PHÚ THỌ 19 năm trước tôi vào bản Cỏi (Xuân Sơn, Tân Sơn, Phú Thọ) được ông Đặng Vĩnh Phúc đãi gà nhiều cựa mới liên tưởng đến con gà chín cựa của Vua Hùng và viết.
Mời cầu thủ Hà Đức Chinh làm đại sứ thương hiệu
Kể từ đó xã hội có thêm danh từ mới là gà chín cựa mà thực chất là gà có nhiều ngón chân thừa. Lắm nông dân ở Tân Sơn đã kiếm được tiền nhờ nghề nuôi giống gia cầm đặc biệt này. Nay tôi lại nghe nói về HTX Gà nhiều cựa Tân Sơn Phú Thọ không chỉ có công phục hồi giống gà quý mà năm qua còn bán được hơn một vạn gà, trong đó có con tới 29,5 triệu đồng nên tìm đến gặp Giám đốc Nguyễn Văn Đức.
Bữa trưa đó tôi được thưởng thức món gà nhiều cựa luộc thơm, ngon, ngọt đậm với lớp da giòn sần sật hệt như 19 năm trước đã từng ăn ở bản Cỏi. Anh Đức cười và kể, con gà 8 cựa này của HTX đi lạc hơn 1 tháng tưởng mất, ai ngờ nó sang vườn nhà hàng xóm nhưng họ không thể bắt được vì cứ bay như chim. Đến khi người họ lừa bắt được thì trao trả lại cho chủ vì gà nhiều cựa mà mã đẹp như thế chỉ anh mới có. Gà nhiều cựa có lắm điểm giống gà rừng, màu lông sặc sỡ, mắt tinh nhanh, tiếng gáy không to nhưng vang, nạc tới da, đặc biệt nuôi trên 12 tháng thịt vẫn không bị xơ và dai.
Trải qua nhiều nghề như giáo viên thể dục, buôn gỗ, buôn vật liệu xây dựng, buôn ngô, làm biển quảng cáo, lái xe tải rồi đến khi có trong tay cả một đội xe nhưng anh Đức bảo: “Em đi làm ở vùng cao, thấy bà con khó khăn, mình kiếm tiền mà không giúp gì được cho người khác, không tạo ra giá trị cho bản thân, không học hỏi gì được ngoài mấy trò khôn lỏi thì áy náy. Cầm cục tiền không thấy ý nghĩa, rồi tiền đó có khi lại bị người mưu mô hơn mình lấy mất.
Em đi khắp trong Nam ngoài Bắc xem có gì khác biệt rồi quyết định quay về với con gà chín cựa bởi lợi thế quê mình đất rộng, người thưa, môi trường sạch, tài nguyên bản địa phong phú, đường sá thuận lợi. Người ta có câu: “Cá sông Đà, gà Phú Thọ” nhưng chưa có ai làm thương hiệu, đặc biệt là cho con gà chín cựa nên năm 2018 em quyết định mở trang trại”.
Cả nhà Đức không ai ủng hộ. Bố mẹ anh bảo nếu làm nông mà “ngon” thế thì ai cũng làm rồi, đâu đến lượt mình. Quyết chí, anh rủ thêm 4 người cùng nuôi gà nhiều cựa. Họ gom gà ở các bản về để chọn lọc giống nhưng sau một thời gian thì 4 người rút lui vì không đủ kiên trì. Ba năm đầu tiên, anh Đức chọn lọc giống qua ngoại hình như kiểu mào, màu lông, màu da chân, số cựa trên chân, trọng lượng…
Anh mua 400 con mà chỉ được 50 con đảm bảo đủ tiêu chuẩn. Có con gà trống đủ chín cựa ở xã Tân Sơn anh phải đi tới ba lần. Lần đầu chủ nhà không bán, bảo để làm giống. Lần thứ hai cũng lắc đầu. Lần thứ ba Đức mang theo một con gà trống 8 cựa lên đổi và các thêm 9 triệu đồng nữa thì mới mang được gà quý về. Quá trình chọn lọc giống và nhân thuần về sau, may mắn anh được TS Vũ Ngọc Sơn hỗ trợ suốt 5 năm.
