Một số biện pháp như tiêm chủng, giảm tần suất tắm, uống nhiều nước giúp cơ thể tăng đề kháng và giảm tỷ lệ mắc đau họng, viêm phổi trong mùa hè.
Bác sĩ Huỳnh Trần An Khương, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết hiện toàn quốc đã bước sang mùa hè, nền nhiệt tăng cao, có những thời điểm ghi nhận nắng nóng trên 40 độ. Điều kiện thời tiết khiến người dân tăng sử dụng điều hòa nhiệt độ và các biện pháp giảm nhiệt, dẫn tới tăng số ca mắc cúm, viêm phổi, viêm phế quản… Từ đây, bác sĩ Khương đưa ra 6 lời khuyên giúp người dân chủ động phòng bệnh hô hấp mùa nắng nóng.
Tiêm vaccine
Không chỉ mùa nóng, điều kiện thời tiết mùa hè nói chung cũng thuận lợi cho các mầm bệnh truyền nhiễm phát triển. Bên cạnh đó, tia UV có trong ánh nắng có thể làm thay đổi sự phân bố và chức năng của tế bào bạch cầu đóng vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch. Việc này có khả năng gây giảm đề kháng, tăng nguy cơ mắc bệnh và biến chứng.
Một số mặt bệnh truyền nhiễm thường gia tăng vào mùa hè như cúm, viêm phổi và phế quản do phế cầu, viêm màng não do não mô cầu, viêm não Nhật Bản… Nhiều mầm bệnh đã có vaccine phòng ngừa, hiệu quả cao trên nhóm trẻ em và người lớn. Do đó, bác sĩ Khương khuyến cáo mọi người nên chủ động tiêm chủng đủ liều, đúng lịch để có miễn dịch chủ động với bệnh.
Các mũi ngừa ho gà, bạch hầu, phế cầu, não mô cầu nhóm B sử dụng cho người từ 2 tháng tuổi; vaccine ngừa cúm, não mô cầu nhóm BC chủng ngừa từ 6 tháng tuổi; loại ngừa viêm não Nhật Bản, thủy đậu, sởi, rubella, não mô cầu nhóm A, C, Y, W-135 sử dụng cho người từ 9 tháng tuổi.
Sử dụng điều hòa nhiệt độ hợp lý
Điều hòa là thiết bị quen thuộc với mọi gia đình, giúp giải tỏa sự khó chịu, nóng bức trong mùa hè. Tuy nhiên, nhiều người sử dụng chế độ làm mát với nhiệt độ quá thấp, gây chênh lệch lớn với nhiệt độ ngoài trời, gây nguy cơ sốc nhiệt, dẫn đến các bệnh như viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi… Môi trường máy lạnh khép kín cũng khiến mầm bệnh sinh sôi và lây lan nhanh hơn.
Do đó, bác sĩ Khương khuyến cáo người dân không sử dụng máy điều hòa với nhiệt độ quá thấp. Nhiệt độ trong phòng nên chênh lệch với ngoài trời tối đa 7 độ, duy trì ổn định khoảng 26-28 độ.
Mọi người cũng cần vệ sinh thiết bị định kỳ, tránh để mầm bệnh trú ngụ trong máy. Khi thời tiết không quá nóng, gia đình nên bật quạt, mở cửa sổ, không sử dụng máy lạnh. Việc này giúp thông khí, loại bỏ mầm bệnh.
Không tắm nhiều lần trong ngày
Nhiều người tăng tần suất tắm nước lạnh để cảm thấy mát hơn và tránh mùi hôi khó chịu. Tuy nhiên, mọi người không nên tắm quá nhiều lần trong một ngày, do nước lạnh có thể gây viêm phổi, viêm họng…
Mọi người có thể sử dụng khăn để lau bớt mồ hôi, hạn chế vận động vào buổi trưa hoặc chiều nắng nóng, không sử dụng thức ăn quá nóng hoặc có vị cay. Một số trường hợp bị sốt cao, đau họng, khó thở… sau khi tắm, có thể đã mắc viêm đường hô hấp cấp tính, cần theo dõi và sử dụng thuốc hợp lý. Nếu không đáp ứng thuốc hạ sốt hoặc các triệu chứng không thuyên giảm, mọi người cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị đúng bệnh.
Uống nhiều nước
Nhiệt độ cao khiến cơ thể tăng tiết mồ hôi để giảm nhiệt, do đó mọi người cần bổ sung đủ lượng nước và khoáng chất đã mất. Ngoài nước lọc, gia đình có thể sử dụng thêm súp, sữa, nước ép, trái cây… để bổ sung vitamin, chất dinh dưỡng. Một số món ăn có thể giúp giải nhiệt như đậu, dưa leo, cà chua, cà rốt, rau lá xanh, nên tăng cường trong bữa ăn hàng ngày. Nếu sử dụng đá lạnh để giải nhiệt, mọi người cần chọn đá sạch, không sử dụng quá nhiều để giảm nguy cơ viêm họng, viêm đường hô hấp.
Vệ sinh răng miệng
Vệ sinh răng miệng, súc họng đúng cách giúp giảm thiểu lượng virus, vi khuẩn trú tại vùng này, hạn chế khả năng mầm bệnh xâm nhập vào phổi và gây bệnh. Mọi người nên đánh răng tối thiểu hai lần một ngày.
Khi súc miệng bằng nước muối sinh lý, mọi người cố gắng đưa vào sâu vùng họng nhất có thể, giữ và khò khoảng 30 giây. Nước muối có tính sát khuẩn, sẽ giúp diệt khuẩn hoặc giảm tải lượng vi sinh trú tại vùng cổ họng, ngăn xâm lấn các cơ quan gây bệnh.
Giữ vệ sinh nơi đông người
Mùa hè cũng là thời điểm nhu cầu du lịch tăng cao. Để phòng bệnh cho bản thân gia đình, mọi người cần chú ý giữ vệ sinh, không khạc nhổ bừa bãi ở những nơi công cộng như bãi biển, bãi cỏ, khu vui chơi thiếu nhi… Khi có dấu hiệu bệnh đường hô hấp, mọi người nên hạn chế tiếp xúc, khám và điều trị càng sớm càng tốt.
Khi đến các nơi đông người như các buổi hòa nhạc, rạp chiếu phim, người dân nên mang khẩu trang, thường xuyên sát khuẩn tay sau khi đi vệ sinh, chạm tay vào các vị trí nhiều người chạm vào như lan can, tay nắm cửa. Mọi người nên dọn sạch rác khi kết thúc chuyến đi, nhằm giúp môi trường sạch đẹp và tránh tạo các ổ trú cho vi sinh vật gây bệnh.
Nhật Linh
Nguồn: https://vnexpress.net/cach-ngua-dau-hong-viem-phoi-mua-he-hieu-qua-4742656.html