Bức tranh xuất khẩu gạo những tháng đầu năm 2023 có nhiều điểm sáng khi đơn hàng xuất khẩu lẫn giá bán sang nhiều thị trường tăng mạnh.
Ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, trong quý 1/2023, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt hơn 1,85 triệu tấn gạo với trị giá 981 triệu USD, tăng hơn 23% về lượng và tăng 34% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.
Giá xuất khẩu gạo bình quân đạt 529 USD/tấn, tăng gần 9% so với mức bình quân cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, nhiều thời điểm trong các tháng, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam vượt qua giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan và Ấn Độ để vươn lên đứng đầu thế giới.
Quý 1/2023 xuất khẩu gạo ghi nhận sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2022 ở cả các thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng. Đặc biệt, trị giá xuất khẩu gạo sang EU ghi nhận tăng trưởng rất tốt ở nhiều thị trường nhờ xuất khẩu các sản phẩm gạo thơm, gạo phẩm chất chất lượng cao với giá trị gia tăng cao.
Điều này cho thấy chất lượng gạo của Việt Nam đang ngày càng được nâng cao, đáp ứng được yêu cầu từ cả các thị trường khó tính. Không chỉ gia tăng xuất khẩu các chủng loại gạo có thế mạnh như gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng, Việt Nam đã bắt đầu xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng đem lại giá trị cao, giảm dần tỷ trọng xuất khẩu gạo thường chất lượng thấp.
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam phân tích, ngay từ quý 1/2023 thị trường thuận lợi cho các nước xuất khẩu gạo khi nhiều quốc gia tăng nhập khẩu lương thực để dữ trữ. Xuất khẩu gạo sang các thị trường truyền thống và trọng điểm như Philippines, Trung Quốc tiếp tục giữ vững. Xuất khẩu đi các nước Đông Nam Á như Indonesia, Singapore đang tăng trưởng cao, xuất khẩu sang EU cũng ghi nhận tăng trưởng gần 50%, nhiều thị trường tăng mạnh như Hà Lan, Bỉ, Ba Lan.
Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, từ nay đến cuối năm, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu nhập gạo, lương thực có thể dẫn đến biến động về giá. Trong đó, nổi lên thị trường Indonesia với nhu cầu nhập khẩu được công bố lên đến 2 triệu tấn gạo; Bangladesh cũng tăng nhu cầu mua lương thực.
Trong khi nhu cầu nhập khẩu gạo tăng thì nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan tiếp tục hạn chế; giá gạo Thái Lan tăng do đồng Baht tăng giá trở lại. Việt Nam đang có lợi thế nguồn cung có sớm từ vụ lúa Đông Xuân; sản lượng, chất lượng lúa gạo ổn định nên dự báo trong ngắn hạn, giá gạo Việt Nam vẫn ở mức tốt. “Nhìn chung về thị trường xuất khẩu gạo năm nay về phía nguồn cung thấp hơn nhu cầu nên đầu ra thuận lợi, vấn đề của ngành gạo năm nay là khâu sản xuất và liên kết sản xuất sao cho có các chủng loại gạo phù hợp với nhu cầu thị trường,” ông Nguyễn Ngọc Nam nhận định.
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, mặc dù thị trường có nhiều tín hiệu tích cực, song để thúc đẩy tăng trưởng ngành gạo, thời gian tới, các Hiệp hội, doanh nghiệp, đơn vị có liên quan cần khẩn trương rà soát, có kiến nghị để Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các nghị định về kinh doanh xuất khẩu gạo như Nghị định 103/2020/NĐ-CP quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh châu Âu, Nghị định 107/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo để tạo tiền đề, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt chiến lược xuất khẩu gạo tầm nhìn đến năm 2030 để các doanh nghiệp, địa phương có cơ sở tổ chức triển khai đồng bộ. Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc cơ cấu lại chủng loại giống đặc thù, mã vùng trồng phục vụ cho chiến lược xuất nhập khẩu gạo, cơ cấu lại thị trường xuất khẩu… để cung cấp cho thị trường tốt hơn.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các cam kết của Việt Nam cũng như nước bạn để doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các hiệp định thương mại.
Đồng thời, phát huy vai trò liên kết giữa các thương nhân để định hướng xuất khẩu, chủ động đàm phán, giao dịch ký kết hợp đồng xuất khẩu có hiệu quả, nâng cao vị thế gạo Việt Nam tại một số thị trường tiêu thụ lớn.