Đánh thức những tài sản vô hình
Thôn Lập Thắng,xã Thạch Lập, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, là một thung lũng nhỏ, nằm ở nút giao của tuyến đường từ thị trấn Ngọc Lặc lên miền Đồng Tâm thuộc huyện Bá Thước. Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho nơi đây những đài quan sát tự nhiên như đồi Hích, đồi Bựng, đồi Trèm, mà ở đó người ta có thể thu trọn vào tầm mắt hình ảnh sinh động của ngôi làng cổ, của đồng bào dân tộc Mường. Các hang động tự nhiên còn nguyên sơ như hang Gió, hang Quăn cùng hệ thống thác nước Khe Cha lúc nào cũng sẵn sàng chào đón bước chân của những người ưa phưu lưu, khám phá.
Qua hàng trăm năm định cư và phát triển trên mảnh đất này, đồng bào người Mường còn lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc như: Những nếp nhà sàn cổ, trang phục, ẩm thực, cồng chiêng, các làn điệu hát, múa, trò chơi dân gian… Đó được xem là chiếc “chìa khóa” để địa phương phát triển du lịch.
Anh Phạm Văn Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạch Lập đồng hành cùng tôi trong suốt hành trình, hệt như một hướng dẫn viên du lịch thực thụ! Ấn tượng nhất là cách mà anh nói về việc phát triển du lịch cộng đồng của địa phương với nhiều tâm huyết và chiêm nghiệm: Nếu tất cả mọi nơi đều giống nhau hoặc na ná nhau, thì chẳng có lí do gì con người phải di chuyển từ nơi này đến nơi kia, xa xôi hàng vạn dặm để trải nghiệm sự khác biệt. Ngày hôm nay, ở khắp các địa phương trên cả nước, các bản làng du lịch cộng đồng của người Thái, người Mông, người Dao, người Lô Lô, Pà Thẻn với những đặc sắc văn hóa bản địa đã và đang hình thành. Nhận thức điều này mà ở đây việc bảo tồn các giá trị văn hóa của người dân địa phương đã có nhiều tín hiệu tích cực.
Cũng theo lời của “hướng dẫn viên” ấy, nếu chỉ cách đây khoảng dăm, bảy năm, ít ai nghĩ người Mường ở Thạch Lập nói chung và Lập Thắng nói riêng sẽ biết cách bảo lưu các giá trị, những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình để giới thiệu với du khách, từ ẩm thực đến những lễ hội, phong tục tập quán… Bởi xuất phát điểm của những ông chủ homestay nơi này đều là nông dân, chỉ quen với việc canh tác nông nghiệp thời vụ.
Nhưng để cả một cộng đồng cùng chung tay trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, thì ngoài hội tụ được những lợi thế về điều kiện tự nhiên, nét đặc trưng trong bản sắc văn hóa thì chưa đủ…
Tôi băn khoăn đem suy nghĩ của mình trò chuyện cùng Chủ tịch UBND xã Thạch Lập Phạm Văn Huy. Anh chia sẻ, nắm bắt được tâm tư và nguyện vọng của người dân địa phương, ngay từ năm 2021, xã Thạch Lập được huyện hỗ trợ thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát triển nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch cộng đồng, giai đoạn 2021 – 2025” tại thôn Lập Thắng.
Trong thời gian qua, xã Thạch Lập đã vận động, tuyên truyền nhiều hộ dân thôn Lập Thắng có đủ điều kiện tiến hành cải tạo nhà sàn, chỉnh trang vườn nhà, hàng rào, cổng, ngõ làm du lịch cộng đồng. Hiện tại, 10 hộ dân thôn Lập Thắng được xã Thạch Lập chọn làm điểm loại du lịch cộng đồng đã cải tạo xong nhà ở, cảnh quan môi trường, chuẩn bị các điều kiện cần thiết đang sẵn sàng đón khách du lịch.
