Đó là trường hợp của anh Nguyễn Văn Kiệt Em ở ấp 7, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Theo anh Em, vào đợt xâm nhập mặn trong mùa khô của các năm, anh không thể trồng lúa được, bắt buộc phải chuyển qua nuôi tôm.
Sau vụ tôm, vào mùa mưa, anh Em lại chuyển sang trồng lúa, theo hình thức luân canh 1 vụ tôm, 1 vụ lúa trong năm. Cũng chính cách làm này đã giúp cuộc sống gia đình được cải thiện rất nhiều.
Theo phóng viên tìm hiểu, hơn 10 năm về trước, anh Em chỉ có 1,5ha đất. Qua hơn 10 năm thực hiện mô hình tôm lúa, anh Em đã mua thêm được 3ha đất, nâng tổng diện tích hiện có của anh Em lên 4,5ha.
Anh Em cho hay: “Qua một thời gian thực hiện, tôi thấy mô hình tôm – lúa phù hợp với vùng đất thường xuyên ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn và mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
Hiện anh Em đã tham gia tổ hợp tác sản xuất tôm lúa ở ấp 7 để thông qua đó có điều kiện học hỏi kinh nghiệm sản xuất, giảm được chi phí đầu vào và tăng thu nhập khi thu hoạch tôm hoặc lúa.
Cũng theo anh Em, luân canh tôm lúa là mô hình sản xuất bền vững ở địa phương trong điều kiện biến đổi khí hậu. Do đó, để thực hiện tốt hơn nữa mô hình này, trong thời gian tới, anh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của cơ quan chức năng về con giống, kỹ thuật nuôi tôm và tiếp cận với nguồn vay ưu đãi.
Ông Trần Bảo Bình – Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất tôm – lúa ở ấp 7 cho biết, nhiều năm trước đây, nhất là từ sau đợt xâm nhập mặn lịch sử năm 2015 – 2016, nhiều hộ nông dân ở ấp 7 đã chuyển đổi sản xuất từ 2 vụ lúa/năm sang 1 vụ lúa, 1 vụ tôm.
Mới đây, khi thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân, các thành viên trong tổ hợp tác đã đồng loạt cải tạo lại đất, be bờ, rải vôi và đưa nước mặn từ các con sông lên ruộng để nuôi tôm sú, tôm càng xanh…
Ngoài ấp 7 ở xã Lương Nghĩa, một số địa phương khác ở huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, người dân cũng đổi đời nhờ mô hình tôm lúa.
Được biết, trước đây, mỗi khi đến mùa khô, người dân ở những địa phương nói trên ai cũng lo lắng vì ruộng vườn cạn nước ngọt, nước mặn từ biển Tây xâm nhập vào kênh, rạch ảnh hưởng đến quá trình sản xuất.
Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, với sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cơ quan chức năng, hàng chục hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất 2 vụ lúa/năm sang 1 vụ tôm 1 vụ lúa, điều này không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập mà còn thích ứng tốt với điều kiện thời tiết, nguồn nước.
Theo báo cáo của Phòng NNPTNT huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang), hiện nay, diện tích thả tôm giống của người dân xã Lương Nghĩa là khoảng 80 ha.
Mô hình luân canh tôm-lúa có thể giúp nông dân tiết kiệm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khi trồng lúa rất nhiều, vì vậy lợi nhuận khi thu hoạch sẽ tăng lên. Đối với con tôm phát triển mạnh, ít bệnh trong quá trình nuôi nên hạn chế được chi phí đầu tư.
Ngoài ra, sản phẩm từ con tôm hoặc cây lúa trong mô hình luôn được thị trường đón nhận, thu mua với giá cao. Đây cũng là lý do giúp nông dân thu lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với việc chuyên trồng lúa.
Nguồn: https://danviet.vn/nhieu-noi-dan-heo-hon-vi-xam-nhap-man-anh-nong-dan-o-hau-giang-lam-cach-gi-ma-lai-giau-len-20240507132847539.htm