Tham dự buổi gặp mặt, có các ông: Mai Xuân Bình – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa; Vi Văn Sơn – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An. Cùng các Phó Trưởng ban, lãnh đạo các huyện miền núi, cùng toàn thể cán bộ, công chức làm công tác dân tộc của hai tỉnh.
Dịp này, Ban Dân tộc hai tỉnh cùng ôn lại truyền thống vẻ vang suốt chặng đường 78 năm với nhiều sự kiện, dấu ấn, ghi đậm quá trình xây dựng và trưởng thành của cơ quan công tác dân tộc.
Theo lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, ngày 4/4/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 41 thành lập Ủy ban Hành chính đặc biệt miền Thượng du Thanh Hóa, với nhiệm vụ chính là giúp Ủy ban hành chính tỉnh Thanh Hóa giải quyết các công việc ở 6 châu miền Thượng du Thanh Hóa; động viên Nhân dân chuẩn bị kháng chiến; đốc suất việc tăng gia sản xuất và phát triển bình dân học vụ.
Trong từng giai đoạn lịch sử với các tên gọi và cơ cấu tổ chức khác nhau, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa luôn bám sát nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Đặc biệt, luôn nỗ lực phát huy tinh thần cách mạng cùng đồng bào các DTTS vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển chung của tỉnh, của đất nước; đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận qua những phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập các hạng: Nhì, Ba; Huân chương Lao động các hạng: Nhất, Nhì, Ba; và nhiều phần thưởng cao quý khác cho tập thể và cá nhân; năm 2019, cơ quan vui mừng đón nhận danh hiệu “Cơ quan Kiểu mẫu”.
Về Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021; Chương trình gồm 10 dự án với 14 Tiểu dự án thành phần, 36 nội dung. Sau 3 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã mang lại những kết quả tích cực, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân vùng đồng bào DTTS và miền núi; nhiều chỉ tiêu thực hiện đến hết năm 2023 hoàn thành kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi cuối năm 2023 giảm còn 11,04%, đạt và vượt kế hoạch được giao (giảm bình quân trên 3%), an ninh trật tự xã hội được bảo đảm.
Vào ngày 3/11/1946, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ III quyết định thành lập “Ty Quốc dân thiểu số” để giúp Tỉnh ủy và Ủy ban hành chính tỉnh chỉ đạo các huyện miền núi và lo việc “Tổ chức, giáo dục tư tưởng và mưu lợi ích cho đồng bào các dân tộc ít người”.
Trải qua 78 năm xây dựng và phát triển, mặc dù tổ chức bộ máy có sự biến động liên tục, với nhiều tên gọi khác nhau nhưng tất cả đều thống nhất một chức năng, nhiệm vụ, đó là tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các chủ trương, chính sách cụ thể, phù hợp với từng vùng, từng dân tộc; phối hợp với các ban, ngành chức năng trực tiếp đôn đốc, theo dõi việc thực hiện các chính sách dân tộc, góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực.
Mặc dù, vùng miền núi và dân tộc còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức; tồn tại nhiều điểm hạn chế. Nhưng cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, mỗi cán bộ công chức, viên chức, tập thể cơ quan công tác dân tộc Nghệ An luôn nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trải qua 78 năm phấn đấu và trưởng thành, cơ quan công tác dân tộc tỉnh Nghệ An đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, như: Huân chương Độc lập hạng Ba; 2 Huân chương Lao động hạng Nhất và hạng Nhì của Chủ tịch nước trao tặng; 6 Bằng khen và 3 Cờ thi đua vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua của Thủ tướng Chính phủ trao tặng; 2 cờ và 1 Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc trao tặng. Ngoài ra, đơn vị còn nhận được nhiều cờ và Bằng khen khác của các bộ, ngành Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An.
Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi kinh nghiệm trong thực hiện công tác dân tộc, nhất là trong công tác thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Thời gian tới, cùng với các cấp ủy đảng và chính quyền các cấp, cơ quan Ban Dân tộc hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa sẽ tập trung tăng cường công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện và thường xuyên theo dõi, tổ chức giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 với tinh thần quyết liệt, khẩn trương và hiệu quả cao nhất.
Nhân dịp này, Đoàn đại biểu cơ quan công tác dân tộc hai tỉnh đã đến tham quan, học tập và trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế, thăm quan mô hình phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An.
Ông Mai Xuân Bình – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa cho biết, chuyến đi công tác học tập kinh nghiệm này là dịp để những người làm công tác dân tộc ở Thanh Hóa có cơ hội giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm và tiếp thu những mô hình phát triển kinh tế, xã hội, những đổi mới của tỉnh bạn, góp phần thực hiện tốt công tác vận động, tuyên truyền trong cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số về thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nguồn: https://baodantoc.vn/thanh-hoa-nghe-an-gap-mat-ky-niem-78-nam-ngay-truyen-thong-co-quan-lam-cong-tac-dan-toc-1714823537684.htm