Tạo sinh kế cho người dân
Dù chưa chính thức đi vào hoạt động, thế nhưng tôi được anh Phạm Văn Cảnh, Trưởng thôn Lập Thắng hồ hởi, đón như vị khách đầu tiên ghé thăm homestay của gia đình. Với hơn 20 năm làm Trưởng thôn và luôn là những người tiên phong trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của nhà nước, anh Cảnh khẳng định: Để một mô hình thành công cần có sự tính toán đường dài, và nhất là không bỏ cuộc. Sự khởi nghiệp mang tính phong trào, cả thèm chóng chán rất nguy hiểm. Một mô hình tiên phong nếu thành công sẽ có tác dụng truyền cảm hứng, nhưng nếu thất bại thì cũng như một bài học, một tiền lệ cho những người sau.
“Thế nên khi bắt tay vào thực hiện xây dựng mô hình, cả nhà đều quyết tâm cao. Quá trình thực hiện, gia đình được nhà nước hỗ trợ mỗi hộ 20 triệu đồng để thay mái lợp, xây dựng công trình vệ sinh, chỉnh trang nhà ở”, anh Cảnh chia sẻ.
Cùng với hoạt động khám phá thiên nhiên, du lịch cộng đồng gắn với những nét văn hóa của đồng bào DTTS cũng được chú trọng. Việc phát triển du lịch tại các địa phương vùng cao đang góp phần tạo sinh kế cho người dân bản địa. Các cơ sở dịch vụ, lưu trú hoạt động đều đặn, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại chỗ, đồng thời tiêu thụ một lượng nông sản do bà con địa phương chăn nuôi, trồng trọt được.
Theo thống kê, thôn Lập Thắng có 141 hộ, thì có 118 nhà sàn. Trong đó, số lượng nhà sàn truyền thống có thể khôi phục làm du lịch cộng đồng là 80 nhà. Thôn có một đội văn nghệ gồm 60 người, trong đó 30 người có thể phục vụ chuyên nghiệp. Số lượt biểu diễn phục vụ khách du lịch là: 68 lượt, với kinh phí thu được khoảng 70 triệu đồng.
Thời gian qua, UBND xã đã phối hợp với Phòng Văn hóa – Thông tin – Thể thao huyện Ngọc Lặc mở 9 lớp tập huấn về nghiệp vụ du lịch, kiến thức chế biến món ăn, kỹ năng làm du lịch cộng đồng, tập huấn về truyền dạy và bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ… thu hút 460 lượt người dân thôn Lập Thắng tham gia.
Theo đó, tính từ năm 2021 đến nay, có 76 đoàn khách đến Thạch Lập, với số lượt người thăm quan hơn 3000 lượt, phần lớn khách du lịch dừng chân tại Lập Thắng. Tổng doanh thu từ phục vụ khách du lịch khoảng 320 triệu đồng. Đây thực sự là nguồn động lực quan trọng, khích lệ người dân Lập Thắng tiếp tục đầu tư phát triển du lịch cộng đồng.
Dự kiến trong tháng 5 này, Lập Thắng bước vào mùa du lịch, đây cũng là mùa du lịch đầu tiên cộng đồng người Mường tại đây “thực sự” mở cửa đón khách. Hiện nay, những chủ homestay ở Lập Thắng đã biết cách chế biến những loại rau quả, thức ăn bản địa cho hợp khẩu vị du khách. Họ cũng biết cách tổ chức, hướng dẫn du khách tham quan, khám phá những nét văn hóa bản địa, hòa vào cuộc sống sinh hoạt của người dân địa phương, thậm chí còn tham gia vào một số hoạt động xã hội, thiện nguyện sở tại.
Với những điều này khiến chúng ta có thể tin tưởng rằng, những đặc sắc văn hóa nếu biết khai thác đúng hướng sẽ góp phần làm thay đổi bộ mặt các làng bản vùng đồng bào DTTS theo hướng phát triển bền vững.
Nguồn: https://baodantoc.vn/khat-vong-doi-thay-o-lap-thang-1714640605977.htm