Đồng chí Đặng Văn Việt được giao lá cờ đỏ sao vàng, có nhiệm vụ treo lên cột cờ trước cửa Ngọ Môn ở kinh thành Huế.
Sáng 20/8/1945 tôi được tin mật, mời đến một điểm hẹn. Đến nơi tôi gặp đồng chí Trần Hữu Dực (lúc ấy là Thường vụ Tỉnh ủy, sau này là chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Trung Bộ. Trong hòa bình, có lúc đồng chí là bộ trưởng Phủ Thủ tướng). Đồng chí Dục giao cho tôi lá cờ to bằng cả một gian nhà và nói: “Tôi giao cho đồng chí lá cờ đỏ sao vàng. Đồng chí có nhiệm vụ treo nó lên cột cờ trước cửa Ngọ Môn”.
Tôi hỏi: “Xin cho biết bao giờ xong?”
Đồng chí Dực trả lời: “Nội trong ngày mai 21/8”
Theo tác phong quen thuộc của người lính trẻ, tôi chỉ có một ý nghĩ: “Làm thế nào để hoàn thành nhiệm vụ?”.
Tôi cuộn tròn lá cờ, cho vào một bao tải lớn, buộc chặt vào đuôi xe và rong ruổi về trường Thanh niên tiền tuyến (của chính phủ Trần Trọng Kim). Không khí thành phố Huế lúc ấy cũng như mọi ngày, từ sáng tinh mơ lúc 6h30 phút, ba phát pháo lệnh phát đi từ Cột cờ, thức tỉnh mọi người dậy để đi làm việc. Trên đường phố xe đạp, xe kéo nhộn nhịp. Một tốp lính Nhật chừng 30 tên hàng ngũ chỉnh tề, đang đều bước đi về hướng Tòa Khâm. Tên chỉ huy, lưỡi kiếm đeo xệ dài gần sát mặt đất. Tiếng guốc gỗ lẹp kẹp kéo lê dọc vỉa hè đường phố. Trên sông Hương, lác đác một số thuyền gỗ ngược xuôi. Từ xa cách 40 cây số, người ta vẫn thấy lá cờ quẻ ly, dân hay gọi tên là “Cờ ba gạch”, vẫn phấp phới tung bay trước gió. Nó tượng trung cho triều đại nhà Nguyễn đang trị vì.
Trên đường về tôi phải dừng xe để nghỉ lấy sức, ăn một bát chè đậu ván thịt quay cho mát dạ. Đến trường tôi giấu kín bao tải vào một góc buồng. Hầu hết anh em ở lớp Thanh niên tiền tuyến đều Việt Minh hóa, anh em rất nhạy cảm với phong trào Cách mạng. Chúng tôi sống trong tình bạn, tình đồng chí rất thân tình, nên tôi không chút lo sợ.
Gặp đồng chí Ken, tổ trưởng tổ Việt Minh, tôi báo cáo lại việc đồng chí Trần Hữu Dực vừa giao. Chúng tôi trao đổi chớp nhoáng kế hoạch. Huy động thêm Nguyễn Thế Lương để hỗ trợ nhau. Anh cho tôi mượn khẩu súng ngắn Barillet và 6 viên đạn xịt (không nổ). Anh dặn phải hết sức thận trọng, đề phòng phản ứng của Bảo Đại. Ăn mặc phải chỉnh tề, oai vệ.
Sáng 21/8/1945 (hai ngày trước Cách mạng tháng Tám ở Huế), Thế Lương và tôi dậy sớm, làm công tác chuẩn bị. Chúng tôi ăn mặc gọn gàng, chững chạc. Bộ kaki vàng mới toanh bóng lộn, dày cộp và bộ ghệt ôm chặt đôi chân, mũ calô sừng bò đội đầu. Trông chẳng khác gì hai ngự lâm pháo thủ. Khẩu Barillet đeo xệ bên hông. Tôi và anh Lương cuộn tròn lá cờ theo chiều ngang, to như một con trăn lớn, buộc chặt và gác lên hai đầu hai xe đạp. Cứ thế chúng tôi còng lưng đẩy. Khoảng 9h chúng tôi đến chân cột cờ. Tôi bảo anh Thế Lương dùng lại, trông xe và cờ, còn tôi băng băng đi thẳng lên nhà lính gác và bảo vệ.
Kỳ Đài Huế nằm giữa thành trước của Ngọ Môn, cách chừng 300 m. Nó chiếm một khu vực chừng bốn hecta. Chân Kỳ Đài có ba tầng, cao chừng 17,5 m. Ở giữa là cột cờ xây bằng bê tông cốt thép. Chu vi cột chừng một đến ba người ôm mới xuể, cột cao 29,52 m. Dây kéo cờ là một sợi thừng dài tròn to bằng cổ tay. Trên đỉnh cột cờ có một ròng rọc để đỡ đầu giây. Mỗi lần kéo lên xuống phải dùng sức mạnh của sáu lính vạm vỡ.
