GIA LAI Nuôi sâu canxi để làm thức ăn cho đàn vật nuôi cũng như sản xuất phân bón cho cây trồng đem lại nguồn thu hơn 1 tỷ đồng/năm cho gia đình ông Lê Hùng Anh.
Với niềm đam mê làm nông nghiệp sạch, ông Lê Hùng Anh (sinh năm 1958 ở thôn 5, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, Gia Lai) đã thành công trong việc nuôi sâu canxi để làm thức ăn cho đàn vật nuôi cũng như sản xuất phân hữu cơ bón cho cây trồng.
Từng sở hữu 24ha cà phê nhưng rồi đến những năm 1999 – 2002, giá cà phê giảm chỉ còn 500 đồng/kg tươi khiến gia đình ông Anh lâm vào cảnh khó khăn. Từ đó, ông quyết định chuyển sang lĩnh vực chăn nuôi. Để có vốn xây dựng chuồng trại nuôi gia súc, ông bàn với gia đình bán 17ha cà phê. Tuy nhiên, việc chăn nuôi cũng khá bấp bênh vì giá thức ăn cho gia súc tăng cao, cộng với dịch bệnh trên đàn vật nuôi nên gia đình không có lợi nhuận, thậm chí còn thua lỗ.
“Mọi thứ đã thay đổi khi cách đây hơn 13 năm, trong một chuyến đi tham quan học hỏi kinh nghiệm ở miền Nam, tôi đã được tiếp cận mô hình nuôi ruồi lính đen của Hợp tác xã Hưng Điền ở huyện Củ Chi (TP.HCM). Sau đó tôi mua 2gram trứng ruồi lính đen về nuôi thử với mục đích lấy ấu trùng là sâu canxi để làm thức ăn cho đàn vật nuôi” – ông Anh kể.
Tận dụng phần chuồng trại cũ còn trống khoảng 80m2, ông Anh đã xây các bể để nuôi sâu canxi. Trung bình 100gram trứng thu được 2,5 – 3 tạ sâu với thời gian nuôi 15 – 20 ngày. Sâu canxi rất dễ nuôi, chi phí thấp và không ảnh hưởng đến môi trường. Trung bình mỗi năm, gia đình ông nuôi 1kg trứng, thu được 2,5 – 3 tấn sâu canxi.
Nguồn thức ăn của sâu canxi là phân động vật, các loại rau củ, trái cây bị hư. Loại sâu này rất giàu dinh dưỡng, làm thức ăn sống hoặc ủ với bã gạo, bã đậu nành, rau củ rất tốt cho heo, gà, vịt, giúp tăng sức đề kháng, giảm dịch bệnh. Nhờ đó, gia đình tiết kiệm được hàng chục triệu đồng mỗi năm về chi phí thức ăn chăn nuôi.
Bên cạnh làm thức ăn chăn nuôi, ông còn làm ra phân sâu canxi để bón cho vườn cà phê của gia đình. “Tôi phối trộn phân sâu canxi cùng các loại củ quả hỏng xay nhuyễn rồi ủ với dung dịch men vi sinh để làm phân bón. Phân này khá sạch, không có mùi hôi, giúp tăng độ phì nhiêu, tơi xốp cho đất, tạo môi trường tốt cho các vi sinh vật có lợi phát triển, góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời tiết kiệm được chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất”, ông Anh chia sẻ.
Theo ông Anh, nhờ nguồn phân tự chế biến này mà 4ha cà phê của gia đình luôn phát triển xanh tốt, mỗi năm cho thu hoạch 14 tấn nhân. Bên cạnh đó, ông nuôi 3 lứa gà/năm (3.000 con/lứa), nhờ ăn sâu canxi mà đàn gà phát triển khỏe mạnh, chất lượng thịt thơm ngon, thương lái mua tại nhà với giá 120 ngàn đồng/kg. Ngoài ra, ông còn sử dụng sâu canxi nuôi 8 con heo nái rừng lai, mỗi năm xuất bán khoảng 100 con heo thịt.
Với mô hình trang trại này, gia đình ông Anh thu về mỗi năm trên 1 tỷ đồng. “Ngoài bán gà thịt, tôi còn làm món gà ủ muối bán với giá 250 ngàn đồng/kg, được nhiều người trong và ngoài huyện yêu thích, tìm đến đặt hàng. Năm nay, tôi đầu tư nâng cấp mẫu mã, bao bì, mở rộng quy mô sản xuất cũng như đăng ký tham gia chương trình OCOP để sản phẩm gà ủ muối của gia đình có thêm nhiều cơ hội phát triển thị trường”, ông Anh cho hay.
Mô hình nuôi sâu canxi của ông Lê Hùng Anh đã được nhiều hội viên nông dân ở thị xã Ayun Pa và huyện Phú Thiện đến tham quan, học hỏi. Đây cũng là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai tại Gia Lai từ ngày 1/7/2022 – 21/12/2024.
Theo ông Nguyễn Văn Dư, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Hưng: “Việc ông Lê Hùng Anh xây dựng trang trại hữu cơ từ mô hình nuôi sâu canxi đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Cách làm này khẳng định tư duy mới trong phát triển nông nghiệp bền vững. Thời gian qua, Hội Nông dân xã phối hợp với ông Lê Hùng Anh đã tuyên truyền đến các hội viên về việc áp dụng mô hình nuôi sâu canxi, góp phần tăng lợi nhuận trong trồng trọt và chăn nuôi. Hiện đã có 18 hộ hội viên nông dân trong xã triển khai mô hình nuôi sâu canxi”.
Ông Võ Xuân Bảo, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Păh cho biết: “Qua thời gian ông Lê Hùng Anh triển khai thực hiện mô hình nuôi sâu canxi, chúng tôi nhận thấy cách làm này đã gặt hái được hiệu quả cho người nuôi cũng như góp phần bảo vệ môi trường ở nông thôn. Sâu canxi làm nguồn thức ăn để nuôi gà, vịt, heo cũng như làm phân bón cho các loại cây trồng, giảm chi phí sản xuất, giúp phát triển kinh tế”.
“Thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền đến các hộ hội viên triển khai thực hiện mô hình này. Qua đó giúp các hộ chuyển đổi cơ cấu vật nuôi và cây trồng theo hướng hữu cơ hiệu quả. Đồng thời, thực hiện tốt Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải, góp phần vào nỗ lực giảm lượng khí thải của cộng đồng quốc tế” tại tỉnh.
Nguồn: https://nongsanviet.nongnghiep.vn/nuoi-sau-canxi-lao-nong-thu-tien-ty-d379734.html