Hai đội bóng thành công nhất giải U.23 châu Á 2024, rất gần với Việt Nam
Có 2 đội bóng rất thành công tại giải U.23 châu Á 2024 vừa kết thúc trên đất Qatar, đầu tiên là nhà tân vô địch Nhật Bản, đội tiếp theo là U.23 Indonesia. Nhật Bản đăng quang trên đất Qatar, trở thành đội giàu truyền thống nhất, đội duy nhất 2 lần vô địch U.23 châu Á, tính cho đến thời điểm hiện tại. Còn U.23 Indonesia vào bán kết, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ ở sát tấm vé dự Olympic.
Tuy nhiên, con đường đi đến thành công của U.23 Indonesia và U.23 Nhật Bản khác hẳn nhau. U.23 Indonesia nói riêng, các đội tuyển của bóng đá xứ sở vạn đảo nói chung vào lúc này phụ thuộc rất lớn vào những cầu thủ nhập tịch từ châu Âu.
Dàn cầu thủ nhập tịch hùng hậu tạm thời giúp cho các đội tuyển Indonesia tiến bộ vượt bậc, ví dụ như đội tuyển quốc gia Indonesia vào tứ kết Asian Cup 2023, 2 lần đánh bại đội tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup 2026 khu vực châu Á. Còn đội tuyển U.23 Indonesia ở sát với vé dự Olympic như vừa nêu.
Trong khi đó, Nhật Bản thành công với chính sách đào tạo trẻ xuyên suốt, có hệ thống và có lớp lang. Thật ra, U.23 Nhật Bản tại giải U.23 châu Á không đặt nặng chuyện giành ngôi vô địch, họ cũng không đặt nặng chuyện có giành vé dự Olympic Paris 2024 hay không (các nền bóng đá lớn trên thế giới hiện nay không còn quan trọng thành tích bóng đá nam tại Thế vận hội).
Bằng chứng cho việc này là thành phần đội U.23 Nhật Bản dự giải U.23 châu Á 2024 không hề có các ngôi sao đang thi đấu tại châu Âu. Thậm chí, các ngôi sao của bóng đá Nhật Bản đang đá bóng ở giải nhà nghề J-League cũng không có mặt tại giải. Thay vào đó, đội U.23 Nhật Bản gồm toàn các cầu thủ vô danh ở trong nước, hoặc họ chưa có suất thi đấu thường xuyên ở các CLB chuyên nghiệp (thủ môn số 1 Leo Kokubo chỉ đang thi đấu cho đội B của CLB Benfica, Bồ Đào Nha, tiền vệ Kein Sato chơi cho đội B của CLB Werder Bremen, Đức), hoặc vẫn đang là sinh viên (tiền đạo Kotaro Uchino đang khoác áo đội Đại học Tsukuba).
Nhưng đội U.23 Nhật Bản vẫn thành công theo cách hết sức tự nhiên. Có nghĩa là cầu thủ trẻ Nhật Bản được đào tạo tốt hơn, có chất lượng kỹ – chiến thuật tốt hơn đối thủ, họ tự nhiên giành chiến thắng, chứ xuyên suốt giải đấu, không thấy các thành viên của U.23 Nhật Bản tuyên bố lên gân theo kiểu phải thắng đội này đội kia bằng mọi giá.
Tiếng vọng từ quá khứ
Đấy là khác biệt rất lớn giữa Nhật Bản với nhiều nền bóng đá tại châu Á. Nhờ nền tảng đào tạo trẻ tốt, bóng đá Nhật Bản ổn định ở vị trí số 1 châu Á suốt nhiều thập kỷ liên tục, cầu thủ cứ lớp sau lại nối tiếp lớp trước giúp bóng đá xứ sở mặt trời mọc giữ vững vị thế.
Ngược lại, chính sách nhập tịch cầu thủ ồ ạt của Indonesia vấp phải những ý kiến trái chiều, có người ủng hộ, nhưng cũng có người cảnh báo tác hại về lâu về dài. Ví dụ như chuyên gia bóng đá Indonesia Peri Sandria bình luận: “Mỗi cầu thủ trẻ ở các CLB đều có khát khao và động lực để tiến lên khoác áo đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, làm sao những cầu thủ trẻ này có thể duy trì được động lực của họ khi không được trao cơ hội? Khi gọi cầu thủ nhập tịch lên đội tuyển quốc gia, nên có sự chọn lọc. Đấy không chỉ là vấn đề của Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI), mà còn là vấn đề của HLV Shin Tae-yong”.
Cùng quan điểm với chuyên gia Peri Sandria, cầu thủ Muhammad Tahir phát biểu trên tờ VOI của xứ sở vạn đảo, bày tỏ quan điểm: “Hiện tại bóng đá Indonesia có quá nhiều cầu thủ nhập tịch. Chưa chắc cầu thủ nhập tịch có chất lượng tốt hơn cầu thủ bản địa khi khoác áo đội tuyển. Vì cầu thủ bản địa có khát khao, cũng như có niềm tự hào riêng khi khoác áo đội tuyển quốc gia”.
Đây đều là những vấn đề đáng để đội tuyển Việt Nam và HLV Kim Sang-sik tham khảo. Thực tế là, nếu đội tuyển Việt Nam trước đây dưới thời HLV Troussier sử dụng lực lượng tốt nhất của bóng đá nội, thay vì ưu tiên sử dụng cầu thủ trẻ ở cấp độ đội tuyển quốc gia, đội tuyển Việt Nam chưa chắc thua dễ Indonesia tại vòng loại World Cup 2026.
Ngoài ra, thành công của đội U.23 Việt Nam tại giải U.23 châu Á 2018, cùng một loạt thành tích ngay ở các năm sau đó thời HLV Park Hang-seo, có bóng dáng của nhiều lò đào tạo ở trong nước, khi những lò đào tạo này liên tiếp sản sinh những thế hệ cầu thủ rất giỏi nối tiếp nhau, như Công Phượng, Xuân Trường, Văn Thanh, Văn Toàn, Bùi Tiến Dũng, Quang Hải, Đoàn Văn Hậu, Trần Đình Trọng, Nguyễn Tiến Linh…
Nguồn: https://thanhnien.vn/con-duong-nao-cho-doi-tuyen-viet-nam-duoi-thoi-tan-hlv-truong-kim-sang-sik-18524050620420497.htm