Độc giả nhỏ tuổi tham dự sự kiện ra mắt sách ‘Những miền lưu dấu-Cảnh Việt trong văn chương’ tại Thư viện Quốc gia. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai-năm 2023 sẽ diễn ra chiều tối 21/4 tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế với nhiều hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc.
Nhân dịp này, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus những nét mới của ngày hội sách lớn nhất trong năm.
Khơi dậy tình yêu với sách
– Thưa Cục trưởng, vì sao Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn thành phố Huế là nơi tổ chức các hoạt động chính của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay?
Ông Nguyễn Nguyên: Năm 2022, lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất đã diễn ra rất thành công tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi có thể kể đến những con số ấn tượng là doanh thu gần 6 tỷ đồng, gần 1 triệu lượt người đọc tham dự sự kiện và hơn 200.000 bản sách được bán ra chỉ trong vài ngày.
Với tinh thần lan tỏa giá trị của sách đến tất cả các vùng miền, năm nay Ban tổ chức chọn Huế bởi đây là trung tâm đào tạo của đất nước, cũng là nơi hội tụ văn hóa bản sắc dân tộc.
Ngoài Huế, các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai được tổ chức đồng loạt tại 63 tỉnh thành trực thuộc Trung ương, tạo ra một đợt hoạt động trên quy mô lớn, giàu ý nghĩa, góp phần xây dựng vào sự phát triển văn hóa và tinh thần hiếu học, hiếu đọc của người dân thành phố Huế nói riêng và cả nước nói chung.
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Năm nay, sự kiện có hai chủ đề chính là “Nhận thức-Đổi mới-Sáng tạo” và “Sách cho tôi, cho bạn.”
Về thông điệp thứ nhất, đây là mục tiêu mà ngày hội sách năm nay hướng tới. Sách phải thể hiện sự đổi mới, mang đến sự sáng tạo, làm động lực cho sự phát triển của đất nước. Bản thân ngành xuất bản cũng đặt mục tiêu đáp ứng yêu cầu đổi mới và sáng tạo đang diễn ra trong mọi mặt cuộc sống.
Thứ hai, “Sách cho tôi, cho bạn” mang hàm ý giá trị của sách không chỉ nằm ở nội dung tốt mà còn phải có sức lan tỏa đến mọi người.
– Trong giai đoạn chống dịch COVID-19, Hội sách trực tuyến quốc gia trên sàn Book365.vn đã hoạt động rất hiệu quả, hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam. Xin ông cho biết năm nay, mô hình này được vận hành như thế nào?
Ông Nguyễn Nguyên: Sau 3 năm hoạt động, sàn sách trực tuyến đã tạo ra một thói quen để cho các đơn vị chủ động tham gia. Năm nay, Nhà xuất bản Thông tin truyền thông phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia và các đơn vị khác tiếp tục quản lý, vận hàng sàn Book365 kể từ ngày 17/4.
Về phía Cục Xuất bản, In và Phát hành, chúng tôi sẽ luôn đồng hành cùng các đơn vị để tiếp tục có các hoạt động ở đó. Tôi tin rằng việc đa dạng các hình thức tiếp cận sẽ tạo điều kiện để độc giả tìm đến sách dễ dàng hơn.
Việc phát triển văn hóa đọc có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi quốc gia, tác động đến việc phát triển kinh tế, văn hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam là dịp để thúc đẩy việc đọc sách, lan tỏa tri thức, nên cần được tổ chức bằng nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn để thu hút nhiều đối tượng, từ đó khơi dậy tình yêu sách và nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng.
Đẩy mạnh xuất bản sách điện tử
– Ngày Sách và Văn hóa đọc năm nay tiếp tục đề cập đến vấn đề chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản và phát triển sách điện tử. Xin ông nêu một vài giải pháp cho vấn đề này?
Ông Nguyễn Nguyên: Sách điện tử hiện nay là một xu hướng không thể đảo ngược. Thị trường sách điện tử tại Việt Nam thời gian qua đã có những bước phát triển khá mạnh, hiện có hơn 15 triệu lượt người sử dụng sách điện tử, tương đương với 35 triệu bản sách được đọc, tăng 59% so với năm 2021, hơn 30% số nhà xuất bản đã tham gia xuất bản điện tử, số đầu sách cũng chiếm khoảng trên 10% tổng số ấn phẩm.
Sách nói đa dạng trên các nền tảng số. (Ảnh chụp màn hình)
Tuy nhiên, so với tiềm năng và nguồn lực của ngành thì sách điện tử phát triển chưa tương xứng, mới chỉ tập trung vào thị trường sách nói. Thời gian tới, nhiệm vụ của Bộ Thông tin Truyền thông cùng các đơn vị trong ngành xuất bản là phải đẩy mạnh phát triển xuất bản điện tử để xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh của mình. Để làm được điều đó thì chúng tôi thấy có 4 yêu cầu rất quan trọng.