Đến quá trình tiếp thị sản phẩm, Đức kể chuyện Vua Hùng kén rể bằng gà chín cựa như thế nào, rồi chuyện tâm linh mà gà nhiều cựa mang lại: 6 cựa là lộc, 8 cựa là phát, 9 cựa là trường tồn; màu lông hoa mơ tượng trưng cho bảy sắc cầu vồng báo tin tốt, màu lông đỏ tía tượng trưng cho mặt trời báo bình minh thức giấc, vạn vật sinh sôi… Nhưng nhiều người đã chửi anh rất đau rằng đây là gà tật có nhiều ngón chân thừa chứ không phải cựa.
“Em phải trả lời rằng theo khoa học đây đúng là ngón chân thừa của gà nhưng theo quan niệm của người Mường đó là cựa. Với họ, những ngón từ cổ chân trở lên đều gọi là cựa vì nó là vũ khí để sinh tồn của gà, còn những ngón từ cổ chân trở xuống mới là ngón. Đây là giống gà bản địa, sau khi xét nghiệm ADN đã được Bộ NN-PTNT công nhận là một nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần được bảo tồn vào năm 2012. Mời anh chị lên tận trang trại để trải nghiệm và góp ý” – Đức kể lại gian nan thuở ban đầu.
Sau khi lên ăn thử, khoảng 20 – 30% khách chấp nhận mua loại gà 6 cựa với giá 250.000đ/kg, loại 8 cựa với giá 850.000đ/con, còn loại 9 cựa thì rẻ nhất là 9,5 triệu đồng/con và anh từng bán một con với giá 29,5 triệu đồng với đặc điểm cựa đều, tách, đẹp, mào cờ, mã lông sáng, đuôi dài. Gà nhiều cựa thì tỷ lệ 6 cựa chiếm khoảng 70%, trong đó ½ khi trưởng thành mọc thêm 2 cựa sừng nữa là thành 8 cựa, còn 9 cựa thì 1.000 con được khoảng 3 con, và 9 cựa đều đẹp thì phải 1.000 con mới được 1 con.
Khó khăn nhất đối với Đức không phải là vốn đầu tư mà là áp lực gia đình trong suốt 3 năm đầu chọn lọc giống chỉ thấy ném tiền qua cửa sổ. Quảng bá qua google, facebook không đủ. Thông qua Huyện đoàn Tân Sơn, anh còn nhờ cầu thủ Hà Đức Chinh làm đại sứ thương hiệu của sản phẩm gà chín cựa sau một trận bóng giao lưu. Chàng cầu thủ trả lời “ản ản”, trong tiếng Mường nghĩa là “được được”. Chẳng gì Chinh cũng là một người con xứ Mường Tân Sơn chính hiệu, từ lâu đã quen với con gà nhiều cựa.
Vậy là bức ảnh Chinh ôm gà chín cựa ra đời, được thực hiện bởi hai thợ ảnh do Đức thuê vội nơi phố núi bởi sợ người này chụp hỏng thì còn người kia. Con gà chín cựa Tân Sơn từ đó được nhiều người biết đến hơn…
Anh hùng lực lượng vũ trang nuôi gà chín cựa
HTX Gà nhiều cựa Tân Sơn Phú Thọ hiện có 32 thành viên, sản lượng gà nhiều cựa thương phẩm năm 2023 đạt 1,2 vạn con, năm nay dự kiến sẽ đạt 3 vạn con. Anh Đức dẫn tôi vào khu vườn rộng sau nhà, nơi có hàng trăm con gà giống đẹp như tranh với những cặp cựa dài, cong vút như nanh lợn nòi.
