Ngày 7.5, Sở Y tế TP.HCM cho biết, trước đó đơn vị này nhận được thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2 về 2 trường hợp nhập viện có triệu chứng nghi ngờ ngộ độc thực phẩm có địa chỉ tại TP.Thủ Đức và quận 4 (TP.HCM). Ngay trong đêm Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM phối hợp với các trung tâm y tế địa phương tiến hành điều tra dịch tễ và đánh giá nguy cơ tại cộng đồng.
Tổ công tác ghi nhận, cả 2 trẻ nhập viện đều là học sinh tiểu học. Điều tra tại cả 2 trường học không ghi nhận dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm tập thể, bữa trưa bán trú của 2 trường được cung cấp bởi 2 công ty khác nhau.
Sự trùng hợp ngẫu nhiên là tại thời điểm ngày 4.5, Trường tiểu học Linh Chiểu, TP.Thủ Đức ghi nhận có 82 trẻ nghỉ học. Theo tìm hiểu của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, qua báo cáo của nhà trường, có đến trên 50 trẻ nghỉ học vì lý do không liên quan đến sức khỏe (như đi thi tiếng Anh, đi du lịch cùng gia định, do việc nhà…), số còn lại thì nghỉ học vì các lý do thông thường như ho, cảm, mệt (không có triệu chứng rối loạn tiêu hóa)… Con số này được đánh giá tương đương số trường hợp nghỉ học trung bình hằng ngày của trường. Ngoài 2 học sinh nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng 2, nhà trường khẳng định không ghi nhận thêm học sinh nào đi khám bệnh hoặc nhập viện vì nhiễm trùng tiêu hóa.
Theo Sở Y tế TP.HCM, trong tình hình thời tiết nắng nóng hiện nay là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa do ngộ độc thực phẩm tăng cao, không chỉ từ các bữa ăn tập thể mà còn ở từng gia đình. Sở Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt trong kỳ nghỉ hè sắp tới, các bậc phụ huynh cần quan tâm hướng dẫn cho trẻ ăn uống hợp vệ sinh, không tự ý mua và sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Như Thanh Niên đưa tin trước đó, Bệnh viện Nhi đồng 2 đang điều trị 2 trường hợp trẻ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm nhập viện ngày 4.5.
Trường hợp thứ nhất là bé trai (9 tuổi, ngụ tại quận 4, TP.HCM). Bé được chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn, viêm họng cấp, theo dõi ngộ độc thực phẩm. Ngày 3.5 ghi nhận bé sốt cao, ói 8 lần, tiêu lỏng, không đau bụng, người nhà cho biết bé học bán trú nên có ăn trưa với món mì Ý xốt cà ở trường. Sau khi nhập viện và được theo dõi, bé tỉnh, không sốt, không ói thêm, tiêu lỏng 10 lần, phân vàng nước lợn cợn, không nhầy máu…
Trường hợp thứ hai, là bé gái (11 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) được chẩn đoán ói cấp, theo dõi viêm dạ dày ruột, theo dõi ngộ độc thực phẩm.
Khai thác bệnh sử, người nhà cho biết khoảng tối 3.5, bé đau bụng quanh rốn, ói ra thức ăn cũ từ trưa 3 lần, không sốt, không tiêu lỏng. Người nhà cho biết bé có ăn trưa với mì Ý xốt cà ở trường. Ngày 4.5, trẻ ói ra thức ăn và dịch xanh 5 lần, chưa đi tiêu và nhập bệnh viện lúc 17 giờ.
Nguồn: https://thanhnien.vn/tphcm-khong-ghi-nhan-ngo-doc-tap-the-tai-2-truong-tieu-hoc-185240507212234252.htm