Việt Nam và Australia có nhiều điểm tương đồng trong quan hệ hợp tác chống buôn lậu, chống ma túy, hay nhu cầu đẩy nhanh tốc độ thương mại hàng hóa. Đồng thời, hai bên cũng có nhiều cơ hội để thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong các vấn đề này thông qua quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Ông Michael Outram, Cao ủy Cơ quan Bảo vệ biên giới Australia. (Ảnh: TRUNG HƯNG)
Đây là chia sẻ của ông Michael Outram – Cao ủy Cơ quan Bảo vệ biên giới Australia (ABF) bên lề hội đàm song phương giữa Hải quan Việt Nam và ABF được tổ chức ngày 7/5 tại Hà Nội.
Trả lời phỏng vấn báo chí, người đứng đầu ABF đã có những đánh giá về mối quan hệ hợp tác với Hải quan Việt Nam, cũng như những định hướng sắp tới để thúc đẩy hợp tác song phương.
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về mối quan hệ hợp tác giữa Cơ quan Bảo vệ biên giới Australia và Hải quan Việt Nam hiện nay?
Ông Michael Outram: Tôi rất vui được có mặt tại Hà Nội cùng các đồng nghiệp có buổi làm việc với Hải quan Việt Nam hôm nay. Tôi cho rằng quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan đang rất tốt. Cùng với việc quan hệ giữa hai nước phát triển mạnh mẽ, lãnh đạo hai nước đã ký kết quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, nhằm tăng cường quan hệ hợp tác song phương, trong đó có việc thúc đẩy thương mại hàng hóa và di chuyển của người dân hai nước.
Qua buổi làm việc hôm nay, tôi nhận thấy hai bên có nhiều điểm tương đồng, liên quan đến các vấn đề như chống buôn lậu, chống ma túy…, hay nhu cầu đẩy nhanh tốc độ thương mại hàng hóa giữa hai nước. Do đó, có nhiều tiềm năng hợp tác giữa hai bên và qua buổi làm việc này, tôi mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan trong những năm tới.
Cao ủy Cơ quan Bảo vệ biên giới Australia, ông Michael Outram tại hội đàm song phương với Tổng cục Hải quan Việt Nam. (Ảnh: TRUNG HƯNG)
Phóng viên: Theo ông, điểm mạnh chính trong mối quan hệ giữa Cơ quan Bảo vệ biên giới Australia và Hải quan Việt Nam là gì và những điểm mạnh này đã góp phần đạt được mục tiêu chung như thế nào?
Ông Michael Outram: Đầu tiên, hai cơ quan đều tập trung vào yêu cầu tạo thuận lợi thương mại. Hai bên đều nhận thức rằng một mục đích cơ bản của hải quan biên giới là phục vụ hoạt động kinh tế và an ninh kinh tế, đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của hai nước.
Có rất nhiều hoạt động thương mại hàng hóa và di chuyển người dân giữa hai nước. Hai bên ý thức được điều đó, và chúng ta đồng thời cũng ý thức rằng đằng sau các hoạt động thương mại hợp pháp và kim ngạch thương mại đó là hàng hóa bất hợp pháp buôn lậu, vận chuyển trái phép.
Cao ủy Cơ quan Bảo vệ biên giới Australia Michael Outram và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam Nguyễn Văn Cẩn ký kế hoạch hợp tác điều tra sau hội đàm giữa hai bên, Hà Nội, ngày 7/5/2024. (Ảnh: TRUNG HƯNG)
Hai bên cũng có cách tiếp cận tương đồng trong việc ứng phó với những vấn đề trên, thông qua việc sử dụng thông tin, dữ liệu, xác định trọng điểm, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ và phát triển đội ngũ lãnh đạo.
Hai bên có rất nhiều điểm tương đồng, và đây chính là điểm mạnh của mối quan hệ hợp tác này, trong đó hai bên chia sẻ cách tiếp cận vấn đề tương tự nhau.
Phóng viên: Trong thời gian tới, ông có mong muốn gì về mối quan hệ hợp tác giữa Cơ quan Bảo vệ biên giới Australia và Hải quan Việt Nam, đồng thời ông có kế hoạch gì để củng cố và làm sâu sắc thêm mối quan hệ này?
Ông Michael Outram: Hôm nay, hai bên đã thống nhất sẽ chính thức hóa cơ chế họp song phương cấp cao giữa người kế nhiệm tôi và người đứng đầu Hải quan Việt Nam trong tương lai. Giữa các cuộc họp song phương như vậy sẽ có các kế hoạch hành động, kế hoạch công tác.
Điều này có nghĩa hai bên cam kết sẽ phối hợp cùng nhau trong các vấn đề như xác định trọng điểm, chia sẻ thông tin, xây dựng đội ngũ cán bộ, phát triển năng lực.
Ngoài ra, bên cạnh hợp tác song phương, hai bên cũng sẽ tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ đa phương trong Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hay ASEAN, trong đó Australia là một Đối tác đối thoại.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!