Trong những năm qua, hàng trăm chương trình đào tạo đã được đánh giá và được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chương trình bởi các trung tâm kiểm định trong nước và nước ngoài.
Có thể nói công việc này đã tốn rất nhiều tiền bạc và các nguồn lực khác nhưng đổi lại liệu nó có góp phần cải thiện chất lượng ngành học thì chưa có kiểm chứng qua các nghiên cứu đánh giá.
Các đoàn kiểm định đánh giá ngoài phần lớn là đội ngũ giảng viên đại học thiếu sự tham gia của các chuyên gia từ các ngành sản xuất, dịch vụ vốn là những người hiểu sâu sắc nhất và cập nhật những kiến thức, kỹ năng, trang thiết bị chuẩn bị cho sinh viên trước khi hành nghề.
Kiểm định kiểu… thầy bói xem voi
Nguyên nhân đầu tiên dẫn tới những lỗ hổng trong kiểm định đại học là do chúng ta đồng phục hóa tiêu chuẩn kiểm định mà thiếu đi tiêu chuẩn riêng cho những ngành học mang tính chuyên nghiệp và ứng dụng cao như khối ngành kỹ thuật công nghệ, y khoa, sư phạm, luật…
Vừa qua tại hội thảo nâng cao chất lượng đào tạo bác sĩ, một số đại biểu kiến nghị cần phải có tiêu chuẩn kiểm định riêng cho ngành học này.
Nếu áp dụng tiêu chuẩn kiểm định chung sẽ bỏ qua các tiêu chuẩn chuyên môn mà người hành nghề này phải đáp ứng và chương trình đào tạo được kiểm định phải đảm bảo việc chuẩn bị cho sinh viên đáp ứng những đòi hỏi này.
Nguyên nhân thứ hai có thể kể đến là do việc áp dụng tiêu chuẩn chung như vậy nên các kiểm định viên được đào tạo và cấp chứng chỉ cũng chỉ có kiến thức, kỹ năng chung chung, rất khó có thể xem xét đánh giá một chương trình cụ thể ở mức độ chuyên môn sâu.
Ngoài ra, chương trình đào tạo kiểm định viên lại thiếu hẳn tiêu chuẩn chuyên nghiệp của các kiểm định viên đi từ bản mô tả vị trí việc làm kiểm định viên, nên chương trình đào tạo kiểm định viên khó đạt được mức xác thực như kỳ vọng.
Nguyên nhân thứ ba của lỗ hổng phải kể đến công tác tổ chức đoàn kiểm định đang mang nặng kiến thức thủ tục hơn là những kiến thức chuyên môn. Một số đoàn kiểm định đánh giá ngoài thường chỉ một hoặc hai người gọi là chuyên gia gắn với ngành hoặc gần với ngành học, còn lại hầu như không có chuyên môn về ngành học.
Thành ra, hiện tượng nhận xét theo kiểu “thầy bói xem voi” có thể xảy ra. Anh không có kiến thức chuyên môn về ngành y, luật, sư phạm mà đi đánh giá chương trình mang tính chuyên sâu thì rõ ràng là một cách làm hình thức, làm cho có.
Giá trị mà nhà trường được tổ chức kiểm định mang lại có lẽ chỉ còn lại quy trình đảm bảo chất lượng mang tính thủ tục, còn lại những vấn đề về chương trình giảng dạy, trang thiết bị phù hợp hoặc chất lượng giảng viên thực hiện chương trình giảng dạy sẽ khó có khuyến cáo giá trị để cải thiện chất lượng về thực chất.
Kết hợp giữa học thuật và chuyên môn
Từ những phân tích nêu trên, Bộ GD-ĐT nên sớm chỉ đạo xây dựng các tiêu chuẩn kiểm định riêng trước hết cho hai ngành y khoa và sư phạm đang có ảnh hưởng rất lớn đến xã hội nếu chất lượng chương trình đào tạo không đảm bảo.
Đồng thời nên có chương trình đào tạo bồi dưỡng riêng cho kiểm định chương trình theo ngành học mà không đưa hết học viên vào “một rọ” để đào tạo lẫn lộn cả kiểm định nhà trường và kiểm định chương trình vì sự tác nghiệp của một nhóm kiểm định viên không hoàn toàn giống nhau.
Việc tổ chức các đoàn kiểm định cần có sự hài hòa giữa chuyên gia học thuật và chuyên môn để đảm bảo đánh giá toàn diện các chương trình từ cả góc độ lý thuyết và thực tiễn, tránh kiểu “giáo sư biết tuốt” khi cho những nhận xét đánh giá ngoài chương trình.
Sự kết hợp này giúp duy trì sự đánh giá cân bằng và kỹ lưỡng về việc liệu các chương trình có đáp ứng các tiêu chuẩn giáo dục và chuyên môn cần thiết hay không.
Việc lấy các giảng viên ngành học từ các trường đại học có lợi thế do họ hiểu được các phương pháp giáo dục phù hợp với ngành học, những kỹ thuật phát triển chương trình giảng dạy và văn hóa của trường đại học.
Tuy nhiên, không bỏ qua những lĩnh vực đòi hỏi kinh nghiệm thực tế cao về chuyên môn. Kinh nghiệm này giúp kiểm định viên hiểu được các phương pháp sư phạm và phương pháp giáo dục phù hợp của từng lĩnh vực.
Kinh nghiệm cho thấy kiểm định viên là chuyên gia từ doanh nghiệp là khá phổ biến trên thế giới tham gia đoàn kiểm định đánh giá ngoài nhờ họ có kinh nghiệm thực tế. Họ có thể đánh giá liệu chương trình giảng dạy có cập nhật với các công nghệ, phương pháp và tiêu chuẩn ngành mới nhất hay không.
Họ có thể giúp thu nhỏ khoảng cách chênh lệch giữa giáo dục đại học và đòi hỏi từ thực tế, giúp loại bỏ những nội dung không ăn nhập với nhu cầu doanh nghiệp và tư vấn bổ sung những kiến thức cập nhật, góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo.
Tất nhiên, những chuyên gia từ ngoài doanh nghiệp cũng cần được đào tạo bồi dưỡng về tiêu chuẩn đánh giá, kiến thức thủ tục, kỹ năng giao tiếp, soạn thảo báo cáo…
Tóm lại, mặc dù việc kiểm định giáo dục đại học (bao gồm kiểm định cơ sở giáo dục và kiểm định chương trình) đang phát triển khá mạnh mẽ, nhưng việc xây dựng một chiến lược kiểm định cần được quan tâm đảm bảo hiệu quả thực chất từ hoạt động kiểm định để tự chủ đại học đi vào thực chất hơn, tránh “đồng phục hóa” tiêu chuẩn kiểm định chương trình chung chung.
Giá trị của kiểm định
Việc xây dựng bộ tiêu chuẩn kiểm định riêng cho những ngành đòi hỏi tính chuyên nghiệp sâu góp phần thúc đẩy công nhận bằng cấp xuyên biên giới, mở ra cơ hội việc làm cho người tốt nghiệp.
Đồng thời, nhà tuyển dụng dựa vào chứng nhận kiểm định để đảm bảo rằng sinh viên tốt nghiệp từ các chương trình này có những kỹ năng và kiến thức cần thiết.
Điều này đặc biệt quan trọng trong các lĩnh vực kỹ thuật và chuyên môn cao, nơi học phí rất cao như ngành y chẳng hạn và hậu quả gây ra có thể rất lớn nếu chất lượng không đảm bảo.
Nguồn: https://tuoitre.vn/lo-hong-kiem-dinh-dai-hoc-20240505223736258.htm