Bảo vệ Kỳ Đài có một tiểu đội lính 12 người, trang bị 12 khẩu mút-cờ-tông. Chỉ huy là một “thầy đội”. Nhiệm vụ của đội bảo vệ là ngày đêm không cho một bóng ma nào xâm nhập khu vực Kỳ Đài. Họ còn có nhiệm vụ nữa là đốt pháo lệnh. Pháo lệnh là những khẩu súng bằng đồng kiểu “mini”, chỉ có một đầu hở. Lính cận vệ hàng ngày cho thuốc súng vào nòng, rồi nhồi rom thật chặt. Gần phía thuốc súng có một bấc ngòi. Cứ châm vào ngòi là lửa bén, cháy vào thuốc súng, nổ tung, làm bật nút rom lên trời, tạo nên một tiếng vang lớn làm chấn động cả bầu trời. Vì lẽ ấy dân Huế còn tặng cho thêm một cái tên là: “Lính pháo đùng”. Cứ 6h, 12h, 18h, mỗi lần ba phát lệnh bắn ra, báo cho toàn dân cố đô một nếp sống rất quen thuộc: ngủ dậy đi làm, giờ trưa đã đến, cơm chiều đến rồi…
Gặp thầy đội chỉ huy, tôi bảo: “Theo lệnh của Ủy ban Khởi nghĩa Cách mạng, chúng tôi có nhiệm vụ treo cờ đỏ sao vàng lên cột cờ. Các anh cho hạ ngay cờ quẻ ly. Các anh phải thi hành, giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ”.
Trước uy thế của Cách mạng, thầy đội không dám có một chút phản ứng:
-“Dạ, dạ, các ông cứ ra lệnh”.
“Anh cho hai lính xuống đường, giúp ông bạn tôi đẩy hai chiếc xe đạp, và cờ lên đây”.
Lệnh được thi hành ngay và năm phút sau cờ đã có ở chân cột cờ.
Lễ hạ cờ và treo cờ.
Sáu lính pháo đùng có súng và thầy đội xếp hàng ngang. Anh Lương đứng đầu hàng.
Sáu lính pháo đùng sẵn sàng kéo dây. Tôi đứng ngoài hàng, ra lệnh: “Hạ cờ”.
Lá cờ quẻ ly của vua Bảo Đại, triều nhà Nguyễn từ từ trên cao hạ xuống. Tôi ra lệnh tháo cờ quẻ ly và buộc cờ đỏ sao vàng vào dây thừng. Xong đâu đấy, chỉnh đốn hàng ngũ lại. Tôi hô lớn:
“Chào cờ. Chào!”
Lính pháo dùng bồng súng còn chúng tôi đưa ngang tay chào kiểu nhà lính. Cờ đỏ sao vàng được từ từ kéo lên đỉnh cao của cột cờ. Nhìn theo, lòng tôi rạo rực, máu trong tôi như sôi lên vì tự hào, phấn khởi hồi hộp.
Trước đây chỉ cần cầm một lá cờ búa liềm nhỏ bằng bàn tay ở bất cứ nơi đâu, bọn mật thám, sen đầm, cảnh sát đã lùng sục, bắt bớ, tù đày. Nay ta “to gan” dám treo lá cờ to bằng cả gian nhà lên cột cờ lớn giữa cố đô Huế.
Cách xa thành phố chừng 40 cây số vẫn trông thấy cờ bay. Cả thành phố, cả nhân dân vùng quanh đều hô lên:
“Cờ đỏ sao vàng, cờ đỏ sao vàng?.
Cách mạng đã về.
Dân ta đã độc lập, tự do rồi”.
Xong nhiệm vụ tôi ra lệnh cho lính pháo đùng không được tự do hạ cờ khi không có lệnh. Anh Lương và tôi lại đủng đỉnh ra về. Lần về không cần phải dắt, mà cưỡi xe đàng hoàng. Thỉnh thoảng quay lại nhìn, lá cờ vẫn tung bay trước gió, màu đỏ thắm rợp cả bầu trời, cả bầu không khí của cố đô. Một vẻ đẹp mới chưa từng có, đẹp vô cùng Tổ quốc Việt Nam ta.
Hai chiếc phi cơ hai thân, sơn màu bạc từ Hạm đội 7 bay vào, lượn ba vòng quanh cột cờ, rồi vẫy cánh như để chào mùng lá cờ độc lập tự do của Việt Nam, xong chúng lại vút bay ra biển Đông.
Một cuộc mít tinh lớn được tổ chức ở sân vận động “xì- tát” Huế, Ủy ban khởi nghĩa Trung Bộ và Thừa Thiên – Huế ra mắt và tuyên bố chính quyền thuộc về tay nhân dân.
Ngày 25/8/1945, vua Bảo Đại tuyên bố xin thoái vị. Nhường lại chính quyền từ nhà Vua cho chính quyền Cách mạng.
Ngày 31/8/1945, một cuộc mít tinh lớn thứ 2 được tổ chức ở trước cửa Ngọ Môn để làm lễ nhận ấn tín của nhà Vua và công bố tuyên ngôn thoái vị.
Phần 1. Phần 2. Hết.
Đặng Văn Việt (1920-2021), là người làng Nho Lâm, xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Tổ tiên của ông là Quốc công Đặng Tất và danh tướng Đặng Dung có bài thơ Thuật hoài nổi tiếng đời Hậu Trần.
(Trích sách Hùm xám đường số 4, NXB Lao động)
Nguồn: https://vnexpress.net/trich-hum-xam-duong-so-4-phan-cuoi-treo-co-do-sao-vang-tren-ky-dai-hue-4743062.html