Thứ nhất là phải đẩy mạnh nhận thức của chính những người làm công tác xuất bản và thay đổi thói quen bạn đọc. Tôi cho rằng điều này quan trọng hàng đầu.
Thứ hai là phải có cơ chế, chính sách, tạo động lực cho xuất bản sách điện tử, bên cạnh những chính sách chung của ngành xuất bản.
Hai điều kiện còn lại là nhân lực và công nghệ cũng rất quan trọng. Song tôi tin rằng ngành xuất bản có thể chủ động giải quyết được nếu như hai điều kiện trên được thực hiện.
Sách điện tử sẽ luôn đồng hành cùng sự phát triển chung của ngành xuất bản. Sách điện tử và sách in truyền thống sẽ bổ sung cho nhau, mở rộng thị trường sách nói chung chứ không cạnh tranh, lấn át nhau.
Ngay từ bây giờ, các bậc phụ huynh có thể cho con tiếp cận với sách điện tử, tùy theo độ tuổi. Hoạt động trải nghiệm sách điện tử tại Thư viện Quốc gia cũng rất thiết thực để bạn đọc nhỏ tuổi tiếp cận từng bước với sách điện tử trên cơ sở gắn với học và đọc.
Các hội sách giảm giá thu hút rất đông các bạn trẻ. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
– Sự phát triển của nền văn hóa đọc đang có những dấu hiệu đáng mừng khi năm 2022, tổng doanh thu toàn ngành xuất bản Việt Nam đạt gần 4.000 tỷ đồng và là năm đầu tiên đạt mục tiêu 6 bản sách/người/năm. Ông đánh giá thế nào về thành tựu này?
Ông Nguyễn Nguyên: Nhìn lại quá trình 10 năm gần đây, có thể thấy văn hóa đọc đang có sự phát triển, tuy nhiên, so với kỳ vọng thì vẫn còn nhiều khoảng cách.
Ðầu tiên, con số thống kê 6 bản sách/người có vẻ cao, nhưng cơ cấu tỷ lệ sách còn thiên về sách giáo khoa, sách tham khảo (khoảng 40%) trong khi ở các nước phát triển con số này chỉ khoảng 30%. Như vậy, cần thúc đẩy hành vi đọc sách để tiếp cận tri thức một cách tự nhiên chứ không chỉ dừng lại ở chương trình học bắt buộc.
Để tạo dựng thói quen đọc sách, xây dựng kỹ năng đọc, tăng nhu cầu đọc cần nhiều sự nỗ lực của cả những người làm công tác xuất bản và người làm công tác thư viện.
Nhìn sang quá trình chấn hưng văn hóa đọc của Nhật Bản, có thể thấy có 5 điều cốt lõi có thể áp dụng ở nước ta: Đọc sách là nền tảng của văn hóa tinh thần; xây dựng văn hóa đọc phải gắn với việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết của dân tộc; văn hóa đọc gắn với sự phát triển của xuất bản; văn hóa đọc phải dựa trên nền tảng tạo dựng thói quen; văn hóa đọc là trách nhiệm của toàn xã hội.
Năm 2023 sẽ làm một năm khó khăn về kinh tế, ngành xuất bản cũng sẽ không nằm ngoài xu hướng này. Như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã nói, để vượt khó vươn lên thì toàn ngành phải nỗ lực, phát triển theo hướng “đa hình tướng,” đa nền tảng để mang đến nhiều sản phẩm, nhiều lựa chọn hơn cho độc giả.
– Vấn nạn sách giả ngày càng nhức nhối, đặc biệt là trong bối cảnh mạng xã hội phát triển như hiện nay. Ông có đề xuất giải pháp nào cho tình trạng này?
Ông Nguyễn Nguyên: Đó là vấn đề gây “đau đầu” với ngành xuất bản từ nhiều năm nay. Thời gian gần đây, sách giả ngày càng “lộng hành” nhờ các nền tảng số.
Thực tế đang có một khoảng trống nhất định về mặt pháp lý cũng như sự thiếu hụt một cách nghiêm trọng lực lượng để đấu tranh với vấn nạn này.
Hiện nay, chúng tôi đang tạo ra nhiều kênh kết nối trực tiếp với các nền tảng, để tiếp nhận báo cáo về sách giả nhanh nhất có thể, Khi nhận được thông tin về sách giả, sách lậu thì có thể “đánh gậy” các tài khoản như cách mà YouTube hoạt động.
Chúng tôi cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra tất cả các kênh thương mại điện tử có tham gia vào việc phát hành sách. Một mặt có thể hỗ trợ các đơn vị làm tốt hơn, mặt khác có thể phát hiện sai phạm và xử lý nghiêm.
– Xin trân trọng cảm ơn ông.