Chỉ vào con gà trống hoa mơ chín cựa, anh định giá 30 triệu đồng, còn con trống tía 10 cựa thì không định giá vì: “Trước đây em từng có một con 10 cựa bán 30 triệu đồng, về sau cứ tiếc mãi nên con này sẽ không bán vì sợ hết nguồn gen, không có gì để nhân giống”.
Lũ gà được chăm sóc theo hướng hữu cơ với thức ăn chủ yếu là ngô và cám. Bên cạnh gà thương phẩm, HTX còn bán giống 1 ngày tuổi với giá 52.000đ/con, gà bạch tạng làm cảnh giá 3,5 triệu đồng/con. Anh Đức cũng ấp ủ thử nhiệm nuôi gà thảo dược, gà vi sinh, gà thuận tự nhiên và dự tính chế biến sâu gà đóng hộp với hạt sen, với tổ yến để bồi bổ sức khỏe. Trước mắt, anh sẽ đưa con gà 9 cựa vào các nhà hàng cùng với “đóng gói” văn hóa Mường đi kèm như văn nghệ, trưng bày vật dụng truyền thống.
Đức lại dẫn tôi đến trang trại của ông Hoàng Văn Lượng ở cùng xã nhưng nằm nép dưới chân núi Cút, mỗi năm mấy tháng chìm trong mây mù. Vừa mở cổng bước vào thì cả đàn gà nhiều cựa bỗng ở đâu ùa ra đón chủ. Cứ thấy bóng ông cùng với tiếng gọi “cúc cúc” là chúng túa đến bởi biết rằng sắp được cho ăn.
Vốn là đặc công được phong tặng anh hùng lực lượng vũ trang với thành tích đánh 33 trận, diệt 59 địch, năm 2012 ông Lượng về hưu với quân hàm đại tá và sống ở Hà Nội đến năm 2019 thì về quê làm trang trại. Tới năm 2022, ông được vận động vào HTX để nuôi gà nhiều cựa.
Ông Lượng cho biết: “Gà giống nhập về được tiêm phòng, cho ăn cám công nghiệp đến 2 tháng tuổi rồi thay bằng thức ăn trộn gồm thân chuối, cám gạo, bỗng rượu, cho uống nước lá ổi, lá quế để phòng bệnh.
Mỗi năm tôi nuôi 4 lứa gối nhau, mỗi lứa 200 con, trung bình sau 6 tháng gà trống đạt 2 – 2,5kg/con, gà mái 1,5 – 2kg/con. Năm 2023 tôi xuất được 300kg với giá 170.000đ/kg, trong khi gà thường chỉ được 120.000đ/kg. Lấy công làm lãi thì lợi nhuận đạt 50%. Không có gì giáo dục tốt bằng hành động. Qua trang trại tôi dạy cho con cháu tình yêu lao động, tình yêu quê hương, tình yêu với sản phẩm nông nghiệp sạch”.
Mỗi sớm khi trời còn mờ sương ông Lượng đã dậy ngồi thiền trong tiếng gà rừng, gà nhà gáy râm ran. Sau khi ăn ngô, cám, đàn gà nhiều cựa lục tục kéo nhau lên đồi đến chiều mới bay qua mái nhà, qua ao về, lắm khi còn không thèm vào chuồng mà ngủ trên ngọn cây. Khách nào muốn đặt phải dặn ông từ hôm trước để nhốt gà lại từ đêm, còn bất thình lình ban ngày muốn ăn cũng đành chịu.
Có khách ở Hà Nội đặt mua cặp gà chín cựa với giá 19 triệu đồng đã yêu cầu đích thân anh Đức phải giao hàng vì gửi xe sợ đổi mất. Sau đó người này còn mua tiếp 4 con nữa, trong đó có cặp gà bạch tạng để biếu bố ở quê nuôi làm cảnh.
Nguồn: https://nongsanviet.nongnghiep.vn/htx-nuoi-hang-van-ga-chin-cua-huong-huu-co-co-con-gia-295-trieu-dong-d380223.html