phía ý kiến phản đối lại cho rằng mỗi người có một cách kinh doanh riêng, chưa kể thanh toán không tiền mặt cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là với người lớn tuổi, khó khăn trong việc tiếp cận.
Khảo sát của VnExpress tại TP HCM, Hà Nội và tỉnh thành khác có một số cửa hàng, quán ăn, cây xăng không nhận chuyển khoản. Một số nơi dán biển thông báo nhưng cũng có nơi chỉ trả lời nếu khách hỏi.
Theo một chuyên gia kinh tế tài chính, nguyên là giảng viên Học viện Ngân hàng (Hà Nội), lý do chính khiến một số cửa hàng, quán ăn không nhận chuyển khoản do sợ bị lừa đảo, tài khoản lỗi không thể nhận tiền hoặc chủ quán thấy phiền phức vì bị hỏi mật khẩu wifi để giao dịch, mất thời gian kiểm tra giao dịch thành công, chưa kể một số trường hợp chuyển nhầm lại phải chuyển trả gây phiền phức. Và cuối cùng, người bán có thể đã lớn tuổi, khó khăn trong việc cập nhật công nghệ mới.
Chủ tiệm hủ tiếu ở quận 1, TP HCM cho biết, trước đây từng nhận chuyển khoản nhưng thấy vài chục khách chen chúc nhau đứng chờ quét mã, sau lại xảy ra móc túi, trộm cướp khó kiểm soát. Từ tháng 8/2023 đến nay, khách vào là phải trả tiền mặt ngay, tránh gặp rủi ro. “Nhiều khách chuyển cả ngày trời tôi mới nhận được, quán thì đông, bắt khách ở lại cũng không được”, chủ quán này nói.
Không muốn gặp phải những phiền phức, một quán phở ở đường Tam Trinh, quận Hoàng Mai, Hà Nội, cũng dán biển “Không nhận chuyển khoản, xin cảm ơn”.
Bà Vy, chủ quán, cho biết khách đa phần là dân quanh vùng, thường dùng tiền mặt, thời gian gần đây mới có một số người xin số tài khoản. Nhưng do quán đông khách, không có người chuyên kiểm tra tài khoản nên từ chối. Đặc biệt, dù chỉ nhận tiền mặt nhưng không thấy khách than phiền nhiều nên cửa hàng không có ý định thay đổi.
Đồng tình với những khó khăn của các chủ quán, nhưng chuyên gia cho rằng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho công nghệ. Quan trọng là cách người dùng sử dụng sao cho khoa học, thông minh, bắt kịp thời đại để phát triển. Trong trường hợp chủ quán không dùng quen có thể nhờ con cháu hoặc nhân viên hỗ trợ thay vì bảo thủ theo lối xưa.
“Còn nếu chúng ta cứ mãi theo nếp cũ, không chịu hội nhập, phát triển thì sớm muộn sẽ bị đào thải”, vị chuyên gia cảnh báo.
Tiệm cà phê của ông Ngọc Toàn, 80 tuổi, ở quận Tây Hồ, Hà Nội, nhiều năm nay chỉ nhận tiền mặt bởi vợ chồng già, không thành thạo sử dụng công nghệ. Người duy nhất có số tài khoản trong gia đình ông là con gái lớn nhưng bận đi làm. Có đôi lần khách xin chuyển khoản, cụ ông 80 tuổi cũng đưa mã QR code của con gái nhưng vài ngày sau vẫn không thấy tiền về, chưa rõ do lỗi mạng hay bị lừa.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng từng phát cảnh báo một số chủ quán mất tiền khi bị dán đè mã QR code do một số đối tượng muốn chiếm đoạt tài sản. Nhiều vụ việc xảy ra khiến ông Toàn chấp nhận duy trì cách kinh doanh cũ.
“Khách giảm tôi cũng đành chịu bởi lỡ bị lừa thì tiền bán vài cốc cà phê cũng chẳng đủ, đằng nào thì con cái cũng không theo nghề”, ông Toàn nói.
5 năm nay, Nguyễn Thành, 28 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội ưu tiên sử dụng thanh toán trực tuyến nhưng vẫn để sẵn một số tiền trong ví đề phòng gặp quán không nhận chuyển khoản.
“Tôi không thể ép các đơn vị kinh doanh phải đáp ứng mọi yêu cầu của mình. Các ứng dụng thanh toán hay tiền mặt sinh ra là để phục vụ con người, nên cần sử dụng linh hoạt, hợp bối cảnh”, Thành nói.
Thanh Nga – Quỳnh Nguyễn
Nguồn: https://vnexpress.net/tranh-cai-chuyen-quan-khong-nhan-chuyen-khoan-4